Bên cạnh các quyền, nghĩa vụ nhân thân, vợ chồng còn có các quyền, nghĩa vụ đối với tài sản chung. Đó là:
* Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu,
sử dụng và định đoạt tài sản chung [14, tr.21]
Là chủ sở hữu đối với tài sản chung, vợ, chồng có quyền quản lý tài sản chung và sử dụng tài sản chung vì các mục đích chung của gia đình. Trong gia đình, vợ chồng có thể thoả thuận với nhau về ai (vợ hay chồng) sẽ quản lý khối tài sản chung, và quản lý, sử dụng tài sản chung như thế nào cho hợp lý
38
và có hiệu quả nhất. Vợ chồng có quyền sử dụng tài sản chung như nhau để đảm bảo đời sống chung của gia đình. Khi định đoạt tài sản chung vợ chồng cũng phải xuất phát từ lợi ích chung của gia đình. Các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng như: sử dụng một khoản tiền lớn để đầu tư vào kinh doanh, để mua các tài sản khác có giá trị, hoặc việc bán, cho tài sản có giá trị đều phải có sự bàn bạc, thống nhất của cả hai vợ chồng. Quy định này là cơ sở để vợ, chồng biết họ có quyền và nghĩa vụ gì đối với tài sản chung, và có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm quyền tối đa cho chủ sở hữu tài sản, tạo ra sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, đồng thời hạn chế sự lạm quyền của một bên vợ hoặc chồng.
* Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong Giấy chứng nhận
quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng [14, tr.21]
Những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thường là những tài sản có giá trị lớn như: nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản có giá trị khác... Đây là những loại tài sản đặc biệt, có giá trị lớn và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của gia đình. Vì vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của vợ chồng, là cơ sở pháp lý cần thiết để xác định rõ tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng, góp phần giúp Toà án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi xét xử các tranh chấp về tài sản của vợ chồng thì đối với những tài sản này thì trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng. Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản chính là cơ sở pháp lý để xác định tài sản chung của vợ chồng khi có tranh chấp.
* Đối với những giao dịch mà pháp luật quy định phải được thể hiện bằng văn bản thì phải có chữ ký của cả hai vợ chồng hoặc giấy uỷ quyền của bên kia.
39
Vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung hợp nhất. Tuy nhiên, trên thực tế có thể vì một lý do nào đó mà khi xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự không thể do hai vợ chồng cùng ký tên vào hợp đồng được. Để đảm bảo quyền tự do giao kết hợp đồng dân sự của mỗi chủ thể và quyền bình đẳng của vợ chồng trong trường hợp này, “ Vợ chồng có thể uỷ quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải
có sự đồng ý của cả vợ chồng; việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản“
[14,tr.19]. Giấy uỷ quyền là cơ sở pháp lý quan trọng xác định ý chí của bên uỷ quyền là đã đồng ý để vợ, chồng của mình tham gia giao dịch dân sự.
* Vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh
hoạt thiết yếu của gia đình [14.tr.20]
Để tồn tại và phát triển, các thành viên trong gia đình có nhu cầu về ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh, nuôi con học hành... Các nhu cầu này được coi là thiết yếu, hợp pháp và chỉ cần một bên vợ hoặc chồng thực hiện hoặc đương nhiên được coi là có sự đồng ý của bên kia. Nếu vợ hoặc chồng thực hiện giao dịch dân sự có liên quan đến tài sản chung nhằm để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì bên kia phải chịu trách nhiệm liên đới.[14,tr.20]. Quy định này có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định quyền tự chủ, linh hoạt của vợ, chồng trong các giao dịch dân sự đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của gia đình . Mặt khác, nó còn nhằm bảo vệ lợi ích của gia đình, xác định trách nhiệm của bên kia đối với các hành vi dân sự hợp pháp do vợ hoặc chồng thực hiện vì lợi ích chính đáng của gia đình. Tuy nhiên, trách nhiệm liên đới của vợ, chồng trong trường hợp này chỉ phát sinh khi nó hội tụ đủ hai điều kiện sau: giao dịch dân sự mà một bên vợ hoặc chồng thực hiện là giao dịch dân sự hợp pháp (phù hợp với các quy định của
40
pháp luật và không trái với đạo đức xã hội); và khi thực hiện giao dịch dân sự đó, người vợ hoặc người chồng đều phải hướng tới mục đích chung của gia đình. Thiếu một trong hai điều kiện trên giao dịch dân sự của một bên đó cũng không làm phát sinh trách nhiệm liên đới của vợ, chồng.
Về điểm này, BLDS Pháp có điểm tương đồng với pháp luật Việt Nam: xuất phát từ nhu cầu duy trì đời sống gia đình hoặc giáo dục con cái thì mỗi bên vợ, chồng đều có quyền tự mình ký kết hợp đồng, bên kia phải có trách nhiệm liên đới đối với nghĩa vụ do việc ký kết này, tuy nhiên bên này không chịu trách nhiệm liên đới đối với những món chi tiêu rõ ràng là quá đáng so với đời sống gia đình, là vô ích hoặc do người ký kết không có thiện ý (Điều 220) [1].
* Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn, hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để kinh doanh phải có sự bàn bạc, thoả thuận của hai vợ chồng, trừ những tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh theo
quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật HN & GĐ năm 2000 [14,tr.21]
Tài sản là nguồn sống duy nhất của gia đình được hiểu là cả gia đình sống và phát triển được là nhờ vào việc khai thác vào sử dụng tài sản đó, nếu bán tài sản đó đi sẽ làm mất đi nguồn sống của gia đình.
Gia đình được duy trì, phát triển bởi các yếu tố vật chất và tinh thần. Việc sử dụng tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư, kinh doanh không chỉ có ảnh hưởng đến khối tài sản chung của vợ chồng mà còn có thể làm đảo lộn đời sống chung của gia đình. Vì vậy, để đảm bảo quyền bình đẳng giữa vợ chồng cũng như nhằm tránh sự tuỳ tiện của vợ, chồng khi xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư, kinh doanh, pháp
41
luật quy định bắt buộc phải có sự bàn bạc, thoả thuận của hai vợ chồng. Vậy tiêu chí nào để xác định là tài sản chung có giá trị lớn? Nếu vợ, chồng xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản có giá trị lớn mà không có sự bàn bạc, thoả thuận với phía bên kia nhưng giao dịch đó là hoàn toàn hợp pháp và vì mục đích chung của gia đình thì có được pháp luật chấp nhận hay không? Hậu quả pháp lý của việc vợ chồng tự tiện xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến các tài sản nói trên mà không có sự bàn bạc, thoả thuận với bên kia sẽ như thế nào? Đây là vấn đề pháp luật còn bỏ ngỏ chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể.
Về điểm này, BLDS của Pháp có điểm tương đồng với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và Pháp là ở chỗ: BLSD Pháp quy định rõ những loại tài sản khi giao dịch phải có sự đồng ý của hai vợ chồng, không đề cập đến các giao dịch liên quan đến tài sản là nguồn sống duy nhất của gia đình: Một mình vợ hoặc chồng không thể đem tài sản chung của mình tặng cho người khác mà không có ý kiến người kia; vợ hoặc chồng nếu không có sự đồng ý của người kia, không thể chuyển nhượng, xác lập vật quyền đối với các bất động sản, cơ sở thương mại và mọi cơ sở khai thác thuộc cộng đồng tài sản, các cổ phần không thể chuyển nhượng, và các điền sản hữu hình mà việc chuyển nhượng phải được công bố
(Điều 1424, Điều 1442) [1 ]. Còn pháp luật Việt Nam chỉ dừng lại ở việc quy định chung chung - tài sản có giá trị lớn, tài sản là nguồn sống duy nhất của gia đình, dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh.
Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định quyền, nghĩa vụ bình đẳng của vợ, chồng đối với tài sản chung không chỉ nhằm bảo vệ khối tài sản chung, mà còn tránh những trường hợp một trong hai vợ chồng có hành vi phá tán tài sản chung, huỷ hoại tài sản chung hoặc tự mình thực hiện những giao dịch
42
dân sự làm tổn thất khối tài sản chung, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của gia đình và của người kia.