Các nhân tố từ phía ngân hàng

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 29)

- Chính sách tín dụng:

Chính sách tín dụng phản ánh cương lĩnh tài trợ của một ngân hàng, được hiểu là đường lối, chủ trương đảm bảo cho hoạt động cho vay đi đúng quỹ đạo, liên quan đến việc mở rộng hay thu hẹp cho vay, tạo sự thống nhất chung trong hoạt động cho vay toàn hệ thống. Chính sách tín dụng bao gồm: chính sách về khách hàng, chính sách quy mô và giới hạn cho vay, lãi suất cho vay và mức lệ phí, thời hạn cho vay và kỳ hạn nợ, các khoản đảm bảo… Chính sách tín dụng được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như các điều kiện kinh tế, chính sách tiền tệ và tài chính của Ngân hàng Nhà nước, khả năng về vốn của ngân hàng và nhu cầu tín dụng của khách hàng. Khi các yếu tố này thay đổi thì chính sách tín dụng cũng thay đổi theo.

Chính sách tín dụng giữ vai trò quyết định đến chất lượng cho vay của ngân hàng, một chính sách tín dụng đúng đắn sẽ thu hút nhiều khách hàng, đảm bảo khả năng sinh lời từ hoạt động cho vay trên cơ sở hạn chế rủi ro, tuân thủ phương pháp, đường lối chính sách của Nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội. Bất cứ ngân hàng nào muốn có chất lượng cho vay tốt cũng đều phải có chính sách tín dụng khoa học, phù hợp với thực tế của ngân hàng cũng như của thị trường.

- Công tác tổ chức ngân hàng:

Đây là hoạt động mà mọi NHTM đều phải quan tâm, luôn tiến hành đổi mới, hiện đại hóa tổ chức ngân hàng. Công tác tổ chức ngân hàng được thực hiện tốt thể hiện là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban trong từng ngân hàng, trong toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như giữa ngân hàng với các tổ chức khác như tổ chức tài chính, tổ chức pháp lý… là sự thống nhất từ trên xuống dưới, từ ban lãnh đạo đến từng phòng ban, từng cán bộ công nhân viên.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban sẽ tạo điều kiện cho việc quản lý các khoản cho vay ngắn hạn một cách kịp thời, sát sao. Đây là cơ sở để tiến hành các nghiệp vụ tín dụng lành mạnh, hiệu quả hơn.

- Khả năng thẩm định cho vay:

Thẩm định cho vay là khâu quan trọng trong hoạt động cho vay và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cho vay. Thẩm định là khâu đánh giá, dự đoán, thẩm tra về độ chính xác, an toàn và hiệu quả của một hợp đồng tín dụng. Trong quá trình thẩm định yêu cầu phải có trình độ chuyên môn và sự phán đoán linh hoạt, tuy nhiên phải tuân thủ nghiêm ngặt về hồ sơ và an toàn thông tin.

Đặc biệt với những khoản vay ngắn hạn, do tính đặc thù của hoạt động này là cho vay thường xuyên nhằm đáp ứng kịp thời vốn lưu động cho các doanh nghiệp do đó

thẩm định phải nhanh chóng kịp thời nhưng phải chính xác bảo đảm an toàn cho đồng vốn bỏ ra.

- Chất lượng cán bộ tín dụng:

Để đảm bảo chất lượng cho vay được nâng cao thì đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó con người là nhân tố trung tâm, là yếu tố quyết định sự thành bại trong quản lý vốn, tài sản của ngân hàng. Sở dĩ như vậy là vì cán bộ tín dụng là người tham gia trực tiếp vào mọi khâu của quy trình cho vay, từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì hoạt động của ngân hàng cũng ngày càng tinh vi và phức tạp, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn để đánh giá chính xác nghiệp vụ, đồng thời lĩnh hội và ứng dụng khoa học tiên tiến. Trình độ cán bộ quản lý điều hành và cán bộ tín dụng có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cho vay. Khách hàng của ngân hàng rất đa dạng, do đó trình độ của cán bộ tín dụng phải cao và hiểu biết phong phú về các lĩnh vực xã hội để đánh giá được một khoản cho vay.

- Vấn đề thông tin tín dụng:

Trong nền kinh tế mở thì thông tin là một yếu tố rất quan trọng, là một công cụ vô cũng hữu ích cho những ai biết cập nhập và sử dụng hiệu quả thông tin. NHTM hoạt động trong một lĩnh vực rất nhạy cảm đối với nền kinh tế và đầy tính rủi ro, do đó thông tin càng cực kỳ quan trọng. Đối với nghiệp vụ cho vay, ngân hàng thường không đủ thông tin về lợi tức tiềm ẩn và rủi ro kèm theo với dự án mà người vay định tiến hành. Việc thiếu thông tin tạo ra ảnh hưởng rất xấu tới chất lượng khoản vay, dẫn đến rủi ro không trả được nợ của khách hàng. Do vậy nắm bắt không đầy đủ chính xác về thông tin sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cho vay.

- Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ:

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ giúp cho các nhà lãnh đạo ngân hàng nắm được tình hình hoạt động kinh doanh đang diễn ra, điều hành công việc theo đúng quy chế, đúng pháp luật, phát hiện những thuận lợi, khó khăn, sai trái, từ đó đề ra các biện pháp giải quyết kịp thời.

Chất lượng cho vay phụ thuộc vào việc chấp hành những quy định, thể lệ, chính sách và mức độ phát hiện kịp thời những sai sót cũng như nguyên nhân dẫn đến những lệch lạc trong quá trình thực hiện một khoản cho vay.

- Công nghệ ngân hàng, trang bị kỹ thuật:

Công nghệ ngân hàng cũng là một nhân tố tác động đến chất lượng cho vay ngắn hạn của ngân hàng. Một ngân hàng sử dụng công nghệ hiện đại, được trang bị các phương tiện kỹ thuật sẽ tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, đem lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng. Công nghệ ngân hàng hiện đại làm tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường, tạo điều kiện thu hút thêm khách hàng, giữ vững và mở rộng thêm thị phần.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 29)