7. Tổng quan về tình hình nghiên cứu liên quan
2.3.11. Xác định các điểm mạnh và yếu quan trọng của du lịch Hà Tiên
Để xác định những điểm mạnh, điểm yếu của du lịch Hà Tiên một cách khoa học, cần phải so sánh tương quan với các địa phương có ngành du lịch tương đối phát triển. Tuy nhiên, do giới hạn về thời gian và khả năng nên chỉ chọn phân tích ngành du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh trở vào phía Nam là đối thủ cạnh tranh chính của du lịch Hà Tiên, ở đây tác giả chọn điểm du lịch huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) và huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và tác giả chỉ có thể thu thập tương đối đầy đủ thông tin về các đối thủ này.
a. Du lịch huyện Ngọc Hiển (Cà Mau)
Huyện Ngọc Hiển là huyện tận cùng của đất nước Việt Nam, có Mũi Cà Mau là điểm mốc quốc gia cuối cùng trên đất liền về phía nam (có ý nghĩa như Mục Nam Quan ở biên giới phía Bắc). Khu vực Đất Mũi Cà Mau là điểm cuối cùng của tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 1A nối dài) sẽ được đầu tư trong thời gian tới. Vùng phía Nam của tỉnh Cà Mau, trong đó trọng tâm là huyện Ngọc Hiển là khu vực cuối, là điểm đến của hành lang kinh tế phía nam của tiểu vùng kinh tế Mê Kông mở rộng. Địa bàn huyện Ngọc Hiển là một bán đảo, phía Bắc tiếp giáp với huyện Năm Căn, còn lại có 3 mặt tiếp giáp biển với chiều dài bờ biển 98 km. Trên vùng biển có cụm đảo Hòn Khoai cách đất liền khoảng 14 km (Hòn Đá Lẻ có toạ độ 8o22’8” vĩ độ Bắc và 104o52’4” độ kinh Đông là toạ độ điểm chuẩn đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam).
Đặc điểm địa hình, thuỷ văn của huyện nói chung và vùng Đất Mũi nói riêng thuận lợi cho phát triển giao thông đường thuỷ, du lịch sông nước, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, rừng ngập mặn,… Những đặc thù của điều kiện thuỷ văn đã được nhân dân địa phương ứng dụng vào sản xuất và đời sống từ lâu đời, tạo nên những nét đặc thù của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ nói chung và của huyện Ngọc Hiển nói riêng, đó là: việc xuồng ghe đi lại theo con nước, đóng đáy sông, đáy biển, lấy nước và xả nước các đầm tôm,… đã tiết kiệm được nhiều về chi phí và sức lao động, phù hợp với sinh trưởng phát triển tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhất là rừng đước.
Huyện Ngọc Hiển có các địa điểm du lịch sau đây:
- Sân chim Ngọc Hiển: là điểm du lịch sinh thái và nghiên cứu về các loài chim trong môi trường sinh thái tự nhiên được bảo vệ tốt của Cà Mau. Sân chim Ngọc Hiển có diện tích tự nhiên rộng 130 ha. Là một trong những sân chim tự nhiên lớn nhất nước. Sân chim Ngọc Hiển có dòng sông Bảy Háp chảy qua cùng với hệ thống kênh ngòi chằng chịt, với thảm thực vật phong phú và xanh tươi quanh năm đã là môi trường thiên nhiên trong lành chưa bị con người huỷ hoại, nơi trú ngụ của các loài chim bay đến hàng năm.
- Mũi Cà Mau: cách thành phố Cà Mau 118 km bằng đường thủy. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam du khách thấy mặt trời mọc trên phía Đông và lặn ở phía Tây. Cà Mau như một vòng cung, mỗi năm phù sa theo những con sông đổ về lắng tụ đã tạo nên ở đây các bãi bồi dài khoảng 100 m, rộng hàng trăm hecta dọc theo phía Đông và phía Tây, như một hiện tượng tự nhiên, hàng năm mở rộng diện tích ra biển tới vài trăm hecta. Cây mắm, cây bần, cây đước cứ theo thế mà phát triển mở rộng dần diện tích rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi to lớn về tôm cá và nhiều loại thủy sinh khác. Nằm sâu trên đất liền là các loại rừng ngập nước với rừng tràm và các trảng cỏ ngập nước theo mùa. Với 239 loài thực vật cổ rừng tràm và rừng ngập mặn, 36 loài thú thuộc 17 họ, 194 loài chim, 260 loài cá và nhiều loài lưỡng cư, bò sát, trong số đó có những loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, rái cá lông mượt, mèo cá, sóc chuột lửa, cá sấu hoa cà, rùa, kỳ đà hoa, trăn gấm,... Đến đây du khách mới được ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của rừng, bao la của biển cả. Đến Đất Mũi, du khách được thưởng thức đặc sản tươi ngon còn mặn mùi phù sa như hàu, sò huyết, sò lông, vọp, ốc len, tôm, cua, ghẹ,… vừa trải lòng với các bài ca vọng cổ đằm thắm, sâu lắng đi vào lòng người, mạng đậm nét văn hóa truyền thống Đồng Bằng Nam Bộ.
- Đảo Hòn Khoai: cách đất liền 14,6 km, nằm về phía tây nam thị trấn Năm Căn. Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã lôi cuốn. Quần đảo bao gồm 5 hòn đảo sát nhau: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương với tổng diện tích 4 km2. Hòn Khoai là một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của Tổ quốc. Đến Hòn Khoai, ngoài việc du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của những bãi biển đầy đá cuội tròn như trứng ngỗng, du khách còn có dịp leo núi, băng rừng, trực tiếp ngắm nhìn một thảm rừng nguyên sinh cực kỳ quý hiếm ở nước ta với hơn 1.000 loại thực vật và hàng trăm giống chim thú vẫn còn nguyên vẹn. Từ trên ngọn hải đăng, du khách còn có dịp được các chiến sĩ biên phòng cho phép thông qua kính viễn vọng, nhìn một trong 5 hòn đảo vây quanh hòn Khoai là hòn Đồi Mồi với thảm thực vật xanh biếc, giống hệt con đồi mồi đang bơi giữa biển xanh. Đặc biệt, bạn có thể hướng kính viễn vọng về mũi Cà Mau để một lần trong đời được chiêm ngưỡng từ xa cái mũi đất thiêng liêng của tận cùng tổ quốc, mà không dễ có ai ngắm được nếu không ra Hòn Khoai. [23]
* Điểm mạnh
- Giàu tài nguyên về biển, rừng, khoáng sản.
- Khí hậu ôn hòa có nhiệt độ trung bình từ 25-27 0C.
- Có sân chim Ngọc Hiển và đảo Hòn Khoai là nơi phát triển du lịch sinh thái. - Là nơi đặc biệt khi được gọi là miền cực Nam của Tổ quốc.
- Có hệ thống biển đảo đẹp.
- Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng quy mô kinh doanh của đơn vị mình, khai thác tiềm năng đặc trưng của cảnh quan môi trường sinh thái cũng như sinh hoạt văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống.
* Điểm yếu
- Đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ còn yếu và thiếu chưa theo kịp nhu cầu phát triển, bên cạnh các doanh nghiệp du lịch chưa quan tâm việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho nhân viên làm công tác phục vụ khách du lịch.
- Tại các khu, điểm tham quan du lịch còn xảy ra tình trạng cò mồi, tranh giành khách, cảnh buôn bán vô tổ chức nơi tham quan, đã làm cho môi trường du lịch thiếu văn minh, lịch sự.
- Chủ yếu phát triển du lịch sinh thái, đây là điểm mạnh đồng thời cũng là điểm yếu của ngành du lịch khi mà du khách muốn lựa chọn nhiều loại hình du lịch.
- Lượng mưa trung bình năm ở Cà Mau cao nhất so với các nơi khác trong khu vực; trung bình có 165 ngày mưa/năm, lượng mưa đạt khoảng 2.400 mm. Đây là yếu tố gây khó khăn nhiều cho ngành du lịch.
- Vì là miền cực Nam của Tổ quốc, nên gây khó khăn cho lịch trình du lịch cho du khách.
b. Du lịch huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)
Phú Quốc hay còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại Kiên Giang. Nằm trong vịnh Thái Lan, đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km². Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Năm 2006, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 567 km² (56.700 ha), dài 49 km.
Một số địa điểm khi đến du lịch Phú Quốc:
- Suối Tiên: chảy từ trên núi xuống với tổng chiều dài ước lượng trên dưới 1 km. Giống như suối Đá Bàn, suối Tranh, lòng suối Tiên cũng có những tảng đá to và khá bằng phẳng có thể trở thành những “thạch bàn” cho khách nhàn du nghỉ chân. Suối chảy len lỏi theo núi đá, đoạn dưới suối tạo thành thác nhỏ và một hồ nước khá rộng. Sau chặng đường khá xa với đoạn cuối cùng phải cuốc bộ, nhảy qua vô số tảng đá, du khách chỉ muốn ngay lập tức đắm mình trong làn nước mát lạnh. Tại đây, du khách có thể bơi lội thoả thích, thậm chí có thể đưa lưng vào thác để nước suối “mát xa thiên nhiên”. Suối Tiên không phải là một điểm du lịch lớn, có sức quyến rũ như các bãi biển, nhưng nó lại hấp dẫn mọi du khách bởi khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và còn rất nguyên sơ.
- Dinh Cậu: còn có tên gọi là Miếu thờ Long Vương. Miếu thờ này được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, kỳ thú được tạo nên từ ghềnh đá và biển, liên quan với đạo thờ Mẫu. Trước mỗi chuyến ra khơi hay vào dịp lễ tết, người dân đảo lại đến thắp nhang cầu mong cho những chuyến đi biển được bình an. Hàng năm,
vào ngày 15-16/10 âm lịch, nhân dân mở hội lớn, có rất đông người tham dự. Tọa lạc trên một ghềnh đá vươn ra biển, Dinh Cậu luôn sừng sững, hiên ngang trước sóng to gió lớn nhưng lại trở nên huyền diệu, lung linh. Phía trước Dinh Cậu là cửa Dương Đông, nơi có ghềnh đá dài với những mỏm đá nổi lô nhô. Khi những đợt gió mùa thổi về, hàng ngàn ngọn sóng trắng xoá đổ vào cửa sông dào dạt. Liền kề Dinh Cậu là bãi Dương Đông với bờ biển cát vàng, nước xanh, rực nắng (còn gọi là bãi tắm Dinh Cậu).
Dinh Cậu hiện là điểm đến của khách du lịch với hàng trăm ngàn lượt người mỗi năm. Lên Dinh lắng nghe tiếng sóng rì rào mang đậm vị mặn mà của biển và trải lòng với thiên nhiên là điều thú vị rất riêng mà chỉ nơi này mới có.
- Vườn Quốc gia Phú Quốc: nằm về phía đông bắc đảo Phú Quốc, thuộc địa phận các xã: Bãi Thơm, Cửa Dương và Hàm Ninh của huyện. Đây là một trong những Vườn Quốc gia của Nam Bộ vẫn còn giữ được nguyên vẹn khu rừng già nguyên sinh. Nơi đây còn hội tụ nhiều nét đẹp của thiên nhiên với rừng, biển, suối, thác và núi đồi. Hệ thực vật ở Vườn Quốc gia Phú Quốc khá phong phú. Thảm thực vật ở đây chủ yếu là rừng thường xanh mọc trên địa hình đồi núi thấp với tổng số lượng lên tới vài trăm loài, bao gồm: các loài cây đại mộc (tràm, đậu, vên vên, dầu song nàng, dầu cát, cầy, dẻ, săng sót, da, bứa,…), các loài phong lan quý (lan vân hài, ái lan lá đẹp, âm lan núi,…), các loài dược thảo quý (hà thủ ô, bí kỳ nam, cam thảo, nhân trần, đỗ trọng, sa nhân,…) và một số loài sống ký sinh khác (phong lan, dương xỉ, dây leo bông trắng,…). Bên cạnh một hệ thực vật phong phú, hệ động vật ở đây cũng rất đa dạng bao gồm: 30 loài thú, trong đó 5 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như: sói rừng, khỉ bạch, vượn pillê,…; 200 loài chim với 4 loài được ghi vào danh mục Đỏ của tổ chức IUCN và 3 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam; 50 loài bò sát, trong đó 9 loài được ghi vào danh mục IUCN và 18 loài ghi vào sách Đỏ trong nước,…
- Nhà tù Phú Quốc: Di tích lịch sử nhà lao Cây Dừa, tức nhà tù Phú Quốc, tọa lạc tại thị trấn An Thới. Nhà lao này được xây dựng từ thời Pháp, thuộc xóm Cây Dừa trước đây nên mới có tên gọi như vậy. Thời Việt Nam Cộng Hoà, nhà lao Cây Dừa được mở rộng trở thành trại giam lớn nhất đương thời với tên gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc hay Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc. Mỗi năm khu di tích đón hơn 10 nghìn lượt khách. Có những tù nhân cũ trở về thăm lại nhà ngục xưa. Nhiều du khách trẻ tuổi ở mọi miền đất nước, khi đến Phú Quốc du lịch, ngoài những thắng cảnh nổi tiếng, cũng không quên ghé thăm di tích này. Khách nước ngoài đến
thăm di tích mỗi lúc một đông hơn. Còn học sinh trên đảo thường đến đây để học những trang sử sống động về Phú Quốc và lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Ngoài những địa điểm du lịch kể trên, Phú Quốc còn có những điểm tham quan như: Suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Đá Ngọn, Thánh thất Cao Đài, hang Dơi, đền thờ Nguyễn Trung Trực, làng chài Hàm Ninh,.. mặc sức cho du khách khám phá. [24]
* Điểm mạnh
- Phú Quốc có 4 đặc sản rất đặc biệt: nước mắm, hồ tiêu, rượu sim và ngọc trai. - Giàu tài nguyên về biển, rừng, khoáng sản.
- Chính phủ vừa ký quyết định đầu tư cho 5 đơn vị phát triển kinh tế, Phú Quốc là một trong 5 đơn vị ấy, được sự kích thích trên, Phú Quốc sẽ bừng dậy với một khí thế mới để khai thác tiềm năng của mình.
- Có sân bay Dương Đông tuyến Phú Quốc - Rạch Giá và tuyến Phú Quốc – thành phố Hồ Chí Minh; và mới đây vào cuối năm 2012 vừa khánh thành Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
- Có hệ thống resort đạt tiêu chuẩn quốc tế.
* Điểm yếu
- Vì là huyện đảo nên vào mùa mưa bão, các du khách không thể nào đến được Phú Quốc.
- Đầu tư hạ tầng cơ sở chưa hoàn chỉnh, các tuyến đường ngoài khu vực thị trấn Dương Đông chưa được xây dựng hoàn chỉnh gây trở ngại cho du khách muốn tham quan các địa điểm ngoài thị trấn.
- Giá cả dịch vụ khá cao.
- Tại các khu, điểm tham quan du lịch còn xảy ra tình trạng cò mồi, tranh giành khách, cảnh buôn bán vô tổ chức nơi tham quan, đã làm cho môi trường du lịch thiếu văn minh, lịch sự.
Thông qua việc phân tích, so sánh với các địa phương như trên, tác giả rút ra những điểm mạnh, điểm yếu cơ bản của du lịch thị xã Hà Tiên như sau:
Các điểm mạnh của du lịch Hà Tiên
- Nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, đa dạng, hấp dẫn và đặc sắc. Có loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch sinh thái.
- Lực lượng lao động đang tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Người dân địa phương thân thiện, chất phác.
- Có đường biên giới chung với Campuchia, cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và cột mốc biên giới 314.
- Cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống có giá cả hợp lý.
- Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. - Có đội ngũ nhân viên hướng dẫn du lịch thông thạo tiếng Kh’me.
- Có các lễ hội (Năm văn hóa du lịch, Giỗ Mạc Cửu, Tao đàn Chiêu Anh Các) được tổ chức hàng năm.
- An ninh, trật tự xã hội ổn định.
Các điểm yếu của du lịch Hà Tiên
- Hoạt động xúc tiến và quảng bá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa mang tính chuyên nghiệp.
- Ứng dụng hệ thống thông tin chưa hiệu quả.
- Vị trí địa lý không thuận lợi, nằm ở cực Tây Nam đất nước.
- Các điểm hội nghị chưa đủ sức chứa số lượng khách đông với những cuộc hội