Hoàn chỉnh hệ thống chấm điểm và xếp hạng khách hàng

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 77)

Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng không đơn giản chỉ là việc tìm ra những tồn tại và tìm cách khắc phục những tồn tại đó. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, quá trình hoàn thiện phải vừa khắc phục được những nhược điểm còn tồn tại của công tác xếp hạng, vừa đảm bảo tiếp tục phát huy những mặt tích cực đang đạt được. Nâng cao hiệu quả, chất lượng của kết quả xếp hạng, phục vụ tốt cho nhiều mục đích, góp phần đáng kể vào chất lượng cho vay ngắn hạn tại Chi nhánh BIDV Cầu Giấy.

Ưu điểm lớn nhất của Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đang áp dụng tại BIDV Cầu Giấy cũng như những chi nhánh khác trong hệ thống BIDV, đó là bộ chỉ tiêu khá bao quát với 35 ngành kinh tế, mỗi bộ chỉ tiêu gồm khoảng 14 chỉ tiêu tài chính và 40 chỉ tiêu phi tài chính. Do đó, việc dựa trên bộ chỉ tiêu cơ bản này để phát triển, hoàn

thiện các chỉ tiêu với các ngành mới hay cho một doanh nghiệp cụ thể khá thuận lợi. Tuy nhiên, Chi nhánh cũng cần phải thực hiện một số giải pháp sau để hoàn thiện hơn nữa công tác xếp hạng tín dụng:

- Hoàn thiện công tác tổ chức xếp hạng tín dụng:

Bố trí nhân lực theo hướng chuyên môn hóa công tác xếp hạng tới từng nhóm ngành, từng lĩnh vực kinh doanh, tận dụng kinh nghiệm, sự am hiểu của cán bộ tín dụng, từ đó vừa nâng cao chất lượng xếp hạng, vừa thuận lợi cho cán bộ tín dụng của Chi nhánh trong quá trình thẩm định doanh nghiệp và quản lý các khoản vay.

- Thực hiện xếp hạng tín dụng với đầy đủ các đối tượng doanh nghiệp vay vốn:

Phân chia các ngành, nhóm ngành kinh tế một cách có hệ thống, thống nhất với hệ thống kinh tế của Chính phủ. Xây dựng bộ chỉ tiêu và có những quy định xếp hạng riêng đối với các doanh nghiệp đa ngành, công ty mẹ, công ty con, doanh nghiệp thành lập mới để đảm bảo đúng khả năng hoàn trả và không bỏ sót những rủi ro tiềm ẩn đối với Chi nhánh.

- Hoàn thiện phương pháp phân tích:

Phương pháp dùng trong phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tại BIDV Cầu Giấy hiện nay chủ yếu là phương pháp so sánh. Cơ sở so sánh là bộ giá trị chuẩn mà BIDV đã xây dựng từ trước. Các giá trị này thường cố định, ít được cập nhập cho phù hợp với thực tế tình hình kinh tế thị trường luôn diễn biến phức tạp và đa dạng. Do vậy, để hoàn thiện phương pháp phân tích, tại BIDV Cầu Giấy có thể áp dụng giải pháp sau:

Đối với việc xây dựng các chỉ số tài chính thuộc các ngành kinh tế, nên sử dụng kết hợp phương pháp thống kê và phương pháp chuyên gia. Các dữ liệu thống kê bình quân ngành làm cơ sở cho bộ giá trị chuẩn cần được thay đổi định kỳ hàng năm, phù hợp với những vận động của nền kinh tế. Để làm được điều này, hàng năm Chi nhánh phải phối hợp với Hội sở chính và các chi nhánh khác trong toàn hệ thống BIDV nghiên cứu tình hình hoạt động của từng ngành kinh tế, nắm được những thay đổi, thuận lợi, khó khăn, những biến động của từng ngành, kết hợp với các yếu tố cần thiết khác để xây dựng được bảng điểm chuẩn cho từng ngành kinh tế. Đối với các mức điểm khác nhau của một chỉ tiêu, cần khảo sát thống kê thực tế tương quan với mức xếp hạng để xây dựng thang điểm hợp lý.

- Xây dựng nội dung xếp hạng tín dụng theo thời hạn các khoản vay:

Với các khoản tín dụng trung và dài hạn thường được sử dụng nhằm phát triển quá trình tái sản xuất theo chiều rộng hoặc chiều sâu, Ngân hàng cần cho điểm các chỉ tiêu như khả năng sinh lời của doanh nghiệp, tầm nhìn chiến lược trong dài hạn của doanh nghiệp, triển vọng của ngành …với tỷ trọng cao hơn. Ngược lại, đối với những khoản vay ngắn hạn, Ngân hàng phải đặt trọng tâm vào các chỉ tiêu như đo lường khả năng thanh toán ngắn hạn, tốc độ luân chuyển của hàng tồn kho và các khoản phải thu… - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xếp hạng:

Quy mô khách hàng doanh nghiệp tại BIDV Cầu Giấy ngày một tăng lên, khối lượng thông tin khách hàng là hết sức lớn. Công tác chấm điểm, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp muốn đạt được hiệu quả cao cần có một hệ thống quản lý thông tin nội bộ chuyên nghiệp, hiện đại, cập nhập, đáp ứng đầy đủ các thông tin mà cán bộ tín dụng cần. Bên cạnh đó cũng cần nâng cấp khả năng bảo mật thông tin khách hàng, tránh thất lạc thông tin và giữ uy tín cho Chi nhánh ngân hàng. Yêu cầu này chỉ thực hiện được trên cơ sở một nền công nghệ thông tin hiện đại.

Chi nhánh BIDV Cầu Giấy cần xây dựng cho mình một chiến lược công nghệ dài hạn trên cơ sở chiến lược kinh doanh nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ mang lại. Các quyết định về đầu tư và hiện đại hóa công nghệ thông tin không chỉ đòi hỏi một nguồn lực tài chính lớn mà còn đòi hỏi một sự đầu tư lớn về chất xám nhằm đảm bảo công nghệ được lựa chọn là thích hợp và có khả năng nâng cấp, phát triển để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w