Yếu tố tổ chức pháp luật

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 48)

Phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước quan tâm trong những năm qua. Các văn kiện của Đảng, Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định vị trí quan trọng của phổ biến, giáo dục pháp luật trong đời sống xã hội. Từ những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN. Chỉ thị số 315-CT ngày 07/12/1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã nhấn mạnh: “Tuyên truyền, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là biện pháp chủ yếu để xây dựng ý thức pháp chế XHCN và tăng cường pháp chế XHCN. Phải có kế hoạch chỉ đạo kiểm tra việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đưa công tác này đi vào nề nếp thường xuyên...”. Quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cơ quan đoàn thể tỉnh Thanh Hoá luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong công cuộc kiến thiết tỉnh nhà.

Các văn bản pháp lý quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đều khẳng định vị trí quan trọng

của ngành Tư pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Sở Tư pháp Thanh Hoá là cơ quan chuyên môn, có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Năm 1983 sau khi được thành lập, Sở Tư pháp Thanh Hoá đã xác định rõ công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp. Vì vậy, Thanh Hoá là một trong 9 tỉnh thành lập Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật sớm nhất trong hệ thống tổ chức các Phòng, ban thuộc Sở Tư pháp.

Ngày 02/7/1998 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 1353 QĐ/UB-NC về việc bàn hành “Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến 2000”. Từ giai đoạn này, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Thanh Hoá có sự đổi mới, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có những bước phát triển mạnh mẽ. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh được thành lập ban đầu gồm 21 thành viên của 18 cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể. Hiện nay gồm 22 cơ quan với 25 uỷ viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch thường trực, có Ban thư ký giúp việc cho Hội đồng gồm 22 chuyên viên của các ngành tham gia. Ở cấp huyện có Hội đồng phối hợp, ở cấp xã có Ban chỉ đạo tuyên truyền pháp luật. “Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND tỉnh là tổ chức giúp UBND tỉnh chỉ đạo và phối hợp sự chỉ đạo của các cơ quan tổ chức về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, duy trì hoạt động phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (Điều 1 - Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thanh Hoá ban hành kèm theo Quyết định số 1353 QĐ/UB-NC ngày 02/7/1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá). Cho

đến nay, toàn tỉnh đã có 28 Hội đồng phối hợp cấp tỉnh và cấp huyện; 400 Ban chỉ đạo phổ biến, giáo dục pháp luật cấp xã; 35 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 432 báo cáo viên cấp huyện, 7.350 tuyên truyền viên ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 5.759 Tổ hoà giải với 29.886 hòa giải viên... Các ngành thành viên Ban chỉ đạo phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đều đã thành lập Ban chỉ đạo của ngành để thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính chuyên ngành, từ đó đã tạo ra những chuyển biến tích cực, phát huy được hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là sự đổi mới cơ bản của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thanh Hoá .

Về nội dung và hình thức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng rất phong phú, đa dạng. Cho đến nay các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh đều tổ chức ít nhất một đợt, nhiều là 6 đợt triển khai các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước. Đối với cấp huyện, trừ các ngành trong khối Nội chính tập huấn theo chuyên ngành, còn hầu hết các đơn vị triển khai cho cán bộ công chức khối cơ quan UBND, văn phòng Huyện uỷ cùng cán bộ cấp xã nghe phổ biến, pháp luật trong Hội nghị cán bộ cấp huyện. Đây là một chuyển biến mới về phương pháp tổ chức chỉ đạo của cấp uỷ và lãnh đạo khối cơ quan nhà nước trong việc tổ chức cho cán bộ đảng viên tham gia tìm hiểu pháp luật theo mô hình tập trung. Đối với nhân dân và các đối tượng khác được triển khai bằng nhiều hình kênh đan xen, lồng ghép như: Diễn đàn ở các câu lạc bộ của MTTQ, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... thông qua hoạt động hoà giải, trợ giúp pháp lý, trả lời bạn nghe đài, chuyên mục “Nhà nước và pháp luật” trên báo Thanh Hóa, tìm hiểu qua tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, tủ sách pháp luật ở phố, thôn, bản thông qua các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật.

Bình quân mỗi năm, tỉnh đã triển khai từ 30 đến 40 văn bản pháp luật, 40 đến 50 văn bản dưới luật như các nghị định, thông tư... và nhiều văn bản pháp luật khác thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, an ninh - quốc phòng.

Năm 2005, là năm đầu tiên tỉnh Thanh Hoá triển khai thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức pháp luật cho các đồng bào dân tộc miền núi” được ban hành kèm theo Quyết định số 3781/2003 của UBND tỉnh Thanh Hoá. Đề án này đã đựoc triển khai ở 3 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá cho cán bộ thôn, bản, thị trấn gồm 12 nội dung pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc miền núi. Ngoài việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, Sở Tư pháp còn đầu tư trang bị thí điểm 30 tủ sách pháp luật cho các bản được công nhận là bản Văn hoá đã xây dựng được nhà văn hoá để nhân dân có điều kiện tìm hiểu pháp luật.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, yếu tố tổ chức pháp luật vẫn còn nhiều tồn tại yếu kém, gây ảnh hưởng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các cấp chính quyền có lúc, có nơi chưa thấy hết vai trò, vị trí, trách nhiệm của cấp mình trong hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa quan tâm tạo điều kiện cho Báo cáo viên hoạt động. Hội đồng phối hợp các cấp chưa xây dựng được chương trình hoạt động cụ thể, thường xuyên, thiết thực, hoạt động vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa phát huy được vai trò trong chỉ đạo công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công tác phổ biến pháp luật ở cấp xã cho thôn, làng, bản, khối phố còn hạn chế do một số cán bộ xã chưa nắm vững kiến thức pháp luật. Đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật so với nhu cầu thực tế còn thiếu, trình

độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Theo số liệu báo cáo của các huyện và kiểm tra một số xã, hiện chỉ có 80% số xã, phường, thị trấn có Ban chỉ đạo tuyên truyền pháp luật và 37% số xã, phường vẫn chủ yếu triển khai trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, số xã, phường còn lại chưa thật sự quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân (chủ yếu là các xã miền núi). Công tác xây dựng Tủ sách pháp luật ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, đối phó. Tài liệu pháp luật được cấp phát như các văn bản pháp luật, công báo, tin nhanh, các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh chưa được lưu trữ, sắp xếp thành hệ thống và mới chỉ dừng lại phục vụ cho cán bộ chính quyền cơ sở là chính, chưa phục vụ được đông đảo tầng lớp nhân dân địa phương.

Thực trạng này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hoá quan tâm hơn nữa đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường công tác phối hợp bằng chương trình, kế hoạch liên ngành giữa các cơ quan chuyên môn với cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp để tuyên truyền pháp luật; có kế hoạch bổ sung thêm nguồn kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Để thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân giai đoạn 2005-2010 theo Quyết định 212/2004 QĐ-TTg ngày 16/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

* (Mô hình cơ chế phổ biến, giáo dục pháp luật)

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)