Mối quan hệ của cơ quan tài phán hành chính với cơ quan hành chính và với toà hành chính.

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 106)

hành chính và với toà hành chính.

Cơ quan tài phán hành chính hoạt động theo cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính bằng luật hành chính dựa trên cơ sở thông báo và dành cơ hội cho các bên liên quan trình bày quan điểm. Cơ quan này hoạt động dựa trên nguyên tắc tôn trọng các qui tắc về thủ tục và chứng cứ; xét xử độc lập với cơ quan đã ra quyết định bị khiếu nại, bảo đảm sự độc lập, khách quan, không chịu sự tác động của tác nhân nào.

Để đảm bảo được tính độc lập trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính, cơ quan tài phán hành chính phải được thành lập là cơ quan thuộc Chính phủ, độc lập với cơ quan hành chính quản lý, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ (hay người được Thủ tướng uỷ quyền). Phán quyết của cơ quan tài phán hành chính phải chịu sự giám đốc của Toà án nhân dân tối cao. Có như vậy mới đảm bảo nguyên tắc hiến định “Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [21, tr.245]. và “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất” [21, tr.234].

3.2.4.1. Mối quan hệ giữa cơ quan tài phán hành chính và cơ quan hành chính.

Khi cơ quan tài phán hành chính được thành lập thì sẽ đảm trách việc giải quyết các khiếu nại hành chính được gửi trực tiếp đến hoặc đã được giải quyết ở cơ quan hành chính mà không thành hoặc không được giải quyết. Vì thế, cơ quan tài phán hành chính sẽ độc lập với cơ quan hành chính, chỉ thực hiện chức năng tài phán, không thực hiện chức năng quản lý hành chính (thuộc chức năng của cơ quan hành chính).

Cơ quan tài phán hành chính sẽ phán xét các khiếu nại một cách vô tư, khách quan, công khai, dứt điểm, không phụ thuộc vào cơ quan hành chính để thực hiện sự công bằng xã hội trong hoạt động công vụ. Dù vậy, cơ quan tài phán hành chính thực chất vẫn sẽ là một cơ quan hành chính (có quan hệ về ngân sách nhà nước trong quá trình hoạt động) nhưng hoạt động theo thủ tục tài phán.

Cơ chế giải quyết khiếu nại có sự tham gia của cơ quan tài phán hành chính sẽ khắc phục được những sai sót và hạn chế của tình trạng “Bộ trưởng – quan toà” (tự cơ quan có quyết định hành chính bị khiếu nại giải quyết khiếu nại), tình trạng cơ quan cấp trên giải quyết khiếu nại về quyết định của cơ quan cấp dưới. Thêm vào đó, có cơ quan tài phán hành chính sẽ giới hạn được các lĩnh vực khiếu kiện, xác định rõ một địa chỉ khiếu nại cụ thể, tránh tình trạng khiếu nại lung tung, tràn lan, không đúng thẩm quyền.

Như đã phân tích ở trên, ở nước ta, quyền lực Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc phân công trên cơ sở quyền lực Nhà nước là thống nhất, không phân chia nhưng có sự phân công, phân nhiệm rành mạch các quyền lập, hành, tư pháp. Quan điểm trên đã được ghi nhận trong các văn kiện chính trị của Đảng, Hiến pháp và các luật tổ chức các cơ quan nhà nước. Vì thế, cơ quan tài phán hành chính phải được thành lập như một cơ quan chuyên trách giải quyết các khiếu nại hành chính, độc lập với chức năng quản lý hành chính của cơ quan hành chính. Có như vậy, công việc giải quyết khiếu nại hành chính mới thực sự có hiệu quả do được thực hiện bằng sự khách quan, vô tư và coi quyền, lợi ích của cả hai bên là mục đích để đạt tới trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện cho cơ quan hành chính không phải phân tán nhân sự, thời gian và công sức vào việc giải quyết khiếu nại hành chính mà chỉ tập trung vào công việc quản lý.

Mối quan hệ giữa cơ quan tài phán hành chính và cơ quan hành chính thực chất sẽ là mối quan hệ giữa hai hệ thống cơ quan thuộc bộ máy nhà nước

(nhánh quyền lực hành pháp), với chức năng, thẩm quyền riêng biệt. Điều quan trọng là cơ quan tài phán hành chính hoàn toàn độc lập với cơ quan hành chính (cơ quan, người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại). Như vậy sẽ làm tăng tính khách quan trong phán quyết giải quyết khiếu nại của cơ quan tài phán hành chính và tăng niềm tin của người dân. Tuy nhiên, do cơ quan tài phán hành chính được thực hiện chức năng tài phán đối với các khiếu nại hành chính nên các phán quyết của cơ quan tài phán hành chính sẽ có hiệu lực thi hành như đối với bản án của toà hành chính hiện nay. Nghĩa là các cơ quan hành chính hoặc người có thẩm quyền có quyết định hay hành vi hành chính bị khiếu nại và người khiếu nại sẽ phải phối hợp, chấp hành các phán quyết, quyết định của cơ quan tài phán hành chính trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính. Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả hoạt động của cơ quan tài phán hành chính.

3.2.4.2. Mối quan hệ giữa cơ quan tài phán hành chính và toà hành chính thuộc Toà án nhân dân tối cao.

Theo quy định của Điều 127 Hiến pháp,

Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Điều 134 “Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam [21, tr.243].

Chức năng xét xử chỉ thuộc về một mình toà án. Toà án là nơi thể hiện nền công lý, sự bình đẳng, công bằng trong xã hội, vì thế, toà án đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bộ máy nhà nước, không thể có cơ quan nào thay thế được. Mối quan hệ giữa cơ quan tài phán hành chính và Toà án là mối quan hệ giữa hai cơ quan trong bộ máy nhà nước, cùng thực hiện chức năng tài phán nhưng có thẩm quyền khác nhau. Đối với toà hành chính, cơ quan tài phán hành chính là một cấp giải quyết khiếu kiện hành chính về mặt nội dung.

Chỉ khi quyết định hoặc việc giải quyết của cơ quan tài phán có sai lầm thì mới phải đưa ra toà hành chính để xem xét về việc áp dụng pháp luật. Như vậy, dù cơ quan tài phán có được thành lập thì toà hành chính vẫn tồn tại với chức năng riêng, đặc trưng của hệ thống toà án là xét xử. Việc thiết lập cơ quan tài phán hành chính sẽ không làm mất đi sự tồn tại của toà hành chính thuộc Toà án nhân dân và đảm bảo tính độc lập với hệ thống này cũng như cơ quan hành chính. Thực chất, cơ quan tài phán hành chính sẽ là một khâu trung gian để giải quyết khiếu kiện hành chính để tách chức năng tài phán hành chính ra khỏi cơ quan hành chính. Điều quan trọng là các quyết định của cơ quan tài phán hành chính phải được đảm bảo thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế nhà nước (như đối với các quyết định của toà án).

Như vậy, dù cơ quan tài phán có được thành lập thì toà hành chính vẫn tồn tại với chức năng riêng, đặc trưng của hệ thống toà án là xét xử. Mặc dù được tổ chức và hoạt động giống với toà án nhưng hoạt động của cơ quan tài phán hành chính sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn vì thủ tục đơn giản, nhanh chóng (giải quyết một lần đối với một khiếu nại hành chính, phán quyết có hiệu lực thi hành sau một thời hạn luật định cho kháng cáo, kháng nghị); có tính chuyên môn cao, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý hành chính; bình đẳng với các cơ quan hành chính nên dễ dàng tiếp cận để giải quyết các vấn đề bị khiếu nại.

Tóm lại, việc thiết lập cơ quan tài phán hành chính sẽ không làm mất đi sự tồn tại của toà hành chính thuộc Toà án nhân dân và đảm bảo tính độc lập với hệ thống này cũng như cơ quan hành chính.

- Với chức năng và thẩm quyền riêng biệt, cơ quan tài phán hành chính sẽ là một khâu trung gian để giải quyết khiếu kiện hành chính, nhằm tách chức năng tài phán hành chính ra khỏi cơ quan hành chính và giảm tải cho toà hành chính trong quá trình giải quyết các tranh chấp hành chính đang ngày càng có xu hướng gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp.

- Các quyết định của cơ quan tài phán hành chính phải được đảm bảo thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế nhà nước (như đối với các quyết định của toà án).

- Thiết lập cơ quan tài phán hành chính là phù hợp với điều kiện hiện nay ở nước ta và như là bước chuẩn bị cho quá trình mà mọi tranh chấp hành chính đều có thể được giải quyết thông qua toà án [16, tr.29-59].

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 106)