Hệ thống tài phán hành chính cộng hoà Pháp

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 34)

Tổ chức cơ quan tài phán hành chính ở Pháp đã có lịch sử gần 200 năm. Từ một cơ quan có tính chất tư pháp - hành chính chuyển thành cơ quan tài phán hành chính thực sự. Trước kia cơ quan tài phán hành chính chỉ có ở 2

cấp, ở trung ương là Hội đồng Nhà nước, ở cơ sở có các toà hành chính liên tỉnh. Đặc điểm quan trọng của toà án hành chính của Pháp và các nước theo mô hình Pháp là được giao thêm chức năng tư vấn pháp lý ngoài chức năng xét xử hành chính. Chức năng này thể hiện rõ nhất ở Hội đồng Nhà nước. Hệ thống tài phán hành chính cộng hoà Pháp độc lập với hệ thống tài phán tư pháp.

- Về tổ chức

Hiện nay tổ chức hệ thống cơ quan tài phán hành chính ở Pháp được thành lập theo 3 cấp: Tham chính viện (Conseil d’E’tat), còn gọi là Hội đồng Nhà nước; các toà án hành chính phúc thẩm; các toà án hành chính sơ thẩm liên tỉnh (kể cả các toà án hành chính hải ngoại).

Tham chính viện được thành lập từ năm 1799, hiện nay có hai chức năng: tư vấn pháp lý và xét xử hành chính. Hội đồng chia thành 6 ban, 5 ban hành chính và 1 ban tố tụng. Thông qua 5 ban hành chính, Hội đồng thực hiện chức năng tư vấn pháp lý, đưa ra các ý kiến của mình về các dự án luật mà Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội về cả nội dung và hình thức. Thông qua ban tố tụng, Hội đồng thực hiện chức năng xét xử hành chính với tư cách là Toà án hành chính tối cao. Ban tố tụng được chia thành 10 tiểu ban, trong đó có 7 ban xét xử các tranh chấp hành chính trong các lĩnh vực và 3 tiểu ban chuyên xét xử các tranh chấp trong lĩnh vực thuế.

Hội đồng Nhà nước xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm các khiếu kiện quan trọng như: khiếu kiện về tính hợp pháp của các văn bản pháp quy; khiếu kiện vụ việc liên quan đến hành vi hành chính của các công chức do Tổng thống bổ nhiệm..., Hội đồng Nhà nước xét xử giám đốc thẩm các bản án đã có hiệu lực của toà án cấp dưới.

Các toà án hành chính phúc thẩm được thành lập ở 5 vùng của Cộng hoà Pháp. Ngoài hệ thống toà án hành chính chung, ở Pháp còn có một số cơ quan tài phán hành chính chuyên trách như: Thẩm kế viện, Toà án kỷ luật tài

chính và ngân sách, các cơ quan tài phán hành chính nghề nghiệp (Hội đồng cao cấp các thẩm phán, Hội đồng cao cấp về giáo dục quốc gia, Hội đồng quốc gia các thầy thuốc). Các cơ quan tài phán hành chính chuyên trách này chịu sự giám đốc của Hội đồng nhà nước. Các phán quyết của nó có thể bị xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm (phá án).

Tại các toà án hành chính phúc thẩm, đứng đầu là do cố vấn Nhà nước lãnh đạo (Chánh án là thành viên Hội đồng Nhà nước). Mỗi toà phúc thẩm chịu trách nhiệm xét xử phúc thẩm các loại án, quyết định của một số toà án hành chính sơ thẩm. Trong toà án hành chính phúc thẩm thường được chia làm hai bộ phận, bộ phận chuyên về thuế và bộ phận đảm nhận giải quyết các tranh chấp khác.

Toà án hành chính sơ thẩm được đặt tại các tỉnh, thành phố hoặc liên tỉnh, hiện nay có khoảng 30 toà án hành chính sơ thẩm. Có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các khiếu kiện hành chính trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước. Khác với Hội đồng Nhà nước, các toà án hành chính sơ thẩm, phúc thẩm không có chức năng tư vấn pháp lý mà chỉ có chức năng tài phán hành chính.

- Về thẩm quyền

Toà án hành chính ở Pháp có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện hành chính liên quan đến luật công:

Khiếu kiện đòi huỷ bỏ quyết định hành chính. Khiếu kiện chỉ được toà án hành chính chấp nhận khi có các điều kiện sau: quyết định hành chính bị khiếu kiện phải là một văn bản pháp lý đơn phương do cơ quan hành chính đưa ra; khiếu kiện chỉ có thể được thực hiện trong một thời hạn nhất định kể từ khi quyết định đó được công bố; Người khiếu kiện phải có quyền lợi liên quan trực tiếp đến quyết định hành chính mà mình khiếu kiện; đơn khiếu kiện phải nêu rõ lý do và yêu cầu của người khiếu kiện. Đối với khiếu kiện loại này, toà án đưa ra phán quyết bác bỏ đơn khiếu kiện hoặc huỷ bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính.

Khiếu kiện đòi bồi thường: là loại khiếu kiện mà người đi khiếu kiện không chỉ yêu cầu huỷ bỏ quyết định hành chính mà còn đòi bồi thường thiệt hại về quyền và lợi ích của mình khi bị quyết định hành chính xâm hại.

- Về trình tự, thủ tục tố tụng

Trình tự tố tụng ở Hội đồng Nhà nước được tiến hành theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thẩm cứu: các Lục sự nhận đơn, thụ lý hồ sơ và gửi đến bộ phận phân tích đơn. Bộ phận này sau khi phân tích sẽ chuyển hồ sơ cho tiểu ban phụ trách lĩnh vực này. Nhận được hồ sơ, bộ phận thư ký của tiểu ban thông báo cho bên khởi kiện biết, yêu cầu bên bị khiếu kiện giải trình về nội dung mình khiếu kiện. Nội dung giải trình được thông báo cho bên khởi kiện. Sau đó các bên tiếp tục tranh tụng bằng văn bản. Khi các bên trình bày hết lý lẽ, lập luận về yêu cầu của mình, về giải trình của mình, Trưởng tiểu ban sẽ giao hồ sơ cho một báo cáo viên, người này sẽ nghiên cứu hồ sơ, giải trình của các bên, căn cứ vào các quy định của pháp luật, dự thảo một giải pháp toàn bộ cho việc giải quyết vụ việc, đồng thời dự thảo một văn bản khác giải thích những khía cạnh của vụ việc. Hai văn bản này được chuyển đến Trưởng tiểu ban, khi đó Trưởng tiểu ban đóng vai trò dự thẩm hoặc giao cho hai thành viên của tiểu ban (có hàm cố vấn Nhà nước) giữ vai trò dự thẩm, những người này nghiên cứu giải pháp của báo cáo viên và đưa vụ việc ra thảo luận tại Hội nghị toàn thể của tiểu ban. Tại hội nghị, báo các viên đọc dự thảo quyết định giải quyết vụ việc và bản giải thích các khía cạnh của khiếu kiện, sau đó dự thẩm viên phát biểu ý kiến về phương án giải quyết của mình. Các thành viên của tiểu ban cũng phát biểu đánh giá về vụ việc, đưa ra phương hướng giải quyết. Tham gia hội nghị còn có Uỷ viên của Chính phủ, họ là những người đại diện cho Chính phủ, trong hội nghị có thể phát biểu ý kiến nhưng không được quyền biểu quyết. Uỷ viên Chính phủ là một chức danh được các thành viên Hội đồng Nhà nước luân phiên đảm nhận trong thời gian nhất định.

Giai đoạn xét xử: sau khi hồ sơ đã được Báo cáo viên, Dự thẩm viên và Tiểu ban nghiên cứu, Uỷ viên Chính phủ sẽ độc lập chuẩn bị một văn bản kết luận, văn bản này được đọc tại phiên toà xét xử công khai.

Trong phiên toà, chủ toạ khai mạc, báo cáo viên trình bày sự việc, yêu cầu của các bên, Uỷ viên Chính phủ phát biểu, sau đó Hội đồng biểu quyết và thông qua phán quyết, sau mười lăm ngày phán quyết của toà án được công bố.

Trình tự, thủ tục tố tụng ở các toà phúc thẩm, sơ thẩm nhìn chung cũng giống như ở Hội đồng Nhà nước, nhưng thông thường việc giải quyết đơn giản, gọn nhẹ hơn. Các bản án sơ thẩm (trừ bản án sơ - chung thẩm) có thể bị kháng án theo trình tự phúc thẩm, thời hạn được kháng án là 2 tháng. Riêng trường hợp khẩn cấp thì thời hạn kháng án là 15 ngày.

Việc xét xử của toà án cấp sơ thẩm có sự tham gia của hội thẩm, Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán, 2 hội thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm có 3 thẩm phán. Hội đồng xét xử toà án tối cao có 5 thẩm phán.

Đối với những trường hợp không thi hành phán quyết của toà án thì toà án có quyền phạt tiền.

Về thủ tục khiếu kiện, trước tiên công dân khiếu nại với cơ quan hành chính đã có quyết định hành chính xâm phạm quyền và lợi ích của mình. Nếu không đồng ý, công dân có quyền tiếp tục khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên. Trường hợp không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan này thì được khởi kiện vụ án tại toà án hành chính sơ thẩm. Phán quyết của toà án hành chính sơ thẩm có thể bị kháng án lên toà án hành chính phúc thẩm, phán quyết của toà án hành chính phúc thẩm có thể bị xem xét bởi thủ tục giám đốc thẩm khi có vi phạm nghiêm trọng về nội dung, tố tụng. Nếu công dân không đồng ý với phán quyết của toà án hành chính tối cao thì được quyền kiện đến toà án Hiến pháp. Toà án này có quyền xét xử chung thẩm các vụ kiện hành chính đã được toà án hành chính giải quyết.

Khi nhận được đơn khiếu kiện, toà án sẽ thông báo cho bên bị khiếu kiện đến toà để cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc ban hành quyết định hành chính, giải trình về nội dung bị khiếu nại. Các bên được quyền tranh tụng bằng văn bản. Trước khi đưa ra phán quyết, toà án tiến hành các bước điều tra cần thiết để làm rõ vụ việc, làm cơ sở giải quyết.

Thành viên Hội đồng Nhà nước và thẩm phán các toà hành chính:

Thành viên Hội đồng Nhà nước do Tổng thống bổ nhiệm bằng một sắc lệnh, gồm: các uỷ viên dự thính, được tuyển chọn từ các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường Hành chính quốc gia; các uỷ viên thỉnh cầu, có 3/4 là những uỷ viên dự thính đã giữ chức vụ này từ 3 đến 5 năm, còn 1/4 là do Chính phủ chỉ định; Các cố vấn Nhà nước, có 2/3 là những uỷ viên thỉnh cầu đã được giữ chức vụ này từ 13 đến 14 năm, còn 1/3 là do Chính phủ chọn; các trưởng ban do Chính phủ bổ nhiệm trong các cố vấn Nhà nước; Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước thực chất là người đứng đầu Hội đồng vì Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch danh dự mang tính chất lễ nghi, không tham gia điều hành trực tiếp hoạt động của cơ quan.

Thẩm phán các toà hành chính do Hội đồng tối cao các toà hành chính tiến cử để Chính phủ xem xét quyết định. Hội đồng này còn là cơ quan quản lý kinh phí hoạt động của các toà án hành chính, góp phần đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của toà án, không lệ thuộc về tài chính của các cơ quan hành chính.

Hội đồng tối cao các toà án hành chính bao gồm đại diện Hội đồng Nhà nước, đại diện Bộ Tư pháp, một số đại biểu do thẩm phán bầu ra.

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 34)