Một số làng nghề có khả năng phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 30)

Ninh Bình nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi có rất nhiều điểm du lịch và cũng là nơi tập trung nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: làng nghề chế biến cói Kim Sơn, làng nghề sản xuất rượu thủ công Lai Thành - Kim Sơn gắn với khu du lịch nhà thờ đá Phát Diệm; làng nghề mộc Phúc Lộc - phường Ninh Phong, TP. Ninh Bình, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân nằm trong quần thể khu du lịch Tràng An; làng nghề

thêu Văn Lâm - Ninh Hải gắn với khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Đây là những làng nghề truyền thống đã xuất hiện từ lâu đời, thu hút nhiều lao động. Sản phẩm đa dạng, phong phú và tinh tế, mang tính nghệ thuật cao chính là tiềm năng, lợi thế để phát triển làng nghề du lịch.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2007 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 xác định các làng nghề sau nằm trên tuyến du lịch ở Ninh Bình:

+ Làng nghề thêu ren Ninh Hải - Hoa Lư

+ Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân - Hoa Lư + Làng nghề chiếu cói Kim Sơn

+ Làng nghề mộc Ninh Phong - TP. Ninh Bình + Làng nghề rượu Lai Thành - Kim Sơn

Làng nghề thêu truyền thống thôn Văn Lâm - xã Ninh Hải - Hoa Lư

Ninh Hải là một xã miền núi của huyện Hoa Lư, cách trung tâm huyện về phía tây nam khoảng 15km, với phong cảnh thiên nhiên kỳ phú của quần thể khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Ninh Hải có nền kinh tế đan xen giữa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch, trong đó nông nghiệp chiếm 20-30%, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch chiếm 70-75%.

Tương truyền, năm 1285, khi vua Trần Thái Tông tròn 40 tuổi nhường ngôi cho con lên làm Thái Thượng Hoàng đã về vùng núi Vũ Lâm tu hành (xã Ninh Hải). Bà Trần Thị Dung là vợ Thái sư Trần Thủ Độ theo triều đình nhà Trần về đây, đã truyền dạy cho dân nghề thêu ren.

Hiện nay, gia đình nào ở Ninh Hải cũng có nhiều loại khung thêu. Bằng những sợi chỉ mong manh đủ màu sắc, cùng với những tấm vải rộng, hẹp nhiều kích cỡ với đôi bàn tay khéo léo, bộ óc giàu trí sáng tạo, người Văn Lâm đã thả hồn vào chỉ, vào vải để tạo nên những sản phẩm mang hồn thiêng của con người, non nước một vùng quê. Sản phẩm thêu ren bao gồm: ga trải giường, gối, khăn bàn, rèm cửa, tranh ảnh…

Các công đoạn của nghề thêu ren bao gồm: chuẩn bị nguyên liệu, tạo mẫu, pha và in màu, thêu, giặt là, kiểm tra đóng gói và cuối cùng là tiêu thụ. Các công đoạn trên hiện nay đều thực hiện bằng lao động thủ công. Để thêu ren hoa văn cho một sản phẩm cao cấp, người ta phải đếm tính kỹ mỗi sợi vải để sao cho cân đối, hài hòa. Mũi kim, đường chỉ phải sao cho chính xác và tinh tế.

Nghề thêu đã được người dân Văn Lâm lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác, vượt qua bao thăng trầm của lịch sử. Những sản phẩm thêu ren ở Văn Lâm từ xa xưa vốn đã hàm chứa những giá trị nghệ thuật rất cao.

Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân - huyện Hoa Lư

Nghề chạm khắc đá Ninh Vân là nghề cổ truyền nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà trong phạm vi cả nước. Từ những hòn đá xù xì, thô ráp, qua bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành những sản phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Sản phẩm đá bao gồm các loại tượng, chim, thú, bể cảnh, bia, chậu hoa, bàn, ghế, sập, hương án, ngai, cầu, cổng, ngưỡng cửa, xà nhà… Tất cả đều được chạm khắc tinh tế, sống động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại nhờ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Công cụ điêu khắc đá chủ yếu là búa, đục, thước đo. Ngày nay với công nghệ hiện đại các công cụ tự động sử dụng năng lượng như mài, khoan... giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.

Quy trình sản xuất đá mỹ nghệ thường trải qua các công đoạn sau: - Xử lý nguyên liệu thô: cưa đá thành những khối nhỏ, tùy vào mục đích sử dụng và mặt cắt của đá mà cưa phù hợp.

- Tạo hình, gồm:

+ Tạo phôi (các khối đá được chạm khắc (tạo họa tiết bề mặt) hay trổ (tạo họa tiết có độ sâu và xuyên qua bề mặt). Đôi khi người thợ còn áp dụng kỹ thuật cẩn, khảm để khảm vỏ trứng, đồng, vỏ ốc vào bề mặt đá. Sau khi đã được gia công hoàn tất khối đá được gọi là phôi. Tùy vào mục đích sản xuất mà phôi đá có nhiều dạng: phôi nguyên khối, phối ghép mảnh).

+ Làm sạch phôi bằng nước và đánh nhám: Việc làm sạch này nhằm loại bỏ các họa tiết thừa, lộ rõ các họa tiết bề mặt và làm sạch sản phẩm để chuẩn bị cho giai đoạn nhuộm màu hoặc đánh xi.

+ Làm màu - đánh xi - làm bóng và hoàn thiện sản phẩm:

- Sau khi tạo phôi, dùng nước rửa sạch phôi và chỉnh sửa các họa tiết thừa, người thợ bắt đầu tiến hành công đoạn sơn màu cho đá.

- Tùy vào mục đích sản xất mà phôi đá được nhuộm, vẽ màu, đánh xi và hoàn thiện thành các sản phẩm đá tinh tế và sâu lắng.

Nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân tồn tại đã bao đời theo lối gia truyền là chủ yếu. Với tài năng và sự say mê lao động của người thợ, mỗi khối đá vô tri ấy được chạm khắc thành những sản phẩm đá mỹ nghệ tinh xảo.

Làng nghề mộc truyền thống Phúc Lộc - phường Ninh Phong

Làng Phúc Lộc, phường Ninh Phong, nay thuộc thành phố Ninh Bình. Phúc Lộc nằm ở phía đông nam thành phố. Làng có chiều dài 3km, rộng chừng 2km, gồm 5 xóm: Xóm Trại, (giáp với phường Bích Đào), Xóm Ngoài, Xóm Giữa, xóm Trong và xóm Mơ.

Phúc Lộc là vùng đất đã có lịch sử từ thời Đinh - Lê. Nơi đây có một ngôi chùa thờ Phật gọi là Chùa Mật tự, ở phía cuối làng, gần xóm Mơ. Chùa có kiến trúc đặc sắc, đẹp và cổ kính. Ngôi đình làng Phúc Lộc thuộc xóm Trong, tuy có quy mô không lớn nhưng vững chắc, toàn bộ gỗ lim đen bóng, trải bao độ phong sương. Đền làng Phúc Lộc cũng đã được dựng từ lâu đời, để thờ Thành hoàng là ông Tổ nghề mộc…

Phúc Lộc đang đà khởi sắc đi lên, không chỉ bằng nghề nông với năng suất lúa cao vào loại nhất nhì trong tỉnh, mà điều nổi bật chính là nghề mộc - một tiềm năng lớn đã thức dậy trong cơ chế thị trường.

Dân gian địa phương vẫn có quan niệm và phổ biến tin rằng: chính cụ Tổ nghề mộc của Phúc Lộc rất linh thiêng, đã phù hộ cho con cháu ngày càng làm ăn phát đạt. Song cũng không thể không nói đến những điều kiện tiếp thị

rất quan trọng, hiện thực là: Vốn, tay nghề, thị trường trong và ngoài tỉnh, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đúng hướng.

Phúc Lộc hiện có trên 600 hộ gia đình với tổng số trên 3000 nhân khẩu, trong đó có tới 400 người làm nghề sản xuất đồ mộc và khoảng 200 người lao động phụ. Người ngoài tuổi lao động cũng tham gia, từ các cháu độ 9 -10 tuổi cho đến các cụ già tuổi đã ngoại thất thập. Như chúng ta thấy, hiện nay hàng đồ mộc sản xuất ở Phúc Lộc đại đa số là hàng thông dụng như giường, tủ, bàn ghế, sa lông, cửa các loại, chấn song và tay vịn cầu thang bằng gỗ, hàng trang trí nội thất… với chất lượng đảm bảo, mẫu mã phổ biến, giá thành hợp lý. Đồng thời, Phúc Lộc cũng có không ít những tay thợ giỏi đã tạo ra những loại đồ gỗ cao cấp, cầu kỳ, sang trọng theo truyền thống như: tủ chè, sập gụ, sập lim, chạm trổ hoa văn các loại… phù hợp với nhu cầu của khách hàng, hoặc tạc tượng, làm các loại đồ gỗ phục vụ tế tự, lễ hội, tu sửa đền chùa, miếu mạo…

Để giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất lao động, hầu hết các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất đồ mộc hiện đều trang bị máy móc hiện đại các loại: máy cưa, bào, khoan, tiện… Thế nhưng, không có máy nào thay thế được đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân đồ mộc mỹ nghệ Phúc Lộc đã có truyền thống hàng trăm năm nay. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Làng nghề sản xuất, chế biến cói - huyện Kim Sơn

Cây cói xuất hiện ở Kim Sơn mới gần 2 thế kỷ nhưng đã có một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế của huyện. Người dân Kim Sơn đã dùng cây cói làm ra các sản phẩm: chiếu, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách, mũ… Đặc biệt, khi nói đến nghề sản xuất, chế biến cói Kim Sơn, phải nói đến nghề dệt chiếu. Chiếu Kim Sơn có khá nhiều loại như chiếu trơn, chiếu hoa, chiếu cải… Ngoài ra, chiếu cũng có thể sản xuất các loại kích cỡ khác theo yêu cầu của khách hàng.

Dệt chiếu là một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, thận trọng từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói, dệt… Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn cói. Mỗi lần cắt cói người thợ rất tinh, chọn những cây không non quá cũng

không quá già để khi dệt sợi chiếu có độ mềm vừa phải. Kỹ thuật phơi cũng phải chọn thời điểm nắng để phơi sao cho thật khô và trắng. Chính vì thế chiếu Kim Sơn luôn có màu vàng mơ, sáng đẹp. Khi nhuộm, muốn màu không phai, không dính lên quần áo khi nằm, cói phải được nhúng vào chảo màu đang sôi, chờ cho nước sôi lại lần nữa để màu thấm vào từng sợi cói.

Để có một chiếc chiếu bao giờ cũng cần hai người mới hoàn thành được, một người vai trò là dệt, một người là lao cói - người đưa sợi cói vào khung dệt. Điểm đặc biệt trong kỹ thuật dệt chiếu của người Kim Sơn còn có kỹ thuật cải hoa làm cho chiếu đẹp và hấp dẫn người mua, đáp ứng các mục đích sử dụng khác nhau như cưới, lễ... muốn vậy người cải hoa phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay phải chính xác, thuộc từng nốt cải để chiếu đan không bị lỗi. Bên cạnh đó người lao cói phải nhanh, tạo được sự nhịp nhàng với người dệt. Để in hình lên chiếu, người thợ dùng khuôn in trổ, đúc bằng đồng chạm thủng mô tả các hình hoa loa kèn, đường viền kỷ hà, trái đào, các chữ “hạnh phúc gia đình”, “trăm năm hạnh phúc”, hình con bướm, trái đào, năm sản xuất…

Ngoài cách làm chiếu thủ công truyền thống, nhiều hộ dân đã đầu tư máy móc để làm chiếu theo hướng công nghiệp, cho ra sản lượng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Làng nghề Rượu Lai Thành - Kim Sơn

Làng nghề sản xuất rượu thủ công Lai Thành, Kim Sơn có vị trí cách Nhà thờ đá Phát Diệm Kim Sơn khoảng 3km, nằm trên đoạn đường ra biển (đường 481). Ở Kim Sơn, nếu rượu được nấu từ gạo lứt nếp chiêm gọi là rượu chiêm và rượu được nấu từ gạo lứt nếp vụ mùa thì gọi là rượu mùa. Khi nấu rượu thì gạo nếp không cần xay trắng, chỉ cần xay lứt, có nghĩa là lớp cám bọc bên ngoài hột gạo còn y nguyên. Ngâm gạo vài tiếng trước khi nấu thành cơm rượu. Cơm rượu nấu xong thì dàn ra một cái nia lớn cho nguội khoảng một giờ.

Men được giã nhỏ và rắc đều lên trên mặt cơm rượu. Sau đó xếp lần lượt từng lớp vào một thúng có bọc lót lá khoai nước sao cho mặt trên lớp này (có men vừa rắc) úp vào mặt dưới lớp kia. Đậy kýn thúng bằng lá chuối khô và không được mở ra để xem, vì rượu sẽ không lên men đều được. Men rượu được làm bởi những gia đình có kinh nghiệm lâu đời tại địa phương nên rất thơm và khô. Để có men quý người ta cho vào đó một số dược liệu có tác dụng thông khí huyết, diệt khuẩn.

Tùy kinh nghiệm mà người đặt rượu sẽ để mấy ngày thì có thể đem ra nấu rượu. Nếu đem ra sớm quá thì sẽ được ít rượu, hèm còn ngọt, mà nếu để chậm quá thì cũng hỏng.

Dụng cụ để nấu rượu gồm một nồi lớn, không cần vung. Bên trên nồi này là một thùng tròn đóng bằng gỗ như cái trống, có đặt máng và ống dẫn rượu ra ngoài, trên cùng thường là một chậu lớn đặt nghiêng. Trong chậu này đựng nước thường xuyên được thay để giữ lạnh. Hơi rượu bốc lên từ nồi dưới, gặp lạnh ở đáy chậu đựng nước lạnh phía trên, sẽ hóa lỏng mà theo máng chảy ra ngoài rồi được hứng vào chai.

Những chai đầu bao giờ độ rượu cũng rất nặng, kể từ chai thứ ba thì gọi là rượu tăm, còn mấy chai sau gọi là rượu bào. Tùy theo người nếm mà quyết định lấy bao nhiêu chai để rồi pha trộn vào nhau mới thành rượu ngon được. Đây cũng là bí quyết của từng nhà mà tiếng chuyên môn gọi là “đấu rượu”.

Tiểu kết Chƣơng 1

Như vậy, làng nghề truyền thống là làng cổ truyền làm nghề thủ công có lịch sử phát triển lâu đời. Đây là trung tâm sản xuất hàng thủ công, nơi quy tụ các nghệ nhân và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề mang tính truyền thống.

Du lịch làng nghề là một hoạt động du lịch vừa có tính chất của du lịch thôn quê, vừa có tính chất của du lịch văn hóa đồng thời có cả yếu tố của du lịch sinh thái. Hoạt động du lịch diễn ra trong không gian làng nghề thủ công truyền thống vừa có giá trị văn hóa lẫn giá trị kinh tế. Đây là hoạt động giúp nâng cao hiểu biết của khách du lịch về lịch sử hình thành và phát triển của

làng nghề góp phần tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.

Mặc dù du lịch làng nghề có nhiều ưu điểm nhưng không phải làng nghề thủ công truyền thống nào cũng có thể phát triển loại hình du lịch này. Để phát triển, cần đến một số điều kiện nhất định bao gồm các điều kiện để bản thân làng nghề có thể tồn tại và phát triển lâu dài và các điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển.

Ninh Bình là một tỉnh nằm ở phía Nam của đồng bằng sông Hồng, nơi có nhiều tài nguyên về du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Trong đó làng nghề thủ công truyền thống cũng là một tài nguyên quan trọng góp phần phát triển du lịch. Ninh Bình có một số làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch như làng thêu ren Văn Lâm, làng chế tác đá Ninh Vân, làng chế biến cói Kim Sơn, làng nghề mộc Phúc Lộc - Ninh Phong, làng nghề rượu Kim Sơn. Các làng nghề này đều có những vị trí thuận lợi đó là nằm gần kề các khu du lịch lớn của tỉnh, đồng thời cũng lưu giữ những giá trị văn hóa thuận lợi cho việc phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Chƣơng 2. THỰC TRẠNG DU LỊCH LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 30)