Số lƣợng khách và cơ cấu khách du lịch làng nghề

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 52)

Bảng số 2.5: Số liệu khách du lịch vào Ninh Bình giai đoạn 2005 - 2011

Stt Chỉ tiêu 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011

1 Lƣợt khách 1.021.236 1.186.988 1.518.559 1.741.602 2.199.975 3.096.589 3.247.888

2 Quốc tế 329.847 375.017 457.920 548.138 591.403 663.284 663.164

3 Nội địa 691.389 811.971 1.060.639 1.193.464 1.608.572 2.433.305 2.584.724

(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình, 2011)

Số lượt khách du lịch (trong nước, quốc tế) hàng năm đến thăm quan du lịch Ninh Bình và số lượt khách du lịch tại các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh đều gia tăng trong những năm từ 2005 - 2011. Giai đoạn 2005 - 2011, lượng

khách du lịch đến thăm quan du lịch tại Ninh Bình tăng đều với tốc độ tăng bình quân 29,2%/năm. Năm 2011 số lượng khách du lịch tăng gấp 3,1 lần so với năm 2005.

Tuy nhiên, số lượng khách du lịch làng nghề chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, ước tính chỉ khoảng 3% so với tổng số lượt khách du lịch đến Ninh Bình, khoảng hơn 97.000 lượt khách. Chủ yếu là loại hình du lịch tham quan nghỉ dưỡng kết hợp với việc ghé mua sản phẩm làng nghề. Hoạt động tham quan làng nghề và tìm hiểu các giá trị văn hóa làng nghề và kỹ thuật làm nghề chiếm tỷ lệ ít hơn trong số đó. Trong các làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch ở Ninh Bình thì hoạt động du lịch diễn ra ở làng nghề thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân - Hoa Lư, làng chế biến cói Kim Sơn rõ nét hơn cả so với các làng nghề khác.

Khách du lịch đến với xã Ninh Hải chủ yếu là đi tham quan Tam Cốc - Bích Động và các thắng cảnh như: Thung Nham, động Tiên, động Thiên Hương, chùa Linh Cốc, đền Thái Vi… Số lượng khách tham gia vào hoạt động du lịch làng nghề theo đúng nghĩa (tham quan làng nghề, tìm hiểu quá trình sản xuất hàng thêu ren) chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, mỗi năm chỉ có khoảng trên dưới 20.000 lượt người. Du khách đến làng nghề chủ yếu tiến hành các hoạt động như thăm quan các cơ sở sản xuất mặt hàng thêu ren, tìm hiểu về nguồn gốc làng nghề và các vị tổ nghề, chiêm ngưỡng các sản phẩm thêu ren tiêu biểu của làng…

Khách đến làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân - Hoa Lư chủ yếu là đi tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An. Du khách đến với làng nghề chế tác đá gần như chỉ nhằm mục đích mua sản phẩm nhưng cũng rất hạn chế vì khu vực làng nghề chế tác đá khá ô nhiễm về bụi đá và tiếng ồn.

Du khách đến làng nghề chế biến cói Kim Sơn chủ yếu tham quan khu du lịch quần thể nhà thờ Phát Diệm. Chủ yếu là mua sản phẩm chế biến từ cói như: mũ, nón, dép, hộp đựng đồ, giỏ… làm quà lưu niệm trong chuyến đi.

Về cơ cấu khách đi du lịch làng nghề: trong tổng số hơn 97.000 lượt khách tới tham quan, tìm hiểu về làng nghề mỗi năm, có tới trên 80% là khách quốc tế. Họ là các đoàn khách đi theo tour hoặc khách lẻ có hướng dẫn viên đi kèm, có nhu cầu tìm hiểu về làng nghề và thích loại hình du lịch làng nghề. Du khách chủ yếu đến từ Pháp, Canada, Trung Quốc… và một số nước châu Á khác và thường tham quan hoạt động sản xuất nghề tại các cơ sở nghề như: doanh nghiệp thêu ren Minh Trang, An Lộc, Mỹ Hương… hay các doanh nghiệp tư nhân chế tác đá như doanh nghiệp Đá Việt, Hoa Cương, Lương Dương, Đàm Khánh, các doanh nghiệp chế biến cói như Quang Thịnh, Xuân Hòa, Nam Hùng, Quang Phong…

Số lượng khách nội địa tham gia vào loại hình du lịch làng nghề chỉ chiếm khoảng 20% tổng số khách đến làng nghề. Khách trong nước tới tham quan, tìm hiểu về các làng nghề thêu ren Văn Lâm, đá Ninh Vân, chế biến cói Kim Sơn, mộc Phúc Lộc - Ninh Phong trong đó đa phần là đối tượng học sinh, sinh viên và những du khách thích mua sản phẩm làng nghề, tham quan, tìm hiểu hoặc đang nghiên cứu về các lĩnh vực văn hóa. Không giống như đối tượng khách quốc tế khi đi du lịch làng nghề thường nhằm mục đích tham quan du lịch là chính, khách nội địa khi đến đây thường chỉ nhằm học tập, nghiên cứu do đó điểm đến của những khách này thường là đến nhà các nghệ nhân cao tuổi trong làng như cụ Chu Văn Lượng, cụ Chu Văn Quân hay gia đình ông Vũ Thành Luân - Chủ tịch Ban Chấp hành làng nghề thêu ren Văn Lâm, ông Lương Văn Tịnh, người đã có 30 năm trong nghề đá mỹ nghệ ở thôn Xuân Vũ - Ninh Vân để tìm hiểu về kỹ thuật nghề cũng như các giá trị văn hóa truyền thống khác của làng nghề.

Như vậy, mặc dù cùng lựa chọn loại hình du lịch làng nghề nhưng mục đích đi du lịch của các đối tượng khách trong nước và quốc tế là khác nhau. Có thể nói, du khách Việt Nam đến làng nghề chưa thực sự coi đó là hoạt động du lịch thuần túy như khách quốc tế mà họ nặng về nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu. Ý niệm về du lịch làng nghề của du khách Việt khi đến với làng

nghề chưa thực sự rõ ràng. Điều này bắt nguồn từ chính hiện trạng phát triển du lịch của địa phương chưa tổ chức và xây dựng được mô hình du lịch làng nghề. Bên cạnh đó là nguyên nhân từ việc nhận thức của du khách đối với loại hình du lịch làng nghề còn nhiều hạn chế.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)