7. Kết cấu đề tài
1.5.2. Kinh nghiệm của Ấn Độ
Ấn Độ là một trong những nước có quan hệ thương mại mật thiết với khu vực Châu Phi nói chung và Đông Phi nói riêng trên nền tảng quan hệ giao thương, hợp tác từ lâu đời. Trong thời gian qua trao đổi thương mại giữa Ấn Độ với các quốc gia khu vực Đông Phi không ngừng phát triển. Năm 2011, giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang các nước khu vực đạt khoảng 6 tỷ USD trong đó các nước thuộc khối EAC đã đạt gần 4,3 tỷ USD, với các nước khu vực sừng Châu Phi năm 2011, mức kim ngạch đã đạt 300 triệu USD.
Để đạt đươc kết quả trên, Ấn Độ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước khu vực, trong đó chú trọng và tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường khu vực, cụ thể là:
- Thông qua các ngân hàng của mình, Chính phủ Ấn Độ cấp tín dụng cho các nước khu vực gắn liền với điều kiện mua hàng hóa của Ấn Độ
Diễn đàn thượng đỉnh Ấn Độ-châu Phi lần thứ nhất được tổ chức năm 2008 tại New Delhi, Ấn Độ, nhằm thúc đẩy các quan hệ, đặc biệt về thương mại, giữa Ấn Độ và châu Phi trong đó có các nước khu vực Đông Phi, Ấn Độ đã cam kết cung cấp khoản tín dụng lên tới 5,4 tỷ USD trong 5 năm cho châu Phi, bãi bỏ hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng nhập khẩu từ châu lục này (chủ yếu là nguyên, nhiên liệu).
Gần đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn-Phi lần thứ 2 được tổ chức trong tháng 5/2011 tại Ethiopia, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục cam kết khoản tín dụng trị giá 5 tỷ USD cho các nước Châu Phi trong vòng 03 năm tới. Ấn Độ sẽ tiếp tục ủng hộ châu Phi trong những nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, hội nhập khu vực cũng như phát triển nguồn nhân lực. Số tiền mà Ấn Độ cho châu Phi vay sẽ bao gồm 700 triệu USD dành cho việc thành lập các thể chế mới và triển khai các chương trình đào tạo. Ngoài ra, các dự án mới đang được lên kế hoạch cũng bao gồm việc xây dựng một tổ hợp chế biến lương thực và một tổ hợp dệt, giúp các nước châu Phi có thể xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến, thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô.
Các khoản tín dụng trên Chính phủ Ấn Độ cấp qua ngân hàng xuất nhập khẩu Ấn Độ để cấp tín dụng cho các nước khu vực nhập khẩu hàng từ Ấn Độ. Mục đích cấp tín dụng của Chính phủ Ấn Độ nhằm giúp các doanh nghiệp chế tạo nước này thâm nhập, đẩy mạnh xuất khẩu hàng sang thị trường khu vực. Tuy nhiên các đối tượng được vay khoản tín dụng này phải đáp ứng điều kiện là 85% trị giá hợp đồng phải được dành mua các hàng hóa của Ấn Độ.
- Chính phủ Ấn Độ chú trọng đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư, từng bước chuyển giao công nghệ, thiết lập quan hệ đối tác tin cậy, có trách nhiệm
Đi sau Trung Quốc tại thị trường châu Phi, Ấn Độ chọn cách tiếp cận khôn khéo và toàn diện hơn. Thay vì quá chú trọng tập trung vào các dự án khai khoáng, dầu lửa và xây dựng cơ sở hạ tầng như Trung Quốc, Ấn Độ tăng cường chuyển giao công nghệ để có quan hệ giao thương bền vững hơn. Nhất là trong các ngành mà Ấn Độ có thế mạnh: công nghệ thông tin, viễn thông, tân dược, thuốc điều trị HIV/AIDS... Các công ty Ấn Độ chủ trương tổ chức sản xuất tại chỗ, tạo ra công ăn việc làm cho người bản xứ, chứ không ồ ạt đưa nhân công nước mình qua tranh việc của người châu Phi như Trung Quốc đã làm. Các tập đoàn dược phẩm đã chiếm lĩnh một phần không nhỏ thị trường thuốc men ở châu Phi, nhưng họ cũng đã giúp cải thiện rõ rệt tình trạng y tế tại Ethiopia, Uganda, ...
Không chỉ thế, New Delhi còn quan tâm mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại châu Phi. Tập đoàn Karuturi, đứng đầu thế giới về xuất khẩu hoa hồng đã thực hiện 90% hoạt động của họ ở Ethiopia. Karuturi còn đang tính đến chuyện khai thác 1 triệu ha đất để trồng lúa, cọ dầu và mía.