- Về tổ chức
Toà án hành chính Trung Quốc không tổ chức thành hệ thống độc lập mà là phân toà của toà án nhân dân gồm 4 cấp:
Toà án cấp sơ thẩm ở Huyện. Toà án trung cấp ở tỉnh. Toà án cao cấp ở vùng. Toà án tối cao.
- Về thẩm quyền
Thẩm quyền theo loại việc: toà án hành chính Trung Quốc có thẩm quyền xét xử các khiếu nại của công dân, pháp nhân trong các trường hợp cụ thể sau đây:
Không đồng ý với việc xử phạt hành chính (bắt giữ, mức phạt, thu giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận nghề nghiệp, buộc ngừng sản xuất, tịch thu tài sản).
Không đồng ý với việc áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính (áp giải, quản thúc, hạn chế tự do thân thể hoặc với tài sản bị niêm phong).
Cho rằng quyền tự do kinh doanh bị các cơ quan hành chính xâm phạm. Cho rằng đã phù hợp các điều kiện pháp luật quy định để các cơ quan hành chính cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận nhưng các cơ quan hành chính từ chối.
Xin các cơ quan hành chính thực hiện chức trách do pháp luật quy định về việc bảo vệ quyền con người, quyền tài sản, nhưng các cơ quan hành chính không thực hiện hoặc không trả lời.
Cho rằng các cơ quan hành chính không cấp tiền trợ cấp theo quy định của Pháp luật.
Cho rằng cơ quan hành chính vi phạm pháp luật về nghĩa vụ.
Cho rằng các cơ quan hành chính xâm phạm quyền tài sản và các quyền cá nhân khác.
Ngoài ra, pháp luật có thể quy định những loại việc khác thuộc thẩm quyền của toà án hành chính.
Những việc sau đây không thuộc thẩm quyền của toà án hành chính: Những hành vi hành chính mang tính quốc gia, quốc phòng, ngoại giao. Những văn bản pháp quy hoặc những quyết định hành chính có hiệu lực rộng của cơ quan hành chính.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính. Những việc hành chính do cơ quan hành chính quyết định lần cuối cùng. Thẩm quyền theo lãnh thổ: toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc là toà án hành chính nơi cư trú của bị đơn. Trường hợp có liên quan đến bất động sản thì toà án có thẩm quyền giải quyết là toà án nơi có bất động sản.
- Về thủ tục tố tụng
Toà án hành chính xét xử các vụ việc theo thủ tục tố tụng hành chính, nhìn chung có nhiều điểm giống thủ tục tố tụng hình sự. Việc xét xử tiến hành theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Khi xét xử, toà án có thẩm quyền: Giữ nguyên quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện; sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Toà án có quyền áp dụng các biện pháp sau: phạt tiền, buộc bồi thường và báo cho Ngân hàng trích từ tài khoản của cơ quan; phạt tiền đối với những cơ quan không thi hành phán quyết của toà án; kiến nghị tư pháp với cơ quan hành chính cấp trên, cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc cơ quan quản lý nhân sự của toà án. Những cơ quan này khi nhận được các kiến nghị phải căn cứ vào những quy định của pháp luật mà áp dụng các biện pháp xử lý đối với những người chịu trách nhiệm thi hành phán quyết của toà án, đồng thời báo cáo cho toà án biết về việc xử lý đó. Trường hợp không thi hành phán quyết của toà án gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.