Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 60)

trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính

2.1.3.1. Những tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính

Ở cơ quan hành chính:

- Trong công tác tiếp công dân, một số thủ trưởng và cán bộ các cơ quan tham mưu của Nhà nước chưa làm tốt trách nhiệm trong tiếp công dân (thờ ơ, né tránh, trả lời thiếu chu đáo, cặn kẽ và thiếu chính xác; khi gặp vụ việc phức tạp thì đùn đẩy, lúng túng, hoặc thấy sai không sửa, thậm chí còn thách đố dân... nên dẫn đến khiếu kiện vượt cấp).

- Nhiều cơ quan thiếu trách nhiệm trong việc thụ lý vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết (không thụ lý, thụ lý không kịp thời) hoặc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định; thu thập chứng cứ, tài liệu

không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, đến khi công dân yêu cầu thực hiện đúng theo pháp luật và thực hiện đúng trách nhiệm thì có thái độ né tránh, đùn đẩy nên công dân từ chỗ không đồng tình dẫn đến bức xúc, tiếp khiếu với thái độ gay gắt; số vụ việc còn tồn đọng lớn.

- Cách giải quyết của nhiều cơ quan nhà nước còn cứng nhắc, thiếu quan tâm đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân. Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước ở nhiều nơi chưa đưa ra phương án tối ưu để giải quyết quyền lợi của công dân mà còn cứng nhắc hoặc sợ trách nhiệm trước pháp luật về phương án giải quyết của mình nên khi ra quyết định giải quyết thì quyền lợi của công dân không được xem xét một cách triệt để, thấu đáo.

- Chính quyền địa phương một số nơi chưa tập trung chỉ đạo tiếp nhận, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại của dân. Nhiều vụ việc giải quyết chậm, kết luận thiếu chính xác, xử lý vi phạm không nghiêm.

- Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong giải quyết khiếu nại chưa nghiêm, có không ít trường hợp cấp trên đã có ý kiến kết luận, quyết định và chỉ đạo giải quyết, nhưng cấp dưới không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc thực hiện. Công tác kiểm tra, đôn đốc của cấp trên với cấp dưới chưa thường xuyên; công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn hạn chế.

- Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật chưa cao, thậm chí không thi hành được.

Ở Toà án:

- Chất lượng giải quyết các vụ án hành chính chưa cao, có những vụ việc Toà án cấp dưới giải quyết sai cả về nội dung lẫn trình tự tố tụng. Do vậy, có những vụ việc Toà án cấp dưới đã giải quyết nhưng công dân vẫn kháng cáo lên Toà án cấp trên yêu cầu giải quyết.

- Đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức của Toà hành chính Toà án nhân dân các cấp chưa được đào tạo, bồi dưỡng nhiều về nghiệp vụ giải quyết

các vụ án hành chính cũng như kiến thức về quản lý hành chính nhà nước có liên quan đến những lĩnh vực mà Toà án có thẩm quyền giải quyết. Vẫn còn cán bộ Toà án chưa thực sự nắm vững các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính; một số thẩm phán chưa quán triệt đầy đủ văn bản pháp luật về quản lý hành chính nhà nước liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện mà mình đang thụ lý, giải quyết.

- Trong công tác chuyên môn, còn vi phạm về điều kiện khởi kiện và điều kiện thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính; có nhiều vụ việc chưa phân biệt thẩm quyền loại việc của cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan Toà án; thời gian giải quyết các vụ án hành chính chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Đường lối giải quyết một số vụ án không đúng dẫn đến bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để xét xử phúc thẩm, sơ thẩm lại vụ án. Có tâm lý công dân nghi ngại trước khi lựa chọn việc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.

- Việc thi hành bản án, quyết định của Toà án còn chậm, kém hiệu quả, thậm chí không thi hành được.

2.1.3.2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính

Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân, như: chính sách pháp luật, nhất là chính sách pháp luật về đất đai còn hạn chế; công tác quản lý nhà còn bất cập; đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm… song nguyên nhân cơ bản là cơ chế giải quyết khiếu nại còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể:

- Việc giải quyết khiếu nại hành chính thiếu cơ quan chuyên trách. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc giải quyết khiếu nại được giao cho người có quyết định hành chính, hành vi hành chính giải quyết lần đầu. Thủ trưởng cấp trên thực tiếp của người có quyết định hành chính, hành vi

hành chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Trong quá trình giải quyết khiếu nại của thủ trưởng các cơ quan hành chính có thể giao cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chuyên môn khác tiến hành kiểm tra, xác minh và kiến nghị giải quyết vụ việc. Các cơ quan hành chính vừa làm chức năng quản lý, vừa làm chức năng giải quyết khiếu nại (kiêm nhiệm). Như vậy, việc giải quyết khiếu nại thiếu cơ quan chuyên trách, chất lượng giải quyết khiếu nại không cao, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

- Việc giải quyết khiếu nại hành chính của cơ quan hành chính nhà nước chưa bảo đảm tính khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời: giải quyết khiếu nại hành chính thực chất là giải quyết các tranh chấp phát sinh trong xã hội, song điểm đặc thù là đối tượng bị khiếu nại luôn luôn là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong cơ quan đó. Tuy nhiên, theo cơ chế giải quyết hiện hành thì khiếu nại trước hết do người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính giải quyết, các cơ quan hành chính là bên bị khiếu nại đồng thời cũng là người giải quyết khiếu nại, dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc giải quyết thiếu khách quan, không công bằng, làm cho người dân không tin vào việc giải quyết của các cơ quan hành chính, do vậy nhiều quyết định giải quyết hợp lý, hợp tình nhưng vẫn bị tiếp khiếu lên cấp trên. Cơ chế này cũng tạo nên sự khép kín trong việc giải quyết khiếu nại ở giai đoạn hành chính, vì cơ quan hành chính cấp dưới đã giải quyết nếu còn khiếu nại thì cơ quan hành chính cấp trên vẫn tiếp tục giải quyết, người dân không có điều kiện tiếp cận thông tin, tài liệu để bảo vệ quyền lợi của mình.

Với lối giải quyết “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khó tránh khỏi tình trạng thiên vị, bao che, dung túng trong giải quyết cũng như xử lý kết quả giải quyết khiếu nại, nhất là khi quyết định hành chính sai trái liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước cấp trên. Hơn nữa, hoạt động giải quyết khiếu nại trong cơ quan hành chính hiện nay chưa phân định và tách bạch rạch ròi

hoạt động quản lý điều hành với hoạt động giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan hành chính vừa ban hành quyết định để quản lý, điều hành các lĩnh vực kinh tế-xã hội, vừa giải quyết các khiếu nại đối với các quyết định do mình ban hành - điều này là không phù hợp với mục đích, yêu cầu đổi mới hoạt động quản lý nhà nước. Việc giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính hiện nay cũng chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp, vì chức năng cơ bản của các cơ quan hành chính là tổ chức, triển khai các hoạt động quản lý nhà nước, do vậy việc giao cho các cơ quan hành chính thực hiện việc giải quyết khiếu nại đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quản lý điều hành của các cơ quan này. Cán bộ, công chức không được đào tạo kiến thức, kỹ năng cần thiết để giải quyết khiếu nại, trong khi đó các khiếu nại rất đa dạng và phức tạp. Thực tế đó dẫn đến hậu quả là các cơ quan hành chính mất nhiều thời gian, công sức vào việc giải quyết khiếu nại, nhưng hiệu quả giải quyết khiếu nại vẫn không cao, chất lượng giải quyết thấp, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính.

- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính thiếu thống nhất: pháp luật xác định về nguyên tắc, người ban hành quyết định, hành vi hành chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính đó, đồng thời có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính của người chịu sự quản lý trực tiếp hoặc khiếu nại đã được cấp dưới trực tiếp giải quyết nhưng còn khiếu nại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thẩm quyền giải quyết khiếu nại lại không tuân thủ nguyên tắc này. Chẳng hạn việc Luật khiếu nại, tố cáo quy định Tổng thanh tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại mà Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. Pháp luật quy định người có quyết định, hành vi hành chính có quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi đó, song lại xác định cơ quan thanh tra được tiến hành một số hoạt động thuộc phạm vi hoạt động giải quyết này. Cơ quan thanh tra có quyền thẩm tra, xác

minh, kiến nghị, còn cơ quan hành chính ra quyết định giải quyết khiếu nại, nắm giữ khâu cuối cùng của hoạt động này. Như vậy có thể nói rằng, có hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các khiếu nại hành chính - đó là cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan thanh tra.

Việc cùng một lúc quy định cơ quan hành chính, cơ quan thanh tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là chưa đảm bảo nguyên tắc phân định giành mạch chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các chức năng của bộ máy nhà nước, đồng thời cũng chưa làm rõ cơ quan chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết các khiếu nại hành chính. Từ việc chưa xác định rõ một cơ quan chuyên trách có thẩm quyền giải quyết khiếu nại dẫn tới thực tế là để nâng cao hiệu quả công tác này, khi hướng dẫn chi tiết Luật khiếu nại, tố cáo sửa đổi, bổ sung, Chính phủ đã quy định căn cứ vào nội dung, tính chất việc khiếu nại mà Thủ trưởng cơ quan hành chính có thể giao cho chánh thanh tra hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn khác chủ trì tiến hành việc xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại. Sự thiếu thống nhất trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết cũng dẫn đến tình trạng trong cùng một loại vụ việc có tính chất giống nhau, nhưng ở mỗi địa phương, việc giải quyết khiếu nại cũng khác nhau, thậm chí dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết khiếu nại, làm giảm hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính.

- Thẩm quyền xét xử của Toà án hành chính, quyền hạn, trình tự, tố tụng, năng lực thẩm phán còn nhiều hạn chế. Theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 thì toà án có thẩm quyền xét xử 10 loại việc và đến năm 2005 được xét xử 21 loại việc. Nhưng theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005 thì tất cả các khiếu nại hành chính sau khi đã được cơ quan hành chính giải quyết thì được khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án. Điều này dẫn đến tình trạng Toà án sẽ có quá nhiều vụ việc để giải quyết, trong khi đó hệ

thống toà án hiện nay chưa kịp đổi mới, năng lực xét xử của nhiều thẩm phán còn hạn chế. Thêm vào đó là các vụ việc hành chính lại rất phức tạp. Khi xét xử các vụ án hành chính Toà án chỉ phán quyết về tính hợp pháp mà không xem xét đến tính hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính. Vì vậy việc giải quyết không toàn diện, thiếu đầy đủ, nhất là khi giải quyết các vụ việc về bồi thường, những vấn đề do lịch sử để lại, những vấn đề còn thiếu những quy định của pháp luật làm căn cứ giải quyết.

Toà án hành chính không có quyền huỷ bỏ quyết định hành chính. Vì vậy Toà án gặp khó khăn trong việc đưa ra phán quyết đối với quyết định hành chính khi bị coi là trái pháp luật. Việc xét xử hành chính được tiến hành qua nhiều tầng lớp, thủ tục phức tạp, tố tụng rườm rà chưa phù hợp với đặc thù của xét xử hành chính. Về cơ bản tố tụng hành chính hiện nay gần giống tố tụng dân sự. Việc khiếu kiện phải có án phí...

Năng lực xét xử của thẩm phán còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức về quản lý và giải quyết khiếu kiện hành chính, trong khi đó các vụ việc hành chính lại rất đa dạng và phức tạp. Việc thi hành phán quyết của Toà án còn nhiều bất cập, phụ thuộc hoàn toàn vào việc thi hành của các cơ quan hành chính trong khi đó chúng ta lại chưa có quy định về tổ chức thi hành án, chưa có cơ chế xử lý đối với việc không thi hành phán quyết của Toà án, nhất là khi các cơ quan hành chính không nghiêm chỉnh chấp hành. Toà án được thành lập theo cấp hành chính, phụ thuộc nhiều vào Uỷ ban nhân dân, cấp uỷ ở địa phương, do đó tính độc lập trong hoạt động chưa cao.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 60)