Nhóm cán bộ, công chức nhà nước

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 66)

Ý thức pháp luật trong cán bộ, công chức có những đặc thù so với ý thức pháp luật của các đối tượng khác trong xã hội, thể hiện ở chỗ ý thức pháp luật của cán bộ, công chức trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng và ban hành các các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật. Nhìn một cách khách quan ý thức pháp luật của cán bộ, công chức ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đời sống xã hội và công dân. Hành vi của cán bộ, công chức có thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một hay nhiều quan hệ pháp luật, có thể đưa lại lợi ích hoặc thiệt hại về vật chất,

tinh thần cho các đối tượng khác trong hoặc ngoài cơ quan hành chính nhà nước; nó có thể làm phát sinh, chi phối tư tưởng, tình cảm pháp luật và cả hành vi pháp luật của rất nhiều đối tượng trong xã hội. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức đều phải am hiểu về pháp luật và biết áp dụng pháp luật vào hoạt động công vụ để giải quyết các vấn đề thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình. Nếu cán bộ, công chức có trình độ hiểu biết pháp luật toàn diện, sâu sắc, có thái độ tôn trọng pháp luật, có hành vi tích cực chấp hành pháp luật thì hiệu quả hoạt động sẽ cao. Ngược lại, nếu ý thức pháp luật kém, nhiều cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ có tác động rất xấu, thậm chí không thể duy trì trật tự, kỷ cương trong Nhà nước và xã hội. Vì lẽ đó, vấn đề hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhóm này có ý nghĩa rất quan trọng.

Kết quả điều tra, khảo sát do Sở Tư pháp Thanh Hoá tiến hành cho thấy rằng: Hiện nay, trình độ học vấn của cán bộ, công chức nhà nước trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, số cán bộ công chức có trình độ đại học và trên đại học không còn là con số hiếm hoi. Riêng trong ngành Tư pháp, ở cấp tỉnh văn phòng Sở Tư pháp có 80 cán bộ, công chức được bố trí ở 6 phòng chuyên môn, 5 cơ quan trực thuộc sở, trong đó có 90% cán bộ có trình độ đại học, 12% đã học xong đại học bằng 2, cao cấp lí luận, quản lý nhà nước, có 01 Tiến sĩ Luật. Biên chế thi hành án dân sự toàn tỉnh có 182 cán bộ. Trong tổng biên chế 254 người của 27 Toà án nhân dân huyện, thị xã, thành phố, có 102 cán bộ có trình độ Đại học Luật, đạt tỷ lệ 40%; còn lại là cao đẳng và trung cấp Pháp lý. Đa số cán bộ, công chức có lập trường vững vàng, có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp chế XHCN trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, xét trên bình diện chung, hầu hết cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau đều có trình độ đại học trở lên. Ơ cấp xã cán bộ

lãnh đạo đa số có trình độ sơ cấp, trung cấp, tại chức, số người có bằng đại học chỉ chiếm số lượng khá khiêm tốn, đáng quan tâm còn một số cán bộ chính quyền cơ sở là dân tộc ít người có trình độ văn hoá thấp. Số cán bộ, công chức có trình độ học vấn pháp luật có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các trình độ học vấn khác. Điều đáng quan tâm hơn nữa là: Học vấn chuyên môn pháp luật của đội ngũ quản lý hành chính nhà nước phần lớn qua đào tạo tại chức, đào tạo môn luật ở trường Đảng, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị,.... Trong những năm gần đây xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong công cuộc đổi mới, sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về việc nâng cao trình độ nhận thức cho đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, nhiều cán bộ đã được đưa đi đào tạo các lớp ngắn và dài hạn. Nhưng thực tế qua điều tra cho thấy trong 150 cán bộ (số liệu chỉ mang tính chất tương đối) số cán bộ học qua lớp quản lý nhà nước chỉ đạt 19%, còn lại chưa qua đào tạo có hệ thống, có trên 75 % cán bộ đã tìm hiểu Hiến pháp năm 1992, còn gần 30% có hiểu biết nhưng chưa đầy đủ... hơn 10% cán bộ đã tìm hiểu pháp luật hình sự, dân sự, xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về kinh tế, số còn lại tuy đã được phổ biến, trả lời có biết nhưng không nắm cụ thể...

Nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trước đây văn hoá thấp, năng lực yếu, đến nay do được lựa chọn, sắp xếp lại nên năng lực, trình độ được nâng lên. Song, do nhiều yếu tố, du nhập nhiều nguồn, nên bố trí còn lộn xộn về chuyên môn, nhất là ở huyện trình độ hiểu biết của cán bộ về Nhà nước, về pháp luật, về nguyên tắc, quy trình quản lý nhà nước còn rất yếu. Trong thực tế hiện nay một số cán bộ quản lý hành chính do không hiểu biết pháp luật nên trong thực thi công vụ đã gây bất bình trong nhân dân hoặc làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.

Qua nghiên cứu thực trạng vi phạm pháp luật và ý thức pháp luật của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ trên địa bàn tỉnh thấy rõ nổi lên 2 khuynh hướng:

- Vi phạm pháp luật do hạn chế hiểu biết pháp luật dẫn đến các sai phạm khi áp dụng pháp luật trong hoạt động công vụ. Tình trạng này xuất hiện nhiều trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước của cán bộ, công chức cấp cơ sở.

Qua tổng hợp và theo dõi của một số cơ quan chức năng trong tỉnh cho thấy, các vi phạm trong hoạt động và ban hành các văn bản pháp quy về quản lý đang là vấn đề rất quan tâm. Nhiều văn bản của các ngành, các cấp trong tỉnh quy định các loại phí, quy định cụ thể việc xử phạt hành chính, quy định nghĩa vụ đóng góp của công dân vi phạm quy định của pháp luật. Cũng do hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ, toàn diện của một số cán bộ, công chức tham mưu giúp việc đã dẫn đến những sai phạm trong việc ban hành các quyết định quản lý hành chính của chính quyền các cấp. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến uy tín điều hành của bộ máy chính quyền tỉnh nói riêng và của bộ máy Nhà nước nói chung.

- Vi phạm pháp luật do không có ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức.

Đội ngũ công chức quản lý hành chính nhà nước ở các cấp và cán bộ, công chức nhà nước trong tỉnh nhìn chung có trình độ học vấn, có ý thức trách nhiệm trong công tác. Tuy nhiên, sự hiểu biết pháp luật, năng lực quản lý xã hội bằng pháp luật của một số người chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Nhiều cán bộ có chức, có quyền không phải “không hiểu biết pháp luật” mà cố ý vi phạm, tìm kẽ hở của pháp luật để vận dụng mưu lợi cho cá nhân, gia đình mình; bản thân thoái hoá, biến chất, tham ô, sách nhiễu, lợi dụng quyền thế,... hiện vẫn đang phổ biến trong bộ máy hành

chính tỉnh gây bất bình trong quần chúng nhân dân, là gương xấu tác động trực tiếp đến ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân trong tỉnh.

Trong sự tác động của các yếu tố địa - kinh tế, yếu tố địa - văn hóa, yếu tố tổ chức - pháp luật, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng ý thức pháp luật và năng lực của cán bộ, công chức trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu là do:

- Thứ nhất, chính sách, hệ thống pháp luật của Nhà nước nói chung, hệ thống các văn bản pháp quy của địa phương chưa đồng bộ, thống nhất, nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội chưa có văn bản luật điều chỉnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, thiếu hụt kiến thức pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh.

- Thứ hai, trách nhiệm giáo dục quản lý nội bộ của tổ chức, cấp trên và sự tự giác rèn luyện của nhiều cán bộ, công chức còn yếu kém. Việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức lỏng lẻo, quy chế kỷ luật không chặt chẽ hoặc có nhưng không được thực hiện nghiêm túc, triệt để; cấp trên thiếu kiểm tra, nhắc nhở, uốn nắn những sai sót của cấp dưới, thậm chí còn nương nhẹ, bao che những sai lầm, vi phạm của cấp dưới là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức. Mặt khác, bản thân nhiều cán bộ công chức thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và ý thức tuân thủ pháp luật, kỷ luật.

- Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá về cơ bản được đào tạo với các chuyên ngành khác nhau, họ không phải là các chuyên gia pháp luật, vì vậy sự hiểu biết về pháp luật của họ cũng có hạn chế nhất định. Mặc dù trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật trong tỉnh, việc bồi dưỡng, nâng cao hơn nữa trình độ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ công chức

trong các cơ quan nhà nước các cấp chính quyền được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tuy nhiên trong thực tế các hình thức, biện pháp chuyển tải kiến thức pháp luật thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tới đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Các chương trình giáo dục ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức trong tỉnh nghiêng về việc giới thiệu nội dung lí luận pháp luật mà chưa đề cập đây đủ đến các kỹ năng, năng lực áp dụng pháp luật để giải quyết các công việc có yếu tố pháp lý.

- Thứ tư, sự tác động của những hạn chế trong nền kinh tế thị trường, những tư tưởng, tâm lý xã hội tiêu cực, lạc hậu.

Nền kinh tế thị trường dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo trong tầng lớp xã hội. Sự đề cao các lợi ích kinh tế đã gây khó khăn cho sự thống nhất tư tưởng, tâm lý pháp luật xã hội và tư tưởng, tâm lý pháp luật của cán bộ, công chức. Bên cạnh việc cán bộ, công chức có các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tư duy lý luận pháp luật khi tiếp xúc với các phương tiện thông tin cập nhật đa dạng, đồng thời các luồng văn hoá, tư tưởng, quan điểm pháp luật từ nhiều nguồn khác nhau sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự thống nhất tư tưởng và hành động pháp luật tích cực của cán bộ, công chức khi họ không có sự chọn lọc kỹ lưỡng. Ngoài ra, tư tưởng cục bộ, gia trưởng, tư tưởng đặc quyền, đặc lợi, tư tưởng hành chính bao cấp,... vẫn cố hữu cũng là nguyên nhân của thực trạng thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức trong tỉnh.

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)