Nhóm học sinh, sinh viên và thanh, thiếu niên

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 59)

Thế hệ trẻ là bộ phận năng động nhất của xã hội, họ luôn luôn thể hiện những phẩm chất mang tính đặc trưng như năng lực trí tuệ dồi dào, ý chí cảm xúc phong phú, khả năng thích ứng cao trong cuộc sống ... Nhưng những phẩm chất này trong một số trường hợp thường gắn liền với sự bồng bột, thiếu chín chắn trong nhìn nhận, đánh giá sự kiện, dễ bị ngã theo những luồng thông tin thiếu chính xác và một bộ phận trong số họ đã phát triển nhận thức theo hướng ngược lại của trào lưu chung. Điều đặc biệt nguy hại, do ảnh hưởng tiêu cực của tội phạm tác động đến lớp người trẻ tuổi là thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người khác. Đây chính là cơ sở để hình thành lối sống buông thả “lưu manh” ở một số trẻ em. Trong một thời gian khá dài chúng ta mới chỉ chú trọng bồi dưỡng, truyền thụ cho thế hệ trẻ những kiến thức khoa học, còn về phổ biến, giáo dục pháp luật lại rất ít được đề cập đến. Sự thiếu đồng bộ trong công tác giáo dục dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ý thức pháp luật của quần chúng, trước hết là lớp người trẻ tuổi không được đề cao, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, tình trạng phạm tội ở lớp người này xảy ra một cách nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người phạm pháp và đang có xu thế ngày càng tăng. Trong hoàn cảnh đó, pháp luật trở thành một trong những tác nhân điều hoà quan trọng nhất đối với mọi hoạt động của nhóm đối tượng này, trở thành phương hướng cho sự nhận thức về cuộc sống và trở thành thước đo để họ tự điều chỉnh hành vi của mình theo trào lưu chung của xã hội. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt đối với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên được đặt ra như một tất yếu

khách quan, là một bộ phận cấu thành trong chương trình giáo dục của Nhà nước.

Hiện nay toàn tỉnh Thanh Hoá có hơn 1.000.000 thanh niên chiếm gần 36% dân số và 55% lực lượng lao động, thế hệ trẻ tỉnh Thanh Hoá đã cùng với các thế hệ cha ông không ngừng lao động, sáng tạo và dũng cảm chiến đấu xây dựng bảo vệ quê hương. Sau nhiều năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, bằng sự nỗ lực phấn đấu, thế hệ trẻ tỉnh Thanh Hoá đã cùng đồng bào các dân tộc tỉnh nhà xây nên những thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực. Vấn đề rèn luyện phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức pháp luật, đặc biệt là định hướng lý tưởng, luôn là yêu cầu tất yếu đối với thế hệ trẻ Thanh Hoá. Do đó trong những năm qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong đó có giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên đã được Đảng bộ, các cấp bộ Đoàn Thanh Hoá đặc biệt chú trọng. Nhiều hình thức sinh hoạt, hoạt động tuyên truyền giáo dục tư tưởng, chính trị, pháp luật cho thanh thiếu niên, học sinh - sinh viên được thực hiện. Các phong trào đã lôi cuốn hàng triệu lượt cán bộ đoàn viên thanh niên học sinh tham gia, nhất là việc quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách hoàn thiện chương trình giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống, phòng chống các tai tệ nạn xã hội, tìm hiểu về dân số - sức khoẻ - môi trường,…Xây dựng và tổ chức thi tìm hiểu về Chương trình 138 của Chính phủ, các cuộc thi với hình thức sân khấu hoá “Tuổi trẻ với công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”; cuộc thi “Tuổi trẻ với an toàn giao thông”, nhiều hoạt động xã hội như: Hiến máu nhân đạo, chăm sóc người già; trẻ em tật nguyền; giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt… đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong lực lượng đoàn viên thanh niên cùng với các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, phong trào “Thanh niên tình nguyện”,… đang ngày càng lớn

mạnh. Ngoài ra Đoàn Thanh niên còn là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa; đi đầu trong việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội…

Phát huy vai trò của các câu lạc bộ thanh niên với pháp luật theo mô hình “Đội tuyên truyền trẻ” tập trung tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên tìm hiểu Luật nghĩa vụ quân sự, Luật hôn nhân gia đình, các văn bản pháp luật về kinh tế, đặc biệt là tổ chức cho thanh niên hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu luật giao thông đường bộ do Ban an toàn giao thông Quốc gia tổ chức. Năm 2004, ngành Giao thông và Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật cho 126.500 đoàn viên thanh niên trong và ngoài trường học. Đoàn viên thanh niên các cấp đã tổ chức 3.142 các diễn đàn thanh niên, hái hoa dân chủ, thi tìm hiểu pháp luật, các quy định trong Hương ước thu hút gần 100.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, tiêu biểu như các huyện: Thiệu Hoá, Nông Cống, Đông Sơn, Hậu Lộc, TP. Thanh Hóa và đại học Hồng Đức… xây dựng mới 102 Tủ sách pháp luật đặt tại các nhà văn hoá xã, các cơ quan đơn vị . Triển khai cuộc thi “An toàn giao thông và hạnh phúc của bạn” thu hút 50.000 bài dự thi, diễn đàn “Thanh niên tuổi 17”, tìm hiểu về Luật nghĩa vụ quân sự thu hút 51.000 đoàn viên thanh niên tham gia. Đoàn trường Hồng Đức đã tổ chức các diễn đàn sinh viên với pháp luật nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của sinh viên. Toàn tỉnh đã xây dựng gần 1.000 câu lạc bộ thanh niên gồm: 126 Câu lạc bộ thanh niên “Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”; 180 đội tuyên truyền cấp cơ sở; 2.250 đội thanh niên xung kích với 18.800 hội viên tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tiêu biểu nhất ở TP Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc… Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành tổ chức cho 46.500 học sinh của 51 trường

THPT và THCS tìm hiểu, cam kết thực hiện các quy định về an toàn giao thông. Tổ chức tuyên truyền, triển lãm an toàn giao thông, thi đố vui tìm hiểu Luật an toàn giao thông cho 10.500 cán bộ giáo viên và học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, do ảnh hưởng tích cực của công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư tưởng của lớp trẻ Thanh Hoá hiện nay cơ bản ổn định trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước. Tự hào về những thành tích đạt được, tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Thanh Hoá đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng nhất, Hạng nhì và Hạng ba. Tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 02, Quyết định 03 của Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Tỉnh đoàn Thanh niên đã vinh dự được Hội đồng phối hợp của Chính phủ tặng Bằng khen về những thành tích trong hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ thuận lợi đó, thanh thiếu niên Thanh Hoá hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, đó là sự tác động của các mặt trái của nền kinh tế thị trường, đời sống vật chất còn nghèo, vấn đề việc làm, thu nhập thấp… Do đó, một bộ phận thanh thiếu niên thiếu ý chí vươn lên khắc phục mọi khó khăn, ngại lao động vất vả, không muốn làm việc nhưng lại muốn cuộc sống hưởng thụ. Do vốn sống còn quá ít, cộng với sự bồng bột thiếu chín chắn trong nhìn nhận đánh giá sự kiện, sự tác động của môi trường xã hội nên lớp trẻ dễ bị mất phương hướng, dễ bị sa vào các trạng thái cực đoan trong nhận thức và hành động dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.

Biểu hiện rõ ràng, cụ thể nhất là trong số những người sa vào các tệ nạn xã hội: Ma tuý, mại dâm, cờ bạc, trộm cướp, giết người cướp của… phần đông trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Theo số liệu thống kê của Công

an tỉnh Thanh Hoá, có hơn 75% tội phạm hình sự và 70% số người sa vào các tệ nạn xã hội ở trong độ tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đặc biệt là ở miền núi, hủ tục kết hôn sớm, mê tín dị đoan, bài bạc, nghiện hút trong tầng lớp thanh, thiếu niên vẫn tồn tại nặng nề.

Trong tổng số người phạm tội trong toàn tỉnh, tỷ lệ thanh, thiếu niên, học sinh - sinh viên phạm tội có chiều hướng tăng ở các thành thị và tỷ lệ thanh niên phạm các tội danh về kinh tế cũng không phải là thấp. Các tội danh hình sự thanh thiếu niên trong tỉnh thường vi phạm là trộm cắp tài sản công dân, cướp tài sản công dân, cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, vi phạm an toàn giao thông. Có một số tội hầu như chỉ có thanh thiếu niên vi phạm là tội cướp giật và tội đua xe trái phép (gần 95%). Tình trạng phạm tội mang tính tập thể, có tổ chức, tụ tập thành băng nhóm để trộm cắp, cướp giật, đâm thuê, chém mướn, đua xe trái phép, tổ chức sử dụng ma tuý đang ngày càng phổ biến ở thanh thiếu niên thành thị.

Thực trạng trên bắt nguồn từ sự tác động ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, văn hóa, tổ chức - pháp luật và biểu hiện rõ trong các nguyên nhân chủ yếu sau:

- Thứ nhất, theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu thanh niên về các nguyên nhân chủ yếu của thanh, thiếu niên phạm pháp và mắc các tệ nạn xã hội thì nguyên nhân về tâm lý lứa tuổi “thanh, thiếu niên còn nông nổi, bột phát” được 75,6% [114, 50] số người được hỏi xếp vào nguyên nhân đầu tiên. Các đặc điểm của lứa tuổi này như tò mò, hiếu động, thích khám phá cái mới, ưa phiêu lưu mạo hiểm, thích cảm giác mạnh, liều lĩnh, thiếu chín chắn, đang tự khẳng định mình là người lớn…Do đó nếu không được giáo dục, định hướng đúng đắn, kịp thời thì rất dễ tiêm nhiễm cái xấu, dễ bị bạn bè xấu lôi kéo, kích động. Đây cũng là tâm lý chung của lớp thanh thiếu niên

học sinh, sinh viên Thanh Hoá. Đặc biệt tâm lý này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh, thiếu niên có chiều hướng gia tăng về số vụ, số loại tội phạm cả về tính chất, mức độ phạm tội.

- Thứ hai, nguyên nhân phía gia đình: Gia đình có vị trí và vai trò đặc biệt không gì thay thế được trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ con người. Nếu thiếu sự quan tâm của gia đình hoặc phương pháp không phù hợp, thanh, thiếu niên dễ có nguy cơ vấp ngã. Dưới sức ép của đời sống khó khăn, tình trạng thất nghiệp do thiếu công ăn việc làm có thời kỳ trở lên gay gắt, ở một số gia đình cha mẹ chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy dỗ con cái, có trường hợp còn đồng tình với con cái khi chúng vi phạm pháp luật. Thực trạng đó đã làm cho một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh sống không có lý tưởng, ý thức pháp luật kém, thậm chí còn có thái độ coi thường, chống đối pháp luật, sống ngoài vòng pháp luật.

- Thứ ba, nguyên nhân do nhận thức pháp luật của thanh, thiếu niên còn yếu. Bước vào cơ chế thị trường, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương nhất là cấp cơ sở tập trung chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chưa đầu tư đúng mức cho sự nghiệp văn hoá, giáo dục nói chung và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng. Cho đến nay, có cấp uỷ còn cho rằng công tác thanh niên là nhiệm vụ riêng của tổ chức Đoàn, do đó các Nghị quyết của Đảng về thanh niên, công tác tư tưởng của Đảng chậm thể chế hoá. Đồng thời có rất nhiều trường hợp thanh, thiếu niên khi xem phim ảnh, sách báo có nội dung độc hại, không lành mạnh đã bị kích động tới cuồng loạn, không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của mình. Thực tế này là nguyên nhân tác động trực tiếp đến nhận thức pháp luật của thanh, thiếu niên. Theo ý kiến của các cán bộ cảnh sát điều tra và nhiều nhà nghiên cứu thì nhận thức pháp luật hạn chế là nguyên nhân dẫn đến hành động theo

bản năng cảm tính, không ý thức được mối nguy hiểm và hậu quả hành vi tội phạm do mình gây ra ở lớp thanh, thiếu niên học sinh.

- Thứ tư, nguyên nhân từ phía môi trường xã hội: Có rất nhiều nguyên nhân từ môi trường xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên. Đó là ảnh hưởng các nhóm bạn xấu, cùng các hiện tượng tiêu cực khác trong các mặt trái của đời sống xã hội, hậu quả do hoạt động của bọn tội phạm gây ra đang thực sự trở thành một nhân tố độc hại trong quá trình phát triển nhận thức xã hội của lớp người trẻ tuổi. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong 6 tháng đầu năm 2004 đã xảy ra 920 vụ vi phạm hình sự, trong đó 17 vụ giết người, chiếm gần 32%; 6 vụ hiếp dâm, chiếm gần 14,3%; cướp giật là 26 vụ, số vụ tội phạm ma tuý phát hiện được là 228 vụ, cố ý gây thương tích là 112 vụ,… Thực tế đó đã tác động đến nhận thức pháp luật của thanh, thiếu niên, học sinh - sinh viên trên địa bàn tỉnh, dễ dẫn đến hiện tượng nhiều thanh, thiếu niên có biểu hiện coi thường pháp luật.

- Thứ năm, nguyên nhân kinh tế: Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng thanh, thiếu niên phạm pháp. Một bộ phận thanh niên thất nghiệp không có việc làm sinh túng quẩn, làm liều. Sức hấp dẫn của vật chất, lợi nhuận khổng lồ do cướp giật, buôn bán ma tuý, tổ chức mại dâm mà có. Một số thanh niên bỏ đi làm ăn xa, cuộc sống không ổn định, mất phương hướng, tiêu cực dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chưa hợp lý dẫn tới thanh niên nông thôn tập trung ở thành thị ngày càng nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Ở các vùng trọng điểm, tình hình vi phạm pháp luật, mắc vào các tệ nạn xã hội nhất là tệ nạn ma tuý trong thanh, thiếu niên vấn diễn biến phức tạp rất khó kiểm soát.

- Thứ sáu, nguyên nhân do công tác Đoàn, Đội chưa thực sự chú trọng giúp đỡ, tập hợp giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến, phạm pháp,

mắc các tệ nạn xã hội hiện nay. Một thực tế cho thấy là đa số thanh, thiếu niên phạm pháp mắc các tệ nạn xã hội thường không tham gia vào một tổ chức xã hội nào, ảnh hưởng của tổ chức Đoàn, Đội đối với họ là khá mờ nhạt và không thường xuyên. Chính vì họ không được giáo dục đạo đức lối sống, không được phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên, không được thu hút vào các sân chơi lành mạnh để tiếp thu các chuẩn mực xã hội tiến bộ...nên họ dễ bị nhóm người xấu kích động, lôi kéo. Nói đến công tác thanh niên, không ít người, kể cả Đảng viên coi đó là nhiệm vụ riêng của tổ chức Đoàn, đó là hoạt động mang tính bề nổi. Nhiều cấp uỷ “khoán trắng” công tác thanh niên cho Đoàn thanh niên.

Trong khi đó các thế lực thù địch vẫn không ngừng tiến hành âm mưu “diễn biến hoà bình” chống phá sự nghiệp đổi mới, tìm mọi cách lôi kéo và

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 59)