Nhóm giải pháp cụ thể

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 111)

3.3.2.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính

Điều 4 Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” [21, tr.196-197]. Để thực hiện được kiến nghị thành lập cơ quan tài phán hành chính như trình bày ở phần trên, trước tiên cũng không nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính. Coi nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này là một trong những nhiệm vụ quan trọng và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Đồng chí bí thư cấp uỷ đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong ban thường vụ cấp uỷ theo dõi, chỉ đạo từ khâu chuẩn tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nhân sự, xây dựng trụ sở làm việc,

chỉ đạo điều hành hoạt động… và coi hiệu quả của các công tác này là một tiêu chuẩn đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của cấp uỷ đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức có trách nhiệm.

3.3.2.2. Chuẩn bị nhân sự của cơ quan tài phán

Cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan tài phán hành chính là một yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của Đề án thành lập cơ quan tài phán hành chính. Bởi lẽ, không có cán bộ, công chức thì các công việc của cơ quan tài phán hành chính sẽ không được thực hiện. Mặt khác, đây là lĩnh vực mới, do vậy cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo hơn về nhân sự. Trước mắt điều động một bộ phận cán bộ, công chức làm việc trong toà án hành chính và cán bộ, công chức làm công tác thanh tra để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để họ có đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ được giao. Về lâu dài, cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan tài phán hành chính phải được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và về đạo đức nghề nghiệp.

3.3.2.3. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan

Cùng với việc chuẩn bị về nhân sự cho cơ quan tài phán hành chính thì cần phải xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính.

- Ban hành Luật thủ tục giải quyết các khiếu nại hành chính. - Ban hành Luật tổ chức cơ quan tài phán hành chính.

- Sửa đổi Luật Tổ chức toà án nhân dân, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

- Ban hành mới các văn bản của Chính phủ và cơ quan nhà nước có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính.

3.3.2.4. Về cơ sở, vật chất cho hoạt động của cơ quan tài phán hành chính

Để cơ quan tài phán có thể hoạt động được, cần có trụ sở và điều kiện vật chất khác. Các cơ quan, địa phương được giao nhiệm vụ xây dựng trụ sở của cơ quan tài phán hành chính cần khẩn trưởng tiến hành các thủ tục để xây dựng trụ sở cũng như trang bị về điều kiện vật chất khác cho hoạt động của cơ quan tài phán hành chính. Trụ sở cơ quan tài phán hành chính cần đảm bảo đủ điều kiện để làm việc, thuận lợi cho công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại của mình.

3.3.2.5. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về tài phán hành chính

Cùng với các giải pháp như đã trình bày ở phần trên, để tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính được thực hiện tốt cần làm tốt công tác tuyên truyền về Đề án thành lập cơ quan tài phán hành chính cũng như các văn bản pháp luật có liên quan đến mọi tầng lớn nhân dân và cán bộ, công chức để họ hiểu và thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

3.3.2.6. Lộ trình xây dựng cơ quan tài phán hành chính

Theo chúng tôi, việc thành lập Viện Tài phán hành chính nên chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ nay đến năm 2020 đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại theo hướng tài phán; giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2025 thí điểm việc thành lập cơ quan tài phán hành chính trong lĩnh vực đất đai; giai đoạn 3, từ năm 2026 trở đi thực hiện tài phán hành chính như phần khuyến nghị. Cụ thể:

Giai đoạn 1- Đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính theo hướng tài phán

Trong giai đoạn này giao cho một cơ quan nhất định (nên giao cho cơ quan thanh tra) thực hiện việc giải quyết khiếu nại theo trình tự, thủ tục thực hiện việc giải quyết khiếu nại như tương tự như phần khuyến nghị nêu trên về việc thành lập cơ quan tài phán hành chính. Bảo đảm việc giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục giải quyết nhanh gọn, khách quan,

công khai, minh bạch; bình đẳng giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại. Mở rộng vai trò của Luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Giai đoạn 2- Thí điểm thành lập cơ quan tài phán hành chính giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai

Trong giai đoạn này, tiến hành thành lập cơ quan tài phán hành chính tại một số địa phương đại diện cho 3 miền để giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai với đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục như phần khuyến nghị thành lập cơ quan tài phán hành chính để giải quyết nhanh chóng, khách quan, công khai, dân chủ.

Giai đoạn 3- Thực hiện việc thành lập cơ quan tài phán hành chính Thành lập hệ thống Viện Tài phán để giải quyết các khiếu nại hành chính. Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan tài phán thực hiện như trình bày ở phần khuyến nghị.

KẾT LUẬN

Tài phán hành chính là một vấn đề không mới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, mỗi giai đoạn lịch sử, chức năng này được giao cho một loại cơ quan nhất định để phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước cũng như tình hình thực tiễn.

Sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới - với những yêu cầu rất cao về giải quyết tranh chấp hành chính tại một cơ quan chuyên trách với đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp. Qua nghiên cứu mô hình cơ quan tài phán hành chính của một số nước trên thế giới, cũng như thực tiễn giải quyết khiếu nại hành chính ơ nước ta trong thời gian qua và yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà nước của dân, do dân và vì dân và hội nhập kinh tế quốc tế, có thể thấy một nhu cầu cần thiết phải xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đây, một mặt là để nhằm hoàn thiện một bước về tổ chức bộ máy nhà nước, mà còn là một giải pháp để hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính ở nước ta trong bối cảnh phát triển mới.

Tuy nhiên, để xây dựng được cơ quan tài phán hành chính để giải quyết khiếu nại của công dân như phần khuyến nghị đã trình ở phần trên, cần quán triệt điểm: xây dựng cơ quan tài phán hành chính phải quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về giải quyết khiếu nại, cải cách nền hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân; xây dựng cơ quan tài phán hành chính phải tạo ra cơ chế giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, khách quan, công khai, dân chủ các khiếu kiện của công dân, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy dân chủ của nhân dân; xây dựng cơ quan tài phán hành chính phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tế giải quyết khiếu nại hành chính để đáp ứng yêu cầu đang đặt ra trong thực tiễn và đổi mới công tác quản lý Nhà

nước; phải phù hợp với truyền thống văn hoá, pháp lý của nước ta, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới; xây dựng cơ quan tài phán hành chính phải có lộ trình, bước đi thích hợp, có sự kết hợp giữa quá trình chuẩn bị thành lập cơ quan tài phán hành chính với việc đổi mới phương thức, cách thức giải quyết khiếu nại ở các cơ quan hành chính theo hướng công khai, dân chủ, từng bước chuyên nghiệp để giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt.

Đồng thời, tiến hành các giải pháp tổng thể và cụ thể một cách đồng bộ, đó là thực hiện tốt hơn chủ trưởng của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng và hoàn thiện nhà mước pháp quyền Việt Nam; hoàn thiện hệ thống pháp luật về nội dung và hình thức; cải cách lập pháp, hành pháp và tư pháp một cách thực chất; tổng kết thực tiễn làm rõ lý luận về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính, cần tạo ra bước đi thận trọng, phù hợp với điều kiện cụ thể, đầu tư thoả đáng về con người cũng như cơ sở vật chất, hoàn thiện pháp luật có liên quan phục vụ tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính... Có như vậy, việc xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam nhằm giải quyết có hiệu quả các khiếu nại hành chính mới đạt được kết quả như mong muốn./.

Một phần của tài liệu Xây dựng cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)