Đặc điểm ngành nghề kinh doanh:

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình tài chính và dự báo báo cáo tài chính tại Công ty cổ phần In và thương mại Khánh Hòa (Trang 60)

Từ năm 2008 đến nay, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành in cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Không ít khó khăn thực tế tác động đến ngành như chi phí sản xuất tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt; sự chi phối, cạnh tranh mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông khác như internet, kỹ thuật số...; giá nguyên vật liệu (giấy) ngày càng tăng cao; việc chuyển đổi hình thức hoạt động, tái cấu trúc ngành, đầu tư phát triển còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực thiếu và yếu... Trong tình hình đó, ngành in vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, tuy không cao bằng những năm trước. Nhìn chung, ngành đã làm tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ giáo dục và đào tạo, văn hóa - xã hội góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân và các sản phẩm in thương mại khác.

Hiện nay cả nước có tổng số gần 1.500 cơ sở in. Các tài liệu, xuất bản phẩm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tài liệu hội thảo, hội nghị, kỷ yếu... với sản lượng in ước tính khoảng vài tỷ trang in mỗi năm đều được các cơ sở in trung ương và địa phương phục vụ tốt. Việc in gia công cho nước ngoài hiện nay chưa nhiều, khoảng vài tỷ trang in mỗi năm, tập trung vào các nước như Lào, Cam-pu- chia, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản...

Ngành in bao gồm các mảng sau:

- Mảng in lớn nhất hiện nay vẫn là nhãn hàng và bao bì. Loại sản phẩm này phát triển theo tỷ lệ tăng trưởng của các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến.

- Mảng in có tỷ lệ tăng trưởng tốt tiếp theo là các loại Catalogue, tờ rơi, quảng cáo, các loại chứng từ, hoá đơn, thẻ cào …. đang ngày một lớn

theo sự phát triển của nền kinh tế, của hệ thống các doanh nghiệp và các loại dịch vụ. Tuy vậy tỷ trọng sản lượng của các mặt hàng này mới chỉ chiếm khoảng 15% trong cơ cấu chung của cả ngành in nên sự tác động đến gia tăng sản lượng của Ngành chưa cao.

- Mảng in vé số, chiếm vị trí đáng kể trong sản lượng ngành in phía Nam thì đang giảm đi do chủ trương tăng dần mệnh giá (từ quý II năm 2011 chỉ còn loại mệnh giá 10.000đ) và giảm số lượng vé số phát hành. So với thời kỳ hoàng kim thì lượng vé số giảm tới 2/3 về lượng vé phát hành làm cho nhiều nhà in có in vé số bị ảnh hưởng đáng kể.

- Còn mảng in “truyền thống” là các xuất bản phẩm như sách, báo, tạp chí, văn hoá phẩm thì mức độ tăng trưởng không đáng kể. Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế, bởi lạm phát và bởi sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông khác thì sách, báo, tạp chí đã có được sản lượng tương đối ổn định : số đầu sách, báo, tạp chí có tăng và giảm chút ít nhưng số lượng ấn bản thì không tăng, có xu thế ngày một giảm dần. Riêng các loại lịch, chỉ có lịch block có sản lượng tăng lên do thói quen sử dụng của xã hội vẫn được duy trì và đòi hỏi ngày một cao hơn về chất lượng, màu sắc và mẫu mã. Lịch tiểu và lịch trung giảm hơn trước, nhưng lịch đại và siêu đại lại có nhu cầu ngày một tăng. Các xuất bản phẩm nói trên vẫn là mảng công việc chính của các nhà in “truyền thống” vốn mang tính tổng hợp nhưng in xuất bản phẩm vẫn là chủ đạo. Sản lượng trang in của các loại sản phẩm này không còn khả năng phát triển như thời kỳ trước đây và chiếm tỷ trọng ngày một ít hơn so với các loại sản phẩm khác, hiện chỉ chiếm khoảng 25% trong cơ cấu sản lượng chung của ngành. Do vậy một số nhà in đã dần chuyển hướng sang các loại mặt hàng khác để giảm áp lực cạnh tranh và định hướng phát triển lâu dài là một sự lựa chọn đúng đắn.

Trong những năm tiếp theo, ngành in xác định những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng ngành bước đầu trở thành một ngành công nghiệp hiện đại với nhiều trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến; từng bước đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chuyên sâu, đủ năng lực đáp ứng mọi nhu cầu về in của đất nước. Đồng thời, xúc tiến và tiếp cận để in gia công xuất khẩu cho các nước trong khu vực và thế giới; nâng cao năng lực sản xuất toàn ngành để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 10% về sản lượng trang in, phấn đấu đến năm 2015 đạt 1.500 tỷ trang in; đạt mức tăng năng suất lao động hằng năm từ 10 đến 15%; tăng thu nhập bình quân của người lao động hằng năm hơn 10%; triển khai thực hiện các dự án mục tiêu trọng điểm Quy hoạch ngành in khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình tài chính và dự báo báo cáo tài chính tại Công ty cổ phần In và thương mại Khánh Hòa (Trang 60)