Đặc thù của kinh doanh dịch vụ ngân hàng

Một phần của tài liệu hoàn thiện chiến lược kinh doanh cho chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển nghệ an đến năm 2020 (Trang 34)

Ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, hoạt động kinh doanh của ngân hàng có những đặc thù riêng khác biệt so với các ngành kinh doanh khác, các yếu tố riêng có của hoạt động này ảnh hưởng lớn đến quá trình quản trị chiến lược, do vậy khi hoàn thiện và thực thi chiến lược kinh doanh của ngân hàng, các nhà quản trị sẽ phải xem xét các yếu tố cơ bản sau: (Lê Văn Hinh, 2003, trang 6)

Tiềm năng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng: là nhân tố quan trọng đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng, tiềm năng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng được hình thành bởi các yếu tố dưới đây:

- Sự biến đổi về cơ cấu dân số, sự gia tăng dân số, sự tăng lên của khu công nghiệp, khu đô thị mới dẫn đến số doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu dịch vụ ngân hàng sẽ tăng lên.

- GDP và GDP/đầu người, thu nhập bình quân của người dân qua các năm. Nếu như GDP tăng trưởng mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người dân được nâng lên khi đó nhu cầu sử dụng dịch của ngân hàng sẽ tăng lên

- Sự phát triển của nền kinh tế cũng là nhân tố tác động đến nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong thời điểm chu kỳ kinh tế phát triển, tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng.

- Chỉ số cơ cấu tổng phương tiện thanh toán, chỉ số này phản ánh mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân.

Quy mô nhu cầu của khách hàng lớn, ngân hàng có thể tận dụng được lợi thế theo quy mô, cải thiện hoạt động kinh doanh và dịch vụ của mình.

Sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của ngành ngân hàng, các hoạt động quản lý của NHNN ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Do vậy, chiến lược kinh doanh của ngân hàng phụ thuộc rất nhiều và các chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng một chính sách nào đó, các ngân

hàng sẽ phải điều chỉnh các hoạt động của mình để thực thi chính sách đó. Có thể nói, các ngân hàng chính là các công cụ để thực thi các chính sách tiền tệ trong nền kinh tế. Khi ngân hàng hoàn thiện chiến lược phải chịu sự chi phối của luật và các quy định đã ban hành của NHNN.

Trình độ phát triển của các ngành liên quan và phụ trợ: Sự phát triển của các ngành liên quan và phụ trợ như chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ thông tin... có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trong nền kinh tế phát triển, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành bảo hiểm, chứng khoán là nhân tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng phát triển. Khi thị trường chứng khoán phát triển, ngân hàng sẽ trở thành nhà cung cấp các dịch vụ lý tưởng cho thị trường chứng khoán thông qua các dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, dịch vụ tư vấn chứng khoán, dịch vụ môi giới đầu tư chứng khoán... Với sự phát triển của thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm sẽ tạo ra và nuôi dưỡng nguồn cầu về những dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ ngân hàng.

Đối thủ cạnh tranh: Hoạt động ngân hàng có đặc điểm nổi bật là mối quan hệ và uy tín của từng ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành. Do đó sự tồn tại và phát triển của các đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động kinh doanh của mỗi ngân hàng. Mặc khác, các ngân hàng vừa cạnh tranh vừa hợp tác cùng phát triển do đặc điểm uy tín hệ thống. Sự thất bại của một ngân hàng sẽ ảnh hưởng xấu tới an toàn cả hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng xấu này diễn ra rất nhanh và có tính lan truyền cao, phạm vi ảnh hưởng lớn, mở rộng ra ngoài ngành ngân hàng. Điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998-1999.

Một phần của tài liệu hoàn thiện chiến lược kinh doanh cho chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển nghệ an đến năm 2020 (Trang 34)