Khuyến nghị về mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 79)

Việc xây dựng một mô hình cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay là vấn đề tương đối phức tạp. Vì thế, rút kinh nghiệm từ mô hình cơ quan tài phán hành chính ở các nước trên thế giới là điều cần thiết để có thể phát huy được những thế mạnh của cơ quan này, đáp ứng nhu cầu thực tiễn ở nước ta và khắc phục được những bất cập, độ “chênh” của cơ quan này đối với các nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước của Việt Nam.

Mỗi quốc gia trên giới đều lựa chọn một mô hình cơ quan tài phán hành chính để đảm bảo phù hợp với tổ chức bộ máy nhà nước, thiết chế chính trị,

truyền thống pháp lý, tình hình kinh tế - xã hội. Từ đó, mô hình cơ quan tài phán hành chính rất đa dạng, nhưng có thể xem xét dưới hai hệ thống sau:

- Nhất hệ tài phán (một hệ thống tài phán) gồm:

+ Mô hình toà hành chính trong toà án thường như ở Trung Quốc, Congo, Benanh, Bờ biển Ngà, Madagasca, Senegal, Togo, Indonesia…

+ Mô hình toà án tư pháp có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hành chính như Hàn Quốc, Anh, Iceland, Ireland, Na Uy, Canada, Cộng hoà Síp, Israel…

- Lưỡng hệ tài phán (tồn tại hai hệ thống tài phán: tài phán hành chính và tài phán tư pháp), trong đó, tài phán tư pháp xét xử các vụ án hình sự, dân sự, còn tài phán hành chính xét xử các vụ án hành chính. Hệ thống tài phán hành chính ở các nước này được chia thành 2 loại:

+ Hội đồng nhà nước (còn gọi là Tham chính viện) vừa có chức năng tư vấn pháp lý cho Chính phủ, vừa là cơ quan tài phán (xét xử) hành chính như ở Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ai Cập, Bỉ, Thái Lan…

+ Cơ quan tài phán hành chính độc lập, toà án hành chính chỉ thực hiện chức năng xét xử các vụ án hành chính như Đức, Thuỵ Điển, Phần Lan, Áo, Mexico, Bồ Đào Nha, Costa Rica…

Đối với những quốc gia tổ chức cơ quan giải quyết khiếu kiện hành chính theo mô hình lưỡng hệ tài phán thì vấn đề quan trọng là xác định thẩm quyền của từng cơ quan, tránh sự chồng chéo trong quá trình hoạt động và phối hợp. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay trong việc xác định thẩm quyền của cơ quan tài phán hành chính lại là vừa đề ra nguyên tắc chung, vừa qui định cụ thể trong các văn bản quản lý về cơ quan tiếp nhận khiếu nại hành chính. Nhờ đó, người dân dễ dàng xác định được cơ quan có thẩm quyền và nhiệm vụ giải quyết các khiếu nại của mình, hạn chế khiếu nại không đúng nơi, đúng chỗ, gây nhiều khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại cũng như phiền hà cho công dân.

Như vậy, trên cơ sở phân tích mô hình cơ quan tài phán hành chính điển hình ở Pháp, Đức (theo mô hình lưỡng hệ tài phán) và Trung Quốc, Hàn Quốc (theo mô hình nhất hệ tài phán), sẽ rút ra một số kinh nghiệm lý luận và thực tiễn để xây dựng một mô hình cơ quan tài phán hành chính thích hợp cho Việt Nam.

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 79)