Luật HN & GĐ năm 1986 không quy định rõ về hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, theo đó có thể hiểu là những tài sản chung của vợ chồng nhưng đã được chia thì tài sản chia cho ai thuộc quyền sở hữu riêng của người đó, nhưng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó vẫn thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Khác với Luật HN & GĐ năm 1986, Luật HN & GĐ năm 2000 quy định rõ về hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia
vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng“.[14, tr.22]
Sau khi chia tài sản chung, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung của vợ, chồng; Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh
86
doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác [18, tr.3].
Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là trường hợp chia tài sản đặc biệt. Nếu chia một phần tài sản trong khối tài sản chung thì chỉ có một phần tài sản đã được chia và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia mới là tài sản riêng của mỗi người. Phần tài sản chung và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung còn lại không chia vẫn thuộc tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Nếu chia toàn bộ tài sản chung thì phần của mỗi người sau khi chia (bao gồm cả những thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi bên vợ, chồng...) và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người.
Về điểm này, pháp luật của Nga có nét tương đồng với pháp luật Việt Nam. Khoản 5 Điều 38 BLGĐ 1996 của Nga quy định: Phần tài sản của vợ chồng không được đem chia vẫn là tài sản chung của họ; các tài sản mà vợ,
chồng làm ra tiếp theo cũng được xác định là tài sản chung (Khoản 5 Điều
38) [3 ].
BLDS Pháp cũng quy định: Khi toà án quyết định tách riêng tài sản của vợ, chồng, thì phần tài sản mà mỗi bên nhận sẽ trở thành tài sản riêng của họ, mỗi người giữ quyền quản lý, hưởng dụng và tự do định đoạt tài sản riêng của mình. (Điều 1467) [1].
Đối chiếu với BLDS - TM Thái Lan thì thấy, pháp luật Thái Lan quy định hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân khác so với pháp luật Việt Nam: Sau khi đã chia tài sản chung, thì phần tài sản được chia sẽ trở thành tài sản riêng của mỗi người, tất cả các tài sản mà vợ hoặc chồng có được sau khi chia sẽ là tài sản riêng của người đó, các tài sản mà vợ chồng có được sau đó thông qua di chúc, di tặng cũng sẽ chia đều
87
cho cả hai vợ chồng. Các hoa lợi thu được sau khi chia tài sản chung sẽ là tài sản riêng (Điều 1492) [2].
Theo pháp luật Việt Nam, sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, về mặt nhân thân giữa vợ và chồng vẫn tồn tại đầy đủ các quyền và nghĩa vụ nhân thân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nó sẽ làm phát sinh hậu quả về tài sản như sau:
* Quyền sở hữu riêng của vợ, chồng đối với phần tài sản được chia
Theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 Luật HN & GĐ năm 2000 và Khoản 1 Điều 8 Nghị định 70/2001/ NĐ-CP thì vợ, chồng có quyền sở hữu riêng đối với phần tài sản đã được chia và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản đã được chia, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác.
Ví dụ: Hai vợ chồng ông A và bà B có số tiền gửi tiết kiệm là
500.000.000 (Năm trăm triệu) đồng. Vì lý do kinh doanh riêng, ông A và bà B đã thoả thuận chia cho mỗi người 200.000.000 (Hai trăm triệu) đồng, còn lại 100.000.000 (Một trăm triệu) đồng được dùng vào sinh hoạt chung của gia đình. Sau khi chia, ông A đã dùng toàn bộ số tiền 200.000.000 (Hai trăm
triệu) đồng của mình để đầu tư kinh doanh bất động sản. Sau hơn một năm
đầu tư kinh doanh, ông A đã thu được lợi tức là 30.000.000 (Ba mươi triệu)
đồng. Như vậy, lợi tức 30.000.000 (Ba mươi triệu) đồng ông A đã thu được từ số tiền đã bỏ ra kinh doanh hoàn toàn thuộc về ông A. Ông A có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt số tiền đó theo Điều 33 Luật HN & GĐ năm 2000 mà không bị hạn chế bởi Khoản 5 Điều 33 của Luật này.
Tuy nhiên, cần phân biệt hai loại tài sản riêng của vợ, chồng như sau: - Loại thứ nhất, gồm toàn bộ tài sản mà vợ chồng có từ trước khi kết hôn, được thừa kế, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Đối với loại tài sản
88
riêng này thì hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng;
- Loại thứ hai, là tài sản vợ, chồng được chia từ khối tài sản chung. Đối với tài sản này thì hoa lợi, lợi tức phát sinh thuộc tài sản riêng của mỗi người.
* Quyền sở hữu chung của vợ chồng đối với phần tài sản chung
Sau khi chia tài sản chung thì “ ... phần tài sản còn lại không chia vẫn
thuộc sở hữu chung của vợ chồng”. Điều 8 Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy
định rõ thêm: “Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung còn lại vẫn
thuộc sở hữu chung của vợ chồng“. Đối với phần tài sản chung này, quyền và
nghĩa vụ của vợ, chồng không thay đổi, chế độ sở hữu chung của vợ chồng chưa chấm dứt, nó vẫn đương nhiên tồn tại là sở hữu chung hợp nhất. Sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng sau khi chia một phần tài sản chung sẽ bao gồm: Phần tài sản chung của vợ chồng chưa chia; Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ những tài sản này; Tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung sau khi chia tài sản chung. Vì quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại nên tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng; Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi chia tài sản chung. Ví dụ: Đất được Nhà nước giao, giao khoán, đất mà vợ chồng thuê nhà nước, được chuyển nhượng, được thừa kế chung, cho chung... Trong những trường hợp này, quyền sử dụng đất vẫn là tài sản chung của vợ chồng, vì theo Luật HN & GĐ năm 2000 quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà mỗi bên vợ hoặc chồng có được sau khi chia tài sản chung do được Nhà nước giao, giao khoán, hoặc được thuê của Nhà nước... Theo quy định tại Điều 27 Luật HN & GĐ hiện hành và các Điều 24, Điều 25 Nghị định 70/2001/NĐ-CP thì đây là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì quyền sử dụng đất mà mỗi bên
89
vợ hoặc chồng có được chỉ là tài sản chung của vợ chồng nếu nó không liên quan đến lý do chia tài sản chung của vợ chồng.
Ví dụ, sau khi chia tài sản chung, vợ hoặc chồng thuê đất hoặc được
giao đất để đầu tư kinh doanh riêng hoặc nuôi trồng thuỷ sản thì quyền sử dụng đất đó là tài sản riêng của mỗi người. Ngược lại, nếu vợ, chồng yêu cầu chia tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi bên như nghĩa vụ đền bù thiệt hại, nghĩa vụ trả nợ... mà sau đó vợ hoặc chồng được giao đất, thuê đất thì quyền sử dụng đất đó là tài sản chung của vợ chồng.
Như vậy, việc quy định rõ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định khối tài sản chung của vợ chồng sau khi chia. Tuy nhiên, quyền sở hữu chung của vợ chồng đối với phần tài sản chung sẽ không đặt ra trong trường hợp vợ chồng thoả thuận hoặc yêu cầu Toà án chia toàn bộ tài sản chung của vợ chồng.