Điều 29.1 của Hiệp định TRIPS đặt ra yêu cầu đối với các Thành viên rằng, người nộp đơn phải cung cấp thông tin kỹ thuật về sáng chế để những người khác có thể ứng dụng những gì mà người nộp đơn tuyên bố trong đơn xin cấp bằng sáng chế của mình.
“1. Thành viên có trách nhiệm yêu cầu người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế trình bày sáng chế một cách rõ ràng và đầy đủ đến mức căn cứ vào đó một chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện sáng chế và có thể yêu cầu người nộp đơn chỉ ra cách thức tối ưu trong số cách thức thực hiện sáng chế mà tác giả sáng chế biết tính đến ngày nộp đơn hoặc cho đến ngày ưu tiên của đơn nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên ...”[31].
Mặc dù việc cấp quyền độc quyền sáng chế, trong đó có sáng chế dược phẩm, được coi là sự khuyến khích đầu tư vào các hoạt động sáng tạo, yêu cầu công bố thông tin là cần thiết để cân bằng lợi ích của các bên và giảm thiểu sự thiếu hiệu quả của sức mạnh thị trường do việc lạm dụng độc quyền. Yêu cầu về tính công khai có thể đáp ứng được mục tiêu xã hội về chia sẻ lợi ích vì nó cho phép công bố
48
những kỹ thuật hữu ích và quan trọng ngay trong thời hạn bảo hộ, và đảm bảo rằng sáng chế thực sự phục vụ cho cộng đồng sau khi hết thời hạn bằng sáng chế.
Công bố thông tin là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật sáng chế. Quy định nói trên của Hiệp định TRIPS bao hàm nghĩa vụ về cung cấp thông tin sáng chế, nhưng trao quyền cho các nước Thành viên tự do xác định việc áp dụng các nghĩa vụ này. Điều 29.1 của Hiệp định đặt ra hai yêu cầu bắt buộc. Thứ nhất, điều khoản này yêu cầu nước Thành viên công bố thông tin về sáng chế một cách đầy đủ và rõ ràng để sáng chế có thể được thực hiện bởi người có kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Yêu cầu này nhằm đảm bảo các sáng chế thực hiện được chức năng thông tin của mình thông qua việc đòi hỏi bản ghi chi tiết kỹ thuật của sáng chế có thể cho phép những chuyên gia có kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể sản xuất và sử dụng đầy đủ sáng chế mà không cần phải thử nghiệm. Thứ hai, Điều 29.1 đòi hỏi về “cách thức tối ưu” tương tự như quy định của pháp luật Hoa Kỳ về sáng chế. Yêu cầu này nhằm ngăn chặn việc nhà sáng chế nhận được bảo hộ trong khi che giấu công chúng thông tin cụ thể về sáng chế của mình. Không giống như yêu cầu thứ nhất vốn đòi hỏi một sự xem xét khách quan, yêu cầu về “cách thức tối ưu” mang tính chủ quan do việc đánh giá thế nào được coi là cách thức tối ưu để thực hiện sáng chế phụ thuộc vào những gì mà nhà sáng chế biết và cho là cách tốt nhất để thực hiện sáng chế của mình tại thời điểm nộp đơn xin cấp bằng bảo hộ hoặc vào ngày ưu tiên. Trên thực tế, thông tin nói trên hiếm khi bao gồm bí quyết cụ thể (know-how) để thực hiện sáng chế vì tại thời điểm nộp đơn, kinh nghiệm sản xuất là chưa có.
Ngoài ra, Điều 29.2 cho phép các nước Thành viên yêu cầu thông tin liên quan đến đơn và bằng bảo hộ tương ứng của người nộp đơn ở nước ngoài. Những thông tin này có thể rất quan trọng đặc biệt với các văn phòng sáng chế ở các nước đang phát triển nhằm cải thiện và đẩy nhanh quy trình kiểm tra. Tuy nhiên yêu cầu này không ảnh hưởng đến nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của đơn xin cấp bằng sáng chế, Hiệp định không đề cập đến hệ quả của việc không thực hiện yêu cầu này. Song, vì yêu cầu này có thể được áp dụng như một điều kiện cấp bằng, nên một đơn xin cấp bằng có thể bị từ chối nếu người nộp đơn không cung cấp những thông tin được yêu cầu nói trên.
49
Hiệp định dành không gian đáng kể cho các nước Thành viên áp dụng các tiêu chuẩn của Điều 29, theo đó các nước có thể áp dụng theo hướng thắt chặt các tiêu chuẩn này để thúc đẩy sự sáng tạo và cạnh tranh. Ngoài ra, các nước Thành viên được quyết định mức độ nghĩa vụ cung cấp thông tin của người nộp đơn đến đâu, nếu sáng chế bao gồm nhiều phần được xin cấp bằng. Hơn nữa, nước Thành viên cũng có thể yêu cầu bản mô tả sáng chế dưới dạng văn bản, và xác định cách thức đánh giá mối tương quan giữa bản mô tả với yêu cầu cấp bằng cũng như phương pháp để xem xét nội dung yêu cầu cấp bằng.