Hình thức của phổ biến, giáo dục pháp luật

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 34)

Hình thức theo Từ điển tiếng Việt năm 1992 là “cái chứa đựng hoặc biểu hiện nội dung, là cách thể hiện, cách tiến hành một hành động”.

Trong lý luận giáo dục học, “Hình thức giáo dục” được hiểu là các hình thức tổ chức hoạt động phối hợp giữa người giáo dục và người được giáo dục.

Trong giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001, “Hình thức của pháp luật” là khái niệm “dùng để chỉ ranh giới tồn tại của pháp luật trong hệ thống các quy phạm xã hội, là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của pháp luật, đồng thời đó cũng là phương pháp tồn tại, dạng tồn tại thực tế của pháp luật”[229, 23]. Hình thức của pháp luật chỉ có giá trị khi nó có khả năng phản ánh được các nội dung và các dấu hiệu tồn tại về bản chất của pháp luật. Từ cơ sở trên, các chuyên gia pháp lý thường quan niệm: Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật là dạng hoạt động cụ thể để tổ chức quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật, để thể hiện nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trên thực tế tồn tại nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật khác nhau: Dạy và học pháp luật trong các trường; tuyên truyền, giải thích pháp luật thông qua báo chí, phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến, nói chuyện pháp luật tại các cơ quan nhà nước, tổ chức quần chúng, địa bàn dân cư, các hội nghị, hội thảo pháp luật; các câu lạc bộ pháp luật; giáo dục pháp luật trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Viện kiểm sát,…); giáo dục pháp luật qua các hoạt động của tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng, tổ chức nghề nghiệp pháp luật (tổ hoà giải, dịch vụ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý);...

Căn cứ vào mục tiêu, nội dung, chủ thể, đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật, các chuyên gia pháp lý chia các hình thức giáo dục pháp luật thành 2 loại: Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính phổ biến và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính đặc thù.

- Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính phổ biến và truyền thống. Đó là các hình thức:

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp (tuyên truyền miệng về pháp luật): Có đặc trưng chính là dùng lời lẽ trực tiếp để truyền đạt nội dung pháp luật cho người nghe;

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật trên các loại hình báo chí và qua mạng lưới truyền thanh cơ sở: Đặc trưng chính là sử dụng báo nói, báo viết, báo hình để truyền bá nội dung cần phổ biến;

+ Biên soạn và phát hành các loại tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật: Hình thức này dùng các ấn phẩm (sách, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền ,…) để truyền bá nội dung cần phổ biến;

+ Giáo dục pháp luật trong nhà trường, bao gồm 2 nhóm chính: Dạy và học pháp luật trong các nhà trường không chuyên về luật (các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, đại học, các trường do đoàn

thể, nhân dân lập ra,...); dạy và học trong các nhà trường, các khoa chuyên về luật. Hình thức này có đặc trưng chính là truyền đạt nội dung pháp luật thông qua các phương pháp sư phạm;

+ Tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật: Có đặc trưng là vận động, khuyến khích đối tượng tìm hiểu pháp luật thông qua thi thố tài năng;

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ pháp luật: Ở đây, đối tượng của phổ biến, giáo dục pháp luật đồng thời cũng chính là chủ thể của phổ biến, giáo dục pháp luật, ở đó mỗi thành viên phát huy tính “nhận thức tích cực” của mình, trao đổi, tranh luận... để mở rộng kiến thức pháp luật của mình;

+ Xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật nhằm cung cấp tài liệu, thông tin pháp luật cho đối tượng;

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình văn hoá, nghệ thuật đặc biệt là các loại hình sinh hoạt văn hoá truyền thống: Hình thức này có đặc trưng là khai thác nghệ thuật biểu đạt của một loại hình văn hoá, văn nghệ để đưa pháp luật tới nhân dân.

- Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật đặc thù:

Tính đặc thù của những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật này được quy định trước tiên bởi mối quan hệ biện chứng giữa sự tác động của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tác động của thực tiễn pháp luật lên ý thức và hành vi của công dân. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù chủ yếu do các cơ quan, công chức nhà nước chịu trách nhiệm về hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp thực hiện với vai trò chủ đạo của các luật gia đang công tác tại các cơ quan pháp luật của Nhà nước hoặc các luật sư đang hành nghề tại các tổ chức nghề nghiệp luật. Đó là hình thức:

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý: Đặc trưng chính là thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý, giải đáp, hướng dẫn thân chủ ứng xử pháp luật để thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ mà nâng cao hiểu biết pháp luật cho họ;

+ Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải cơ sở: Đặc trưng chính là thông qua việc giới thiệu văn bản phân tích, hướng dẫn để các bên tranh chấp hiểu văn bản, tự đối chiếu với hành vi của mình và hành vi của phía bên kia để thấy rõ cái đúng, cái sai của cả hai bên, giúp các bên nhận thức pháp luật sâu sắc hơn.

Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù thường mang tính cá thể hoá rõ rệt về nội dung, đối tượng và biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, vì nó thường gắn liền với việc áp dụng các điều luật cụ thể sát với nhu cầu tìm hiểu của người được giáo dục, gắn với lợi ích cụ thể của người được giáo dục do đó nó có tác động rất mạnh lên ý thức, tình cảm, hành vi của họ.

Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm mục đích nâng cao hiểu biết pháp luật cho đối tượng, hình thành lòng tin vào pháp luật của đối tượng từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đối tượng. Hiệu quả thực tế của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được sử dụng phải được tính trên: Số lượt người được phổ biến; sự tác động của những vấn đề pháp luật được phổ biến như thế nào đến đối tượng được phổ biến, giáo dục; sau khi được phổ biến, những mâu thuẫn, tranh chấp các biểu hiện tiêu cực diễn ra như thế nào, có giảm đi hay không?; sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân tới pháp luật ra sao?...

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)