Nâng cao hiệu quả thu thập và xử lý thông tin

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 69)

Thông tin là yếu tố đầu vào quan trọng và đóng vai trò quyết định đối với công tác tín dụng của ngân hàng. Do đó, thu thập thông tin qua những kênh nào, bằng phương pháp cụ thể gì, quá trình thu thập thông tin ra sao để vừa phục vụ đắc lực cho công tác tín dụng vừa đảm bảo khoa học, tiết kiệm thời gian và chi phí là điều hết sức đáng

quan tâm. Sau đây là một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng thông tin đầu vào có thể áp dụng tại Chi nhánh BIDV Cầu Giấy:

Thứ nhất: Khai thác tối đa hiệu quả của nguồn thông tin từ hồ sơ doanh nghiệp cung cấp.

Một số thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, thẩm định tín dụng thường được doanh nghiệp cung cấp qua hồ sơ vay vốn như: số tiền vay, thời gian vay, mục đích sử dụng, nguồn trả nợ dự kiến, tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường, tài sản đảm bảo (nếu có)… Những thông tin do doanh nghiệp cung cấp tuy tính khách quan không cao nhưng cũng giúp ngân hàng hình dung được toàn cảnh về thế mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp. Do đó, cán bộ tín dụng phải thiết kế được phương pháp phỏng vấn hợp lý, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu liên quan hoặc quan sát trực tiếp cơ sở kinh doanh của khách hàng để nâng cao chất lượng của nguồn thông tin này.

Thứ hai: Nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin từ hệ thống thông tin nội bộ BIDV.

Ngay tại Chi nhánh cần thành lập được một bộ phận, phòng ban riêng chuyên phụ trách công tác lưu giữ, xử lý, cập nhập và dự báo thông tin khách hàng, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Có thể chuyên môn hóa đến từng cán bộ trách nhiệm về thông tin khách hàng theo ngành, lĩnh vực hoạt động nhằm nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống. Tận dụng tối đa hiệu quả của hệ thống thiết bị hỗ trợ, đồng thời tăng cường triển khai đồng bộ các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào vận hành hệ thống này trong toàn Chi nhánh.

Ngoài ra, một phần thông tin dùng cho công tác thẩm định, quản trị tín dụng là khai thác từ nội bộ ngân hàng do bộ phận kế toán cung cấp. Do vậy, cần nâng cao chất lượng kế toán quản trị tại Chi nhánh, đặt ra yêu cầu đối với bộ phận kế toán nhằm thiết kế và cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ cho công tác tín dụng đảm bảo nhanh chóng, chính xác và đầy đủ.

Thứ ba: Xây dựng hệ thống các thông tin từ bên ngoài Ngân hàng.

- Xây dựng mối quan hệ thông tin hai chiều giữa Chi nhánh với NHNN và Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) hữu hiệu, trên tinh thần hợp tác cao độ, quy định cụ thể và rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn mỗi bên, áp dụng cơ chế thưởng phạt chặt chẽ. Thông tin có hệ thống, bao quát toàn bộ các NHTM Việt Nam của NHNN và CIC sẽ đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giữa các ngân hàng với nhau, tránh cho vay chồng chéo, tránh xảy ra hiện tượng một khách hàng được vay vốn tại nhiều ngân hàng cùng với một bộ hồ sơ… Mặt khác, giúp NHNN quản lý và đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng, hạn chế rủi ro tín dụng.

- Tận dụng nguồn thông tin từ các cơ quan Nhà nước khác có liên quan: Bộ tài chính, Cục thuế, cơ quan hải quan… Hiện nay, trong điều kiện cơ sở pháp lý về trao đổi thông tin giữa ngân hàng với các cơ quan này còn chưa được quan tâm điều chỉnh,

không còn cách nào khác là Chi nhánh phải tự tạo lập được mối quan hệ thường xuyên, mật thiết, chủ yếu trên cơ sở các mối quan hệ của cán bộ tín dụng để gửi công văn hỏi xin thông tin đối với từng đối tượng khách hàng cụ thể.

- Khai thác tối đa nguồn thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, internet, tạp chí chuyên ngành, các đối tác, các hiệp hội mà doanh nghiệp tham gia… Thông tin từ các nguồn này có đặc điểm phong phú, đa phần truy cập đơn giản nhưng lại đòi hỏi khả năng trình độ và sự nhạy bén nhất định trong xác thực thông tin của cán bộ tín dụng Chi nhánh.

- Sử dụng các dịch vụ thông tin tín dụng từ các công ty thông tin tín dụng tư nhân: Hiện nay, Chính phủ và NHNN vừa mới cho phép các công ty tư nhân có đủ điều kiện theo quy định được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực thông tin tín dụng. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho công tác thu thập và xử lý thông tin đầu vào, thông tin từ các công ty tư nhân có ưu điểm là đảm bảo tính linh hoạt và các điều kiện sử dụng thông thoáng hơn so với thông tin từ CIC của NHNN, hơn nữa lại mang tính cạnh tranh nên các thông tin thường rất xác thực. Tuy nhiên, đây là nguồn thông tin còn rất mới mẻ, Chi nhánh nên chủ động tìm kiếm và hợp tác từ bây giờ để có thể tận dụng nguồn thông tin này trong tương lai gần.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w