7. Tổng quan về tình hình nghiên cứu liên quan
2.2. Tài nguyên du lịch của thị xã Hà Tiên
2.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
2.2.1.1. Địa hình, địa mạo và địa chất
Thị xã Hà Tiên là một dải đất hẹp nằm ven biển, với đầy đủ các dạng địa hình: vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo,... tạo nên nhiều cảnh quan độc
đáo hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.Địa hình Hà Tiên vừa có đồng bằng vừa có núi, vùng núi cao và dốc phân bố đều toàn thị xã, có nhiều dãy núi chạy dài ra biển, một số đồi thấp xen kẽ những đồng bằng hẹp, chính vì thế có thể nói thị xã Hà Tiên được ví như nước Việt Nam thu nhỏ.
Các công trình nghiên cứu địa chất cho thấy vùng Hà Tiên - Kiên Lương có sự đa dạng về đặc điểm địa chất và địa mạo. Tại đây hệ tầng trầm tích có tuổi cổ nhất Nam Bộ đã được thiết lập (hệ tầng Hòn Heo - D2-3hh). Hiện diện tương đối đầy đủ các đá magma (phun trào, xâm nhập, trầm tích); các dạng địa hình được hình thành trong các môi trường địa chất khác nhau (sông, biển, đầm lầy,…) như xâm thực, bóc mòn, karst hóa, trầm tích; tài nguyên khoáng sản cũng khá phong phú nhất là nguồn vật liệu xây dựng. Chính sự đa dạng địa học đã tạo cho khu vực những kiểu cảnh quan đẹp, nhiều cảnh quan đã được công nhận là danh thắng quốc gia như Khu du lịch Hòn Chông, Thạch Động, núi Đá Dựng. [8]
2.2.1.2. Khí hậu
Hà Tiên nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, khí hậu ở đây có những đặc điểm chính như sau: Số giờ nắng trung bình từ 6,5 đến 7,5 giờ/ngày. Năng lượng bức xạ trung bình 150 - 160 kcal/cm2 năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27 0C, nhiệt độ trung bình thấp nhất là 23,9 0C, thường rơi vào khoảng tháng 12 - tháng 1; nhiệt độ cao nhất là 30,2 0C, thường rơi vào tháng 4 - 5. Nhiệt độ tuyệt đối thấp nhất có lần đo được là 14,8 0C, nhiệt độ tuyệt đối cao nhất là 37,6 0C. Độ ẩm trung bình 81,9%. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, có nhiều năm mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn hơn các khu vực khác của đồng bằng Sông Cửu Long. Lượng mưa lớn, trung bình 2.118 mm/năm. Hơn thế, Hà Tiên là nơi có khí hậu luôn mát mẻ và trong lành nên du khách có thể đến với Hà Tiên vào bất kỳ mùa nào trong năm. [8] 2.2.1.3. Tài nguyên biển, đảo
Với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, khí hậu lý tưởng, nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa và nét độc đáo của văn hóa ẩm thực nên Hà Tiên đã trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách khi muốn tắm biển và thưởng thức hải sản tại khu vực Tây Nam Bộ. Bãi Mũi Nai là bãi tắm đẹp, lại nằm trong vịnh nên quanh năm sóng biển nhỏ. Đặc biệt, Hà Tiên có quần đảo Hải Tặc và đầm Đông Hồ đã được quy hoạch có thể tổ chức tour du lịch bằng thuyền, lặn biển, vui chơi giải trí,phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,…
Mũi Nai, tức Lộc Trĩ là một bãi biển đẹp nằm ven bờ vịnh Thái Lan, thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là một trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua thi phẩm “Lộc Trĩ thôn cư” khá nổi tếng. Hiện nay, Mũi Nai đã được công ty cổ phần du lịch Mũi Nai Hà Tiên xây dựng thành khu du lịch hiện đại với nhiều công trình phục vụ du khách đến tham quan và vui chơi giải trí. Vài năm gần đây, tuyến đường bộ từ các tỉnh về Hà Tiên được xây dựng khá hoàn chỉnh, đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Lượng khách đến với Hà Tiên vì thế cũng tăng lên đáng kể. Mũi Nai luôn được chọn là điểm đến trong các tour du lịch Hà Tiên.
Đông Hồ là địa danh có từ thời kỳ Mạc Cửu. Có thuyết cho rằng Đông Hồ là dấu lún sụp của vỏ trái đất cách nay nhiều triệu năm. Và cũng có khả năng Đông Hồ sẽ bị lấp dần, chỉ còn lại một dòng chảy ăn thông với vàm Giang Thành hiện nay.
Ngoài khơi Hà Tiên là quần đảo Hải Tặc, gồm 20 hòn lớn nhỏ. Quần đảo này là đoạn cuối của dãy núi Tà Lơn bị xoắn gãy và lún sụt từ cách đây nhiều triệu năm. Xưa kia, bọn cướp biển thường chiếm cứ một vài đảo lớn nơi đây để làm sào huyệt. Vì vậy quần đảo có tên Hải Tặc. Vào thời Mạc Cửu, đảo được trồng tre làm lũy và xây đồn để canh giữ. Dưới thời Pháp thuộc, trên đảo Hải Tặc (đảo lớn của quần đảo) có dựng cột mốc chủ quyền quốc gia, đến nay vẫn còn.
2.2.1.4. Cảnh quan du lịch tự nhiên
Nói đến tài nguyên du lịch Hà Tiên, trước hết phải kể đến Hà Tiên thập cảnh (mười cảnh đẹp Hà Tiên) được đề cập trong thơ của Tao đàn Chiêu Anh Các:
- Núi Pháo Đài: Pháo Đài trước đây là một hòn đảo nhỏ nằm ngoài biển có tên là Kim Dự; sau đó, do tại đây từ thời nhà Nguyễn đến thời Pháp thuộc đặt một căn cứ quân sự để trấn giữ cửa biển, trên có bố trí trọng pháo nên gọi là Pháo Đài. Đứng trên đỉnh Pháo Đài du khách có thể quan sát toàn bộ vùng biển rộng lớn và phần lớn toàn cảnh nội ô của Hà Tiên. Pháo Đài và phần đất nhô ra biển trông giống như một con rùa khổng lồ vươn mình chắn sóng gió cho Hà Tiên.
- Bình San: Bình San là ngọn núi đất không cao (53m). Tại đây, là nơi đặt lăng tẩm của Mạc Cửu, người có công khai phá trấn Hà Tiên, lăng tẩm các người vợ của ông cùng với những tướng lĩnh trung thành, tất thảy có 45 ngôi mộ, hằng năm được tôn tạo, tu bổ thường xuyên. Từ lăng Mạc Cửu nhìn ra, núi Tô Châu giống như một bức bình phong che chắn, đồng thời tạo ra một vùng trời nước sơn thuỷ hữu tình.
- Chùa Tiêu: Tương truyền lúc thân mẫu Mạc Cửu về già, có ý muốn đi tu. Ông đã cho xây gần dinh cơ của mình một ngôi chùa. Chùa xây trong khuôn viên chùa Tam Bảo. Khi mẹ mất, Mạc Cửu cho đúc một đại hồng chung và một tượng phật bằng đồng để tưởng nhớ.
- Giang Thành: Giang Thành là con sông bắt nguồn từ cao nguyên Bonstaiméas (Campuchia) chảy vào Việt Nam. Cảnh Giang Thành đi vào thơ của Tao đàn Chiêu Anh Các với “Giang Thành dạ cổ - Trống đêm Giang Thành”.
- Thạch Động: Thạch Động là một quả núi đá nhưng cũng có thể coi là một tảng đá khổng lồ cao 80m. Đây là một ngọn núi đá xanh nằm giữa một vùng đồng bằng. Mặt Nam của Thạch Động, những vòm đã ghồ ghề ở xa trông như mặt một vị tướng đội mũ lông. Trong động có một ngôi chùa, trên cao có thạch nhũ do nước chảy nhiều năm tạo một hình giống như tượng phật. Cửa phía Tây Nam của động có điện bà Chúa xứ. Phía Đông nhìn lên đỉnh ta thấy một hang thấu tới đỉnh nên ánh sáng mặt trời rọi xuống, nên có tên gọi là đường lên trời. Trong hang mát lạnh, bước vào hang du khách có thể thấy những nhũ đá hình chim đại bàng, công chúa, Thạch Sanh,…
- Núi Đá Dựng: Núi có tên là Châu Nham vì ở đây thạch nhũ sáng chói lấp lánh như châu ngọc; núi cao 63m, giáp biên giới Campuchia, cấu tạo bằng đá vôi, do trước đây nằm ngoài biển bị xâm thực, bào mòn nên núi có cấu tạo bên trên như một toà lâu đài cổ kính với hàng trăm vọng đảo, hàng ngàn tháp chuông. Trên núi có nhiều hang sâu rất mát.
- Đầm Đông Hồ: Sông Giang Thành dẫn nước Cửu Long từ Châu Đốc - An Giang về Hà Tiên đổ vào Đông Hồ. Đầm nằm ở phía Đông của thị xã Hà Tiên có chiều ngang khoảng 2km, chiều dài khoảng 3km, diện tích khoảng 14km2. Hai bên đầm là hai ngọn núi sừng sững, bên tả là núi Tô Châu, bên hữu là núi Ngụ Hổ. Đầm Đông Hồ được tạo bởi cửa sông Giang Thành và cửa biển Kim Dự; Cảnh sắc Đông Hồ phảng phất như hồ Tây vào những ngày trăng tròn, trời quang mây tạnh. Buổi tối, nhìn về hướng Đông, lúc trăng lên trên mặt hồ trăng sáng như trên mặt gương, tạo nên cảnh trí vô cùng nên thơ.
- Nam Phố: Nay thuộc xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương cách thị xã Hà Tiên khoảng 11km về phía Nam, Nam Phố là nơi nghỉ mát nổi tiếng, ở đây có hai bãi tắm đẹp là bãi hòn Heo và bãi Ớt, bãi hòn Heo cát vàng mịn, mặt nước trong
xanh, cảnh vật yên tĩnh, đây là bãi tắm tốt, sạch sẽ. Bãi Ớt cũng là một bãi tắm đẹp, tại đây trước kia vốn là một làng chài của người Việt có từ khi mở trấn Hà Tiên. Nam Phố có cảnh đẹp độc đáo là do dãy núi Bãi Ớt nhô hẳn ra biển tạo thành một bức bình phong khổng lồ.
- Mũi Nai: Nằm ở phía Tây Bắc thị xã Hà Tiên, ở đây có ngọn núi cao 93m, trên đỉnh núi có ngọn hải đăng. Từ biển nhìn vào núi có hình một con nai nghếch mõm ra biển; vì vậy, có tên là Mũi Nai. Mũi Nai có hai bãi tắm là Bãi Hò và Bãi Bàng, mặc dù tại hai bãi này, cát đen nhưng nước lại rất sạch, sóng vừa phải nên du khách có thể tắm biển tại đây; ngồi tại Mũi Nai nhìn về phía Tây Bắc xa xa trên mặt biển có thể nhìn thấy thành phố Kép của vương quốc Campuchia. Đến với Mũi Nai, du khách có thể tắm biển và thưởng thức những đặc sản của biển như: tôm, cua, ốc, ghẹ,… tại đây có thể mua được những món quà lưu niệm làm từ vỏ ốc biển và đặc biệt là bằng đồi mồi một trong những đặc sản riêng của Hà Tiên.
- Bãi tắm Thuận Yên: Đây là một bãi tắm cách thị xã Hà Tiên khoảng 3 km; gần bãi tắm này có những ghềnh đá thiên nhiên rất đẹp, nối liền với một ngọn đồi, trên đồi này có chùa Hải Sơn và tượng phật bà.
Hà Tiên còn nhiều cảnh đẹp ngoài “thập cảnh” ngày xưa. Hầu hết những thắng cảnh ở Hà Tiên đều trải dài theo đường ven biển nên rất thuận lợi cho người vãng cảnh. Dù đứng đơn lẻ, toàn bộ thắng cảnh ở Hà Tiên nhìn chung trở thành một tổng thể hài hòa.
Với Hà Tiên thập cảnh cùng Hội thơ Tao Đàn Chiêu Anh Các lưu danh một thời, có những hang đá nuốt mây như Thạch Động thôn vân, như núi Đá Dựng rồi đến Mũi Nai, núi Đèn, cùng những khúc quanh ôm núi và biển, nhiều phong cảnh trữ tình, nên thơ của một bên là biển xanh rì rào sóng vỗ, một bên là đồi núi hùng vĩ xanh tươi,… tất cả như quyện vào tâm hồn của lữ khách, đó cũng chính là nguồn cảm hứng để văn nghệ sỹ tha hồ thả hồn vào những tác phẩm nghệ thuật của mình.
2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
2.2.2.1. Tài nguyên du lịch nhân văn vật thể
Tính đến nay, trên địa bàn thị xã Hà Tiên đã có 09 di tích được Nhà nước xếp hạng. Trong đó, có 05 di tích cấp quốc gia là: Di tích lịch sử Nhà tù Hà Tiên, di tích thắng cảnh Thạch Động, Mũi Nai, Bình San, Đá Dựng và 04 di tích cấp tỉnh là: Di tích chứng tích chiến tranh chùa Xà Xía, di tích lịch sử văn hóa chùa Phù Dung, chùa Tam Bảo, đình thần Thành Hoàng.
2.2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể a. Các lễ hội
- Vào ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736) tại vùng đất Hà Tiên, Tổng binh Đại đô đốc Mạc Thiên Tích đã cùng nhiều danh sỹ tài hoa thời đó lập nên Tao đàn Chiêu Anh Các vang danh trong ngoài biên ải, khai mở nền thơ ca Hà Tiên. Chính vì thế, lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm là một hoạt động truyền thống nhằm tôn vinh giá trị văn hoá độc đáo của Tao đàn Chiêu Anh Các, đồng thời cũng nhằm thể hiện lòng tri ân đối với công lao của các bậc tiền nhân có công khai khẩn và bảo vệ vùng đất biên ải Hà Tiên thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các gắn liền với 14 lễ hội đặc sắc như: thả hoa đăng trên đầm Đông Hồ, phố ẩm thực, phố thầy đồ, lễ tế trời đất cầu quốc thái, dân an trên đỉnh núi Bình San trong đêm nguyên tiêu, họp mặt truyền thống văn nghệ sỹ, các hoạt động dân gian, triển lãm thư pháp, văn thơ và các hoạt động bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy hải sản trên Đầm Đông Hồ.
- Lễ hội giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu: tổ chức trong 03 ngày 25-27 tháng 5 Âm lịch. Gồm nhiều chương trình lễ và hội như: rước sắc, thỉnh sắc, tế thần, cùng các hoạt động biễu diễn văn nghệ, võ thuật, giải Taekwondo, bóng đá, diễu hành xe hoa,…
- Lễ Năm văn hóa du lịch: được tổ chức hằng năm vào ngày 01/01 Dương lịch. Điểm đặc sắc của lễ hội là có hội chợ ẩm thực mang nét riêng của đặc sản Hà Tiên; ngoài ra còn có các hoạt động thể dục, thể thao, biểu diễn văn nghệ thu hút lượng khán giả đến xem không nhỏ.
- Vào ngày 15-17 tháng hai Âm lịch, lễ Kỳ Yên được tổ chức tại Đình Thần Hoàng, gồm nhiều lễ tế khá phức tạp nhưng cũng khá bài bản, trong đó có ba lễ chính là: Túc yết, Đàn cả (quan trọng nhất) và Lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền. Đây là lễ hội cầu quốc thái, dân an.
Điểm mạnh tiếp theo của du lịch Hà Tiên: “Có các lễ hội (Năm văn hóa du lịch, Giỗ Mạc Cửu, Tao đàn Chiêu Anh Các) được tổ chức hàng năm”.
b. Nghề thủ công truyền thống
Hiện nay, Hà Tiên chưa có làng nghề thủ công. Tuy nhiên, khi nhắc đến nghề truyền thống ở Hà Tiên có thể nói đến huyền phách và đồi mồi. Đến Hà Tiên, du khách có thể mua xâu chuỗi, vòng cổ,… được làm từ huyền phách; lược, gọng kính, trâm cài đầu,… làm từ đồi mồi. Nghề làm vẩy đồi mồi từ lâu đã tạo cho Hà Tiên có
một vị thế đặc biệt trong làng mỹ nghệ cả nước. Nói tới đồi mồi, người ta liên tưởng ngay đến Hà Tiên. Sản phẩm đồi mồi Hà Tiên đã vượt biên giới quốc gia và có mặt từ lâu trên thị trường thế giới. Ngoài ra, các vật trang trí được làm từ vỏ ốc cũng được du khách ưa chuộng, nước mắm Hà Tiên tuy không thể so với Phú Quốc, nhưng so với các địa phương khác thì hơn hẳn về chất lượng. Có thể kể thêm một số nghề ngày càng bị thất truyền:
- Chằm lá:
Lá dừa nước được trồng nhiều ở Cừ Đứt, Thuận Yên và Phú Mỹ; được người dân đốn về, chằm lại thành từng tấm lá dài từ 1-1,2 m dùng lợp nhà. Cờ bắp dùng làm “lạt” thay dây chì, rất bền. Đây là nghề thủ công đã từng nuôi sống hàng ngàn gia đình đình nghèo.
- Đan đệm bàng, giỏ bàng:
Đồng bào Kh’me, nhất là ở vùng Phú Mỹ, nhổ bàng đem về phơi khô, giã cho mềm, sau đó đan lại thành tấm đệm, giỏ xách, nóp ngủ. “Nóp bàng” là vật bất ly thân của những người chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954 tại Nam Bộ.
c. Các món ăn đặc sản
- Bún kèn:
Phải qua nhiều công đoạn chế biến rất tỉ mỉ cộng với bí quyết riêng mới có được tô bún kèn ngon đặc sắc. Trước tiên, cá mua về làm sạch, cá lớn cắt nguyên khúc, cá nhỏ để nguyên con, lạng bỏ da, lấy hết xương, thịt cá bóp cho thật nhuyễn. Nạo dừa thắng lấy nước cốt để riêng, nước “dảo” để riêng.
Công đoạn kế tiếp là bắc nồi lên xào dầu, sả, ớt, nghệ cho vàng và thật thơm rồi cho cá vào. Nước “dảo” để sẵn cho vào, nêm gia vị đường, bột ngọt, muối, không dùng nước mắm. Khi cá thật sôi, nhấc xuống mới cho nước cốt dừa vào. Nếu để trên lửa sẽ bị hôi dầu.