Nhóm dân cư nông thôn, đồng bằng ven biển

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 71)

Trong lịch sử Việt Nam, kể từ buổi đầu dựng nước đến nay, vấn đề nông thôn luôn luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Để tiến hành thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vấn đề nông nghiệp, nông thôn, trong đó vấn đề giáo

dục, nâng cao nhận thức xã hội, hiểu biết pháp luật của nông dân là một nội dung quan trọng.

Đến năm 2004, Thanh Hóa có 3.224.380 nông dân sinh sống rải rác ở các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cũng như nông dân cả nước nói chung, người nông dân Thanh Hoá ít có điều kiện nâng cao trình độ học vấn, trình độ dân trí thấp hơn các tầng lớp khác. Qua điều tra 400 nông dân ở các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Quảng Xương, Thường Xuân cho thấy chỉ có 45% có trình độ PTTH, còn lại phần lớn là THCS, chỉ biết đọc, biết viết. Người nông dân ít được tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng (sách báo, Đài phát thanh, vô tuyến truyền hình...) công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với nhân dân chưa được chính quyền có trách nhiệm coi trọng đúng mức. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho sự hiểu biết pháp luật của người nông dân Thanh Hoá bị hạn chế. Có 50% số người được hỏi trả lời “biết Nhà nước thông qua Hiến pháp năm 1992 nhưng không đọc”; 46% có đọc và đi sâu tìm hiểu một số phần cụ thể bằng cách hỏi người khác, nghe giải đáp trên phương tiện phát thanh, truyền hình một số vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ như: Chế độ, bầu cử và nghĩa vụ của công dân;… 4% đã đọc Hiến pháp năm 1992 nhưng chưa đi sâu tìm hiểu. Hầu hết người nông dân mới chỉ có khái niệm chung nhất, nhưng nhận thức chưa đầy đủ về tổ chức bộ máy nhà nước, về chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan nhà nước mà chỉ biết đến HĐND, UBND các cấp,...Gần như người nông dân chỉ biết thực hiện nghĩa vụ, khi quyền lợi bị xâm phạm thì chưa ý thức được việc đòi hỏi bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ, chưa biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bản thân họ không xác định được cơ quan chính quyền nào có thẩm quyền giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho họ khi quyền lợi của họ bị xâm phạm, thường khiếu nại nhiều nơi, gây tốn kém thời gian và tiền bạc. Qua

tìm hiểu cho thấy, nông dân Thanh Hoá nói chung rất quan tâm tìm hiểu pháp luật về các lĩnh vực: Dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, pháp luật hình sự, tổ chức bộ máy nhà nước,... nhưng rất ít biết đến các Bộ luật đó hoặc biết không rõ ràng. Do đó hiện tượng vi phạm pháp luật của nông dân Thanh Hoá nói chung vẫn còn phổ biến .

Trước tình hình này, thời gian qua Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thanh Hoá đã tập trung chỉ đạo đi sâu phổ biến pháp luật cho nông dân trong tỉnh các quy định luật có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ hoặc quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ người lao động công ích, nghĩa vụ bảo vệ các công trình phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, bảo vệ đê điều, công trình thuỷ lợi, công trình giao thông, khoán đất, khoán rừng, xây dựng phát triển các ngành nghề truyền thống, luật hôn nhân gia đình, vấn đề kết hôn, khai sinh, khiếu nại, tố cáo, dàn xếp kết quả giải quyết tranh chấp và bất hoà trong nội bộ nhân dân, luật dân sự, luật hình sự, luật an toàn giao thông,...

Mặc dù, nhận thức pháp luật của người nông dân Thanh Hoá hiện nay đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây nhưng thực tế cho thấy các hiện tượng vi phạm pháp luật đất đai như: Mua đi, bán lại đất đai, biến đất canh tác thành đất thổ cư, tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề phát triển nhiều, mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn dòng họ dẫn đến vi phạm pháp luật liên tiếp xảy ra, nạn tảo hôn vi phạm luật hôn nhân và gia đình vẫn chưa giảm...Thực trạng đó bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, tổ chức - pháp luật biểu hiện cụ thể qua các nguyên nhân chủ yếu sau:

- Thứ nhất, địa vị kinh tế thấp là biểu hiện đặc trưng của nhóm đối tượng là người nông dân. Nguyên nhân của tình trạng này rất đa dạng, trong đó phải kể đến điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn, trình độ và kỹ năng lao động thấp, thiếu nguồn lực và năng lực tiếp cận với cơ hội làm giàu. Do

thiếu điều kiện kinh tế nên người nông dân Thanh Hoá không có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin pháp luật trên báo chí, Đài phát thanh, truyền hình,... Điều này dẫn đến thực tế là sự hiểu biết pháp luật của người nông dân Thanh Hoá còn rất thấp. Chính sự hiểu biết pháp luật hạn chế của họ làm giảm đáng kể tính chủ động của những đối tượng này trong việc tiếp cận hệ thống pháp luật cũng như việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.

Bên cạnh đấy, do thiếu các tri thức chính trị nên khả năng tham gia vào hoạt động chính trị của người nông dân Thanh Hoá khá hạn chế. Điều này dẫn đến hậu quả là khả năng tạo ra những cơ hội chính trị để ghi nhận, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân trong thực tế đạt hiệu quả chưa cao. Sự quan tâm chưa thích đáng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân ở khu vực nông thôn của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương là một yếu tố cơ bản dẫn đến nhận thức pháp luật của người nông dân hạn chế.

- Thứ hai, do ảnh hưởng của tư tưởng làng xã. Thực tế trong tổ chức làng xã ở nông thôn Thanh Hoá cho thấy, có hai hình thức có ảnh hưởng đến ý thức pháp luật của người nông dân. Trước hết là các quan hệ xóm ngõ. Người dân rất quý trọng tình cảm xóm giềng do đó làm cho người nông dân hay có thái độ cả nể, xuề xoà trong công việc, không định rõ một cách phân minh thái độ của mình trước công lý, trước pháp luật. Biểu hiện thường thấy là sự bao che cho xóm giềng hoặc khi có mâu thuẫn tranh chấp thì cũng “bên ngoài là lý, bên trong là tình”. Sau nữa là các dòng họ. Sự ràng buộc của quan hệ huyết thống làm cho người dân dễ có những biểu hiện tiêu cực về ý thức pháp luật: Chủ nghĩa bè phái, thái độ nể nang, thiếu nghiêm túc trước pháp luật dẫn đến những vụ kiện nhau tập thể, sự tuyệt giao về quan hệ hôn nhân giữa các họ kéo dài; thái độ cậy thế, cậy đông người để chèn ép lẫn nhau.

Người dân quê chỉ quen sống và coi trọng những quy ước của “từng luỹ tre xanh” mà ít tôn trọng pháp luật chung của cả nước .

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 71)