7. Tổng quan về tình hình nghiên cứu liên quan
2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
2.2.2.1. Tài nguyên du lịch nhân văn vật thể
Tính đến nay, trên địa bàn thị xã Hà Tiên đã có 09 di tích được Nhà nước xếp hạng. Trong đó, có 05 di tích cấp quốc gia là: Di tích lịch sử Nhà tù Hà Tiên, di tích thắng cảnh Thạch Động, Mũi Nai, Bình San, Đá Dựng và 04 di tích cấp tỉnh là: Di tích chứng tích chiến tranh chùa Xà Xía, di tích lịch sử văn hóa chùa Phù Dung, chùa Tam Bảo, đình thần Thành Hoàng.
2.2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể a. Các lễ hội
- Vào ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736) tại vùng đất Hà Tiên, Tổng binh Đại đô đốc Mạc Thiên Tích đã cùng nhiều danh sỹ tài hoa thời đó lập nên Tao đàn Chiêu Anh Các vang danh trong ngoài biên ải, khai mở nền thơ ca Hà Tiên. Chính vì thế, lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm là một hoạt động truyền thống nhằm tôn vinh giá trị văn hoá độc đáo của Tao đàn Chiêu Anh Các, đồng thời cũng nhằm thể hiện lòng tri ân đối với công lao của các bậc tiền nhân có công khai khẩn và bảo vệ vùng đất biên ải Hà Tiên thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các gắn liền với 14 lễ hội đặc sắc như: thả hoa đăng trên đầm Đông Hồ, phố ẩm thực, phố thầy đồ, lễ tế trời đất cầu quốc thái, dân an trên đỉnh núi Bình San trong đêm nguyên tiêu, họp mặt truyền thống văn nghệ sỹ, các hoạt động dân gian, triển lãm thư pháp, văn thơ và các hoạt động bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy hải sản trên Đầm Đông Hồ.
- Lễ hội giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu: tổ chức trong 03 ngày 25-27 tháng 5 Âm lịch. Gồm nhiều chương trình lễ và hội như: rước sắc, thỉnh sắc, tế thần, cùng các hoạt động biễu diễn văn nghệ, võ thuật, giải Taekwondo, bóng đá, diễu hành xe hoa,…
- Lễ Năm văn hóa du lịch: được tổ chức hằng năm vào ngày 01/01 Dương lịch. Điểm đặc sắc của lễ hội là có hội chợ ẩm thực mang nét riêng của đặc sản Hà Tiên; ngoài ra còn có các hoạt động thể dục, thể thao, biểu diễn văn nghệ thu hút lượng khán giả đến xem không nhỏ.
- Vào ngày 15-17 tháng hai Âm lịch, lễ Kỳ Yên được tổ chức tại Đình Thần Hoàng, gồm nhiều lễ tế khá phức tạp nhưng cũng khá bài bản, trong đó có ba lễ chính là: Túc yết, Đàn cả (quan trọng nhất) và Lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền. Đây là lễ hội cầu quốc thái, dân an.
Điểm mạnh tiếp theo của du lịch Hà Tiên: “Có các lễ hội (Năm văn hóa du lịch, Giỗ Mạc Cửu, Tao đàn Chiêu Anh Các) được tổ chức hàng năm”.
b. Nghề thủ công truyền thống
Hiện nay, Hà Tiên chưa có làng nghề thủ công. Tuy nhiên, khi nhắc đến nghề truyền thống ở Hà Tiên có thể nói đến huyền phách và đồi mồi. Đến Hà Tiên, du khách có thể mua xâu chuỗi, vòng cổ,… được làm từ huyền phách; lược, gọng kính, trâm cài đầu,… làm từ đồi mồi. Nghề làm vẩy đồi mồi từ lâu đã tạo cho Hà Tiên có
một vị thế đặc biệt trong làng mỹ nghệ cả nước. Nói tới đồi mồi, người ta liên tưởng ngay đến Hà Tiên. Sản phẩm đồi mồi Hà Tiên đã vượt biên giới quốc gia và có mặt từ lâu trên thị trường thế giới. Ngoài ra, các vật trang trí được làm từ vỏ ốc cũng được du khách ưa chuộng, nước mắm Hà Tiên tuy không thể so với Phú Quốc, nhưng so với các địa phương khác thì hơn hẳn về chất lượng. Có thể kể thêm một số nghề ngày càng bị thất truyền:
- Chằm lá:
Lá dừa nước được trồng nhiều ở Cừ Đứt, Thuận Yên và Phú Mỹ; được người dân đốn về, chằm lại thành từng tấm lá dài từ 1-1,2 m dùng lợp nhà. Cờ bắp dùng làm “lạt” thay dây chì, rất bền. Đây là nghề thủ công đã từng nuôi sống hàng ngàn gia đình đình nghèo.
- Đan đệm bàng, giỏ bàng:
Đồng bào Kh’me, nhất là ở vùng Phú Mỹ, nhổ bàng đem về phơi khô, giã cho mềm, sau đó đan lại thành tấm đệm, giỏ xách, nóp ngủ. “Nóp bàng” là vật bất ly thân của những người chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954 tại Nam Bộ.
c. Các món ăn đặc sản
- Bún kèn:
Phải qua nhiều công đoạn chế biến rất tỉ mỉ cộng với bí quyết riêng mới có được tô bún kèn ngon đặc sắc. Trước tiên, cá mua về làm sạch, cá lớn cắt nguyên khúc, cá nhỏ để nguyên con, lạng bỏ da, lấy hết xương, thịt cá bóp cho thật nhuyễn. Nạo dừa thắng lấy nước cốt để riêng, nước “dảo” để riêng.
Công đoạn kế tiếp là bắc nồi lên xào dầu, sả, ớt, nghệ cho vàng và thật thơm rồi cho cá vào. Nước “dảo” để sẵn cho vào, nêm gia vị đường, bột ngọt, muối, không dùng nước mắm. Khi cá thật sôi, nhấc xuống mới cho nước cốt dừa vào. Nếu để trên lửa sẽ bị hôi dầu.
Tiếp theo, dùng một chảo nhỏ cho mỡ hay dầu vào thắng, cho bột điều vào xào, khi bột điều có màu đỏ tươi nhấc xuống, đừng để khét. Xong đổ hết vào nồi nước kèn, tạo nên màu đỏ lóng lánh đẹp mắt.
Các loại rau ăn kèm gồm dưa leo, đu đủ bằm nhuyễn, giá sống, húng cây, rau răm,… tôm khô giã nhuyễn cho lên mặt.
Để có tô bún kèn hấp dẫn dọn ra cho thực khách, trước hết cho bún vào hơn nửa tô, giá sống, chan nước bún kèn ở giữa, chan một muỗng nước mắm ớt cay, một chút
nước mắm trong, kế tiếp là muỗng tôm khô. Mùi thơm của cá biển, tôm khô, vị nồng nàn của bột điều, cay thơm của các loại rau đã hình thành nét văn hóa ẩm thực rất riêng của vùng biển bạc Hà Tiên.
- Cà xỉu:
Cà xỉu là một loại hải sản khá phổ biến ở vùng biển Hà Tiên. Thoạt trông, hình dáng bên ngoài của cà xỉu trông giống loài 2 mảnh vỏ nhưng quan sát kỹ trông giống các loài côn trùng trên cạn. Khi bắt được cà xỉu, người ta đem muối tương tự như muối ba khía. Các hàng quán mua cà xỉu muối về chế biến lại, tạo món "độc" cho ẩm thực Hà Tiên. Tuy vậy, không phải quán nào cũng có món này.
Theo các bà nội trợ, cà xỉu muối vốn đã ngon rồi nên ăn kiểu nào cũng ngon. Người dân địa phương thường ăn cà xỉu muối với cơm nóng: vắt nắm cơm vừa miệng ăn rồi kẹp con cà xỉu bên trong, ăn mãi quên thôi. Về sau, nhiều người biết đến món ăn dân đã này, cà xỉu mới chế biến thành nhiều món. Đầu bếp ở Hà Tiên thường chế biến món cà xỉu này tương tự như gỏi xoài, gỏi cóc với khô vậy. Cà xỉu muối được chần sơ qua nước nóng để giảm mặn. Xoài băm sợi nhuyễn trộn với rau răm. Sau đó, rưới nước giấm đường, pha thêm chút nước mắm Phú Quốc để tạo vị đậm đà. Trộn hỗn hợp này lại với nhau cùng với cà xỉu rồi rắc đậu phộng rang, hành phi để tạo thêm hương vị. Có người còn cho thêm củ hành tây xắt sợi,... tùy khẩu vị. Ngon nhất vẫn là gỏi xoài cà xỉu. Vị chua, mặn, ngọt và cay của món ăn tạo cho khách cảm giác càng ăn càng thích. Đặc biệt, phần đuôi cà xỉu dài, có khi dài gấp 2-3 lần thân, sau khi muối có màu trong vắt, ăn rất giòn. Các đấng mày râu tin rằng, phần đuôi này "tốt" cho sinh lực nên "hảo" nhất món cà xỉu làm gỏi xoài. Một dĩa gỏi xoài cà xỉu khoảng 40.000 - 50.000 đồng, có thể làm thức nhắm cho 4 người đàn ông với ít nhất một lít rượu đế hoặc một thùng bia.
- Bánh canh ghẹ:
Đây là một món ăn nghe lạ và không có trong các thực đơn nhà hàng. Ẩm thực mỗi vùng miền ở Việt Nam có những hương vị và cách chế biến khác nhau nên có sức hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch có lẽ cũng chính là nhờ những cái lạ này.
Chỉ những vùng ven biển mới có thể làm món chả ghẹ bởi ở đó mới có loại ghẹ tươi mới vừa đánh bắt, thịt còn săn chắc và rất ngọt khi chế biến món ăn. Về cơ bản, thì bánh canh chả ghẹ cũng như các loại bánh canh khác. Có điều, chế biến với ghẹ thì phải nêm nếm cho phù hợp với loại thực phẩm này. Vì vậy, nước dùng của bánh canh chả ghẹ rất đặc trưng, đậm đà phong vị miền biển.
Nồi nước dùng, ngoài việc nêm nếm bình thường, người ta còn cho vào một ít tôm khô, xương, thịt và đầu cá thu. Chính nhờ những nguyên liệu này mà nồi nước dùng có vị thơm, ngọt và mặn mà hương vị biển. Còn chả cá thì được làm từ thịt của cá thu kết hợp với cá ảo. Cá ảo là những loài cá nhỏ, sau khi đánh bắt về, người ta lựa những con cá lớn ra, những loại cá vụn vặt còn lại được gọi là cá ảo.
Thịt của cá thu tươi được nạo ra, để lẫn trong các loại cá ảo, sau đó nêm gia vị gồm tiêu, tỏi, hành, nước mắm,... rồi trộn đều lên, trộn càng đều chả càng thấm, ăn càng ngon. Sau đó đem hỗn hợp này cho vào cối quết nhuyễn. Quết càng nhuyễn chả sẽ càng dai, rồi cho thêm ít mỡ xắt hạt lựu. Sau đó đem vo tròn thành từng viên cỡ ngón chân cái, rồi đem hấp chín.
Ghẹ sau khi luộc chín, được gỡ lấy thịt ra. Khi ăn, bốc bánh canh cho vào tô, chan nước dùng, sau đó để lên một ít chả, một ít thịt ghẹ, một hoặc hai trứng cút, cùng chút ngò gai xắt nhuyễn, tỏi phi, ớt bằm, nước mắm,... làm cho tô bánh canh càng thêm bắt mắt.
- Gỏi cá trích:
Hà Tiên có nhiều cá ngon bởi đây là ngư trường gần, ghe tàu đánh bắt, vận chuyển cá về cảng trong ngày. Người địa phương sành ăn bảo: cá Hà Tiên là “số dzách”, được lấy trực tiếp từ các ghe của ngư dân bản địa, còn tươi roi rói. Cá mang về làm sạch, thái mỏng và trộn với các loại gia vị, nước giấm đường, hành tây, hành phi, rau mùi,... đã có món ăn đặc trưng của biển. Món gỏi cá ngon lành bởi mùi vị đậm đà, cá không còn mùi tanh. Nước chấm được chế biến có vị chua và ngọt. Gỏi cá có thể dùng chung với bún, rau gói bánh tráng hoặc chỉ dùng riêng. Nếu khách ưa ăn cá tươi thì có thể yêu cầu chủ quán mang ra một dĩa cá thái mỏng, một chén nước cốt chanh để “tái” cá. Thưởng thức gỏi cá kiểu này là “số dzách” bởi vị ngọt của cá còn giữ tươi nguyên. Qua nước cốt chanh, thịt cá săn lại rồi chấm vào nước chấm, ăn kèm với rau, bún và bánh tráng.
- Canh nấm tràm:
Qua những cơn mưa nắng trong tháng năm, tháng sáu âm lịch, nấm trong rừng tràm bắt đầu mọc. Nấm được hái về gọt rửa sạch, đem nấu với tôm, ghẹ, trứng tạo thành thứ súp đặc quánh. Ăn một chén canh đăng đắng thật là ngon miệng, kỳ lạ là sau khi ăn xong, uống nước lã thì vị đắng trong miệng càng tăng thêm, một số người lại thích thú với điều này.
Cá chẽm (hoặc cá chét) tươi, đem về rửa sạch, cắt lát, ướp với sả, nghệ rồi đánh với nước cốt dừa thật đặc, sau đó trộn với lá nhào đã xắt mịn, nêm nếm cho vừa, bọc trong lá chuối đem hấp cách thủy. Món ăn công phu này thường được làm trong các ngày giỗ, tết.
Ngoài các món ăn được kể ở trên, còn có rất nhiều món ăn dân gian như: vịt nấu tiêu, canh cà ná nước, cơm cơi buôi, nham cua, cá xào lăn, bánh lọt xào, bánh thốt nốt, bánh chài, cốm chùi,... mà một người muốn thưởng thức hết có thể phải mất cả tuần lễ.