Toà án hành chính của Cộng hòa Liên bang Đức

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 39)

- Về tổ chức

Đức là một Nhà nước liên bang, mỗi bang đều có cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mặc dù giữa các toà án có sự phân định rõ ràng, toà án

liên bang (thuộc tư pháp liên bang) với toà án bang (thuộc tư pháp bang) nhưng Luật tổ chức toà án và Luật tố tụng về cơ bản được quy định thống nhất. Theo Điều 95 Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức thì Đức có 5 loại toà án: Toà án thường, Toà án hành chính, Toà án tài chính, Toà án xã hội và Toà án lao động. Như vậy, về tài phán hành chính Đức có hệ thống toà án hành chính thường và 2 hệ thống toà án hành chính chuyên biệt là toà án tài chính và toà án xã hội. Mỗi loại toà án hành chính này đều có quy chế pháp lý riêng. Toà án hành chính thường hoạt động theo Luật tố tụng hành chính ban hành năm 1960, toà án tài chính theo Luật toà án tài chính năm 1965, toà án xã hội theo Luật toà án xã hội năm 1953.

Hệ thống tổ chức toà án hành chính độc lập với các toà án tư pháp, khác với toà án hành chính ở Pháp, nó không được giao chức năng tư vấn pháp lý.

Hệ thống toà án hành chính thường, bao gồm 52 toà án hành chính khu vực, 16 toà án hành chính liên khu vực và 1 toà án hành chính liên bang. Đối với việc giải quyết các tranh chấp hành chính thì toà án khu vực là toà án sơ thẩm, toà án hành chính liên khu vực là toà phúc thẩm và toà án hành chính liên bang là toà giám đốc thẩm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt thì toà án khu vực hoặc toà án hành chính liên bang tiến hành xét xử sơ thẩm.

Theo quy định toà án hành chính khu vực xét xử, Hội đồng gồm có 2 thẩm phán và 3 hội thẩm. Hội đồng xét xử toà án hành chính liên khu vực gồm 3 thẩm phán, trong một số trường hợp đặc biệt toà xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử gồm 5 thẩm phán, cũng có thể Hội đồng xét xử này có thêm 2 hội thẩm. Hội đồng xét xử của toà án hành chính liên bang có 5 thẩm phán. Những năm gần đây, thực hiện cải cách về mặt pháp lý, từ năm 1993 Hội đồng xét xử có thể uỷ quyền cho 1 thành viên là 1 thẩm phán để độc lập giải quyết vụ việc.

- Về thẩm quyền

Toà án hành chính Đức có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại thuộc về luật công mà không có đặc điểm liên quan đến Hiến pháp và không được đạo luật của liên bang giao cho các toà án khác thì toà án hành chính sẽ giải quyết. Đối tượng xem xét của toà án là các quyết định hành chính, hành vi hành chính nảy sinh trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước. Ví dụ: điều 35 Luật tố tụng hành chính Cộng hòa Liên bang Đức quy định: quyết định hành chính là chỉ thị, quyết định hay biện pháp do một cơ quan hành chính ban hành nhằm điều chỉnh một trường hợp cụ thể (vụ việc cá biệt).

Theo pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức thì cơ quan tài phán hành chính có quyền hạn rộng hơn so với một số nước khác, ngoài việc huỷ bỏ quyết định hành chính bất hợp pháp, trong một số trường hợp có thể sửa đổi quyết định hành chính bị kiện (chẳng hạn như xác định một mức trợ cấp hay xác nhận một mối quan hệ pháp lý). Mặt khác, toà án hành chính có quyền ra lệnh cho cơ quan hành chính phải ban hành một quyết định hành chính hoặc thực hiện một hành vi hành chính mà họ đã từ chối khi công dân yêu cầu, nếu có 2 điều kiện: cơ quan hành chính Nhà nước có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện theo quy định của pháp luật; cơ quan hành chính đã có đủ các điều kiện cần thiết để ra quyết định hoặc thực hiện hành vi đó.

- Thủ tục tố tụng

Pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức quy định vụ việc khiếu kiện hành chính trước khi khởi kiện ra toà án hành chính phải được khiếu kiện ở giai đoạn hành chính, tức là phải được giải quyết tại các cơ quan hành chính. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính là cơ quan hành chính cấp trên, có thể là uỷ ban độc lập với cơ quan hành chính, trong thành phần giải quyết có đại diện của người dân. Nếu cơ quan có thẩm quyền giải quyết,

quyết định cơ quan hành chính buộc huỷ bỏ quyết định hành chính bị kiện thì cơ quan đó sẽ ban hành một quyết định khác thay thế quyết định bị huỷ bỏ.

Trong trường hợp người dân không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án tại toà án hành chính.

- Thẩm phán toà án hành chính

Cộng hoà liên bang Đức có chung một đội ngũ thẩm phán, trong đó có các thẩm phán chuyên về hành chính và các thẩm phán chuyên về tư pháp. Thẩm phán được đào tạo gần giống nhau và phải đạt 2 tiêu chuẩn: tốt nghiệp đại học luật; có quá trình thực tập 2 năm ở toà án (6 tháng thực tập ở toà án dân sự. 6 tháng thực tập ở toà án hình sự, 6 tháng thực tập ở toà án hành chính và 6 ở toà án chuyên biệt). Kết thúc quá trình thực tập phải đạt kết quả trong kỳ thi quốc gia.

Các thẩm phán của toà án hành chính sơ thẩm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn thẩm phán. Các thẩm phán của toà án hành chính phúc thẩm và toà án hành chính tối cao do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn thẩm phán. Hội đồng tuyển chọn thẩm phán gồm có Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang, 16 Bộ trưởng Bộ Tư pháp các bang và 17 Nghị sĩ Quốc hội do Tổng thống chỉ định.

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)