Hiệu quả của pháp luật là vấn đề cơ bản của khoa học pháp lý và đã là trọng tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Theo GS.TSKH Đào Trí Úc thì hiệu quả của pháp luật là khả năng tác động vào các quan hệ xã hội theo hướng đã được xác định. “Khả năng của pháp luật có thể tác động được vào các quan hệ đó với xã hội và ý thức xã hội để điều chỉnh các quan hệ đó với những tổn thất vật chất và tinh thần ít nhất và mang lại kết quả theo hướng cần điều chỉnh và cần được xác định của pháp luật ”[ 258, 23].
Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả của pháp luật cần phải xem xét, tìm hiểu các mục đích, yêu cầu, định hướng đề ra cho pháp luật nói chung và cho từng văn bản, từng quy phạm pháp luật nói riêng, những kết quả mong muốn đạt được khi ban hành văn bản pháp luật. Cần tìm hiểu mức độ phù hợp của các mục đích, yêu cầu, định hướng đề ra cho pháp luật dưới các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội, tư tưởng, tâm lý, tình cảm và những yếu tố khác của xã hội hiện tại mà trong đó pháp luật tác động. Đồng thời cần xem xét đối tượng điều chỉnh của pháp luật (trạng thái các quan hệ xã hội) trước khi pháp luật điều chỉnh và những thay đổi thực tế của chúng sau khi pháp luật điều chỉnh, những kết quả đạt được do sự tác động, điều chỉnh của pháp luật, những lợi ích hoặc những thiệt hại mà pháp luật tạo ra…
Để đánh giá được hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật cần có những tiêu chí nhất định. Mỗi tiêu chí được xem là căn cứ để xác định hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật ở một phương diện nhất định, vì vậy để đánh giá đúng hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải có đủ các tiêu chí cần thiết. Tùy theo mục đích và quan điểm đánh giá, yêu cầu cần đạt tới mà người ta đưa ra những tiêu chí đánh giá hiệu quả khác nhau, nhưng về cơ bản đó là các tiêu chí:
- Tiêu chí thứ nhất, về trạng thái tri thức ban đầu của đối tượng khi chưa được tác động phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết quả của việc xem xét này không những sẽ là cơ sở để so sánh với trạng thái của đối tượng khi đã được phổ biến, giáo dục pháp luật (sự thay đổi về tri thức pháp luật ở đối tượng được mở rộng, nâng cao đến đâu,...), mà còn là cơ sở để xem xét các vấn đề đã sử dụng hợp lý hình thức, phương pháp tác động hay chưa, cần phải có biện pháp gì để nâng cao nhận thức ở nhân dân hơn nữa, về mức độ phù hợp của pháp luật,...
- Tiêu chí thứ hai, về trạng thái tình cảm pháp luật ở đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật trước khi tác động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm xây dựng, củng cố niềm tin vào pháp luật của Nhà nước là cơ sở cho việc hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của nhân dân. Do đó, sự thay đổi về lòng tin vào pháp luật của nhân dân ở các trạng thái: Tình cảm pháp luật công bằng, sự không khoan nhượng đối với mọi hành vi vi pháp luật và tình cảm trách nhiệm là một trong những chỉ số để đánh giá hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tiêu chí thứ ba, về trạng thái của động cơ và hành vi tích cực pháp luật ở đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật dễ dàng được đánh giá thông qua việc thực hiện các hành vi tích cực pháp luật ở đối tượng tác động. Đối tượng tác động sau khi được phổ
biến, giáo dục pháp luật sẽ hình thành thói quen kiềm chế không thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm đoán; thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong việc bảo vệ các lợi ích hợp pháp của bản thân, của người khác, của xã hội, của Nhà nước; thói quen biết vận dụng các tri thức pháp luật một cách đúng đắn trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là mục đích cuối cùng mà hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cần đạt được.Ví dụ: Công dân sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù trở về với cộng đồng, được xã hội quan tâm, là đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên, sau một thời gian đã có sự chuyển biến tốt, công dân đó đã tham gia vào các hoạt động của xã, phường nơi cư trú, làm ăn lương thiện và trở thành cán bộ tuyên truyền, vận động phòng chống tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, tiêu chí về mức độ chi phí để đạt được kết quả thực tế cũng là cơ sở để đánh giá hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiêu chí này thể hiện tính kinh tế và tính hữu ích của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Đó là những chi phí về vật chất, tinh thần, số lượng người tham gia, thời gian tiến hành, những chi phí khác có liên quan,…Khi xem xét những lợi ích mà hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại và những tổn phí kèm theo, cần có cái nhìn tổng quát sao cho cân đối nhưng thể hiện tinh thần tiết kiệm ở các giai đoạn, quy trình của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Như vậy, hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật là kết quả có thể đạt được dưới sự tác động định hướng của phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm làm thay đổi ở đối tượng tác động về tri thức, tình cảm và hành vi tích cực pháp luật phù hợp với mục đích đã đặt ra với chi phí về vật chất, tinh thần ít nhất.