Quan hệ chính trị, ngoại giao

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường các nước khu vực Đông Phi (Trang 63)

7. Kết cấu đề tài

1.7.1Quan hệ chính trị, ngoại giao

Trừ Comoros chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, Kenya mới thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 và Malawi thiết lập ngoại giao năm 2011 với Việt Nam, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước Đông Phi ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, mối quan hệ này càng ngày càng gắn bó và không ngừng củng cố qua sự ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, giành độc lập và xây dựng đất nước. Những điểm tương đồng về lịch sử chống thực dân, đế quốc xâm lược đô hộ, nguyện vọng đấu tranh vì hòa bình, vì quyền lợi chính đáng của những nước tham gia Phong trào không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ…. Hiện nay, Việt Nam có Đại sứ quán tại Tanzania kiêm nhiệm Kenya, Ethiopia, Uganda, Rwanda, Mauritius và Somalia, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Burundi và Zambia, Đại sứ quán Việt Nam tại Lybia kiêm nhiệm Djibuti, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Zimbabwe, Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique, kiêm nhiệm Madagascar, Seychelles, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai-cập, kiêm nhiệm Eritrea. Đây là những cầu nối tích cực giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác ngoại giao cũng như thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Cộng đồng Đông Phi.

Củng cố tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp với các nước châu Phi trong đó có các nước Đông Phi là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước khu vực. Chính vì vậy, trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, củng cố và thúc đẩy quan hệ truyền thống tốt đẹp với các nước Châu Phi nói chung trong đó có các quốc gia khu vực Đông Phi luôn được coi trọng.

Quyết tâm tăng cường hợp tác nhiều mặt với các quốc gia khu vực Đông Phi còn thể hiện qua những chuyến viếng thăm nhiều nước khu vực của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam như: Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có chuyến thăm Mozambique năm 2002, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã sang thăm chính thức Mozambique trong khuôn khổ chuyến thăm Mozambique và Angola năm 2008, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thăm Madagascar năm 2003. Bên cạnh đó, còn có nhiều chuyến thăm cấp Bộ, ngành của nước ta như: Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm thăm chính thức Zambia năm 1995, Thứ trưởng Bộ Thương mại Đỗ Như Đính thăm Madagascar năm 2001, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh thăm Mozambique năm 2002, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang dẫn đoàn công tác xúc tiến thương mại tại Tanzania năm 2010, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh tới thăm và làm việc tại Ethiopia năm 2012… Những chuyến thăm này đã giúp tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực, giúp bạn bè hiểu rõ hơn về Việt Nam.

Việt Nam cũng đã đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước Đông Phi sang thăm: Thủ tướng Burundi P. Nedimirat đến dự hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội năm 1997, Tổng thống Zimbabwe R.Mugabe thăm chính thức Việt Nam

năm 2001, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ethiopia (năm 2004), Tổng thống nước Cộng hoà Rwanda Paul Kagame cũng đã tới thăm chính thức Việt Nam năm 2008. Các nước khu vực, đặc biệt là Ethiopia đều có mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam. Tại buổi làm việc song phương giữa hai Thủ tướng Việt Nam-Ethiopia bên lề Hội nghị cấp cao G-20(Việt Nam tham dự với tư cách là chủ tịch ASEAN) tại Toronto, Canada năm 2010, Thủ tướng Meles Zenawi khẳng định “Ethiopia mong muốn có điều kiện phát triển quan hệ và hợp tác với Việt Nam cũng như tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước châu Phi”.

Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Đông Phi, Việt Nam đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật với một số nước khu vực Đông Phi như: Tanzania ký: Hiệp định Thương mại(2001), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ (2004), Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (2010); Rwanda đã ký: Hiệp định khung Hợp tác về Kinh tế, Thương mại, Văn hoá, Khoa học và Công nghệ(2002), Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực y tế, Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học và Hiệp định về trao đổi và hợp tác nông nghiệp(2000); Mozambique đã ký: Hiệp định hợp tác kinh tế - Văn hoá - Khoa học kỹ thuật(1978), Hai Bên đã ký Biên bản hợp tác Thương mại (2002), Hiệp định Thương mại (2003); Zimbabwe đã ký: Hiệp định Thương mại, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá và khoa học-kỹ thuật (2001), thành lập Nhóm công tác của hai Bộ Ngoại giao; Madagascar đã ký Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Văn hoá, Khoa học và Công nghệ (2003); Seychelles đã ký một thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp (1986). Hiệp định về việc tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu đối với các lọai thuế đánh vào thu nhập(2005)…

Năm 2003, Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam - Châu Phi lần thứ nhất với chủ đề “Việt Nam- Châu Phi: Cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21” và trong tháng 8/2010, Hội thảo quốc tế lần thứ hai Việt Nam - Châu Phi với chủ đề “Hợp tác cùng phát triển bền vững” đã được tổ chức. Các buổi hội thảo này đã đưa ra những định hướng trong quan hệ với các nước châu Phi, trong đó có các nước Đông Phi, theo đó ưu tiên thúc đẩy và mở rộng quan hệ kinh tế, hợp tác song phương, đa phương trước hết về các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, lao động, chuyên gia, thông tin..., tăng cường hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mỗi nước, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Nhìn chung, các nước khu vực Đông Phi nói riêng và châu Phi nói chung tuy chưa có nhiều hoạt động hợp tác, nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước này vẫn ở mức tốt đẹp. Các nước đều khâm phục và ca ngợi cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam, coi thắng lợi của Việt nam là thắng lợi của Châu Phi và của các dân tộc tiến bộ đấu tranh tự giải phóng. Cho đến ngày nay, Việt Nam tiếp tục là tấm gương của các nước này về quá trình xây dựng và phát triển kinh tế sau chiến tranh.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường các nước khu vực Đông Phi (Trang 63)