Hệ thống sản phẩm du lịch của các làng nghề

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 58)

Sản phẩm du lịch của làng nghề bao gồm: Các sản phẩm hàng hóa vật chất và dịch vụ du lịch.

Về sản phẩm dịch vụ của làng nghề: Hiện tại các làng nghề đã có hình thức cho du khách đến tham quan các xưởng sản xuất nghề. Chủ yếu ở các làng nghề như thêu ren Văn Lâm, và một số làng nghề chế biến cói. Ở làng nghề chế tác đá Ninh Vân, làng nghề rượu Lai Thành và làng nghề mộc Phúc Lộc hình thức du khách đến tham quan ít hơn mà chủ yếu là khách đến tham quan với mục đích thương mại đặt hàng. Làng thêu ren Văn Lâm, một số xưởng thêu lớn đã xây dựng được mặt bằng tương đối quy mô, đảm bảo các yêu cầu về thẩm mỹ, tạo điều kiện cho du khách tới tham quan, tìm hiểu. Tiêu biểu như: doanh nghiệp thêu ren Minh Trang nằm đối diện với Ban Quản lý khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là một địa chỉ thường xuyên có du khách đến tham quan. Tại thị trấn Phát Diệm có một số xưởng sản xuất chế biến cói mỹ nghệ Quang Thịnh, Xuân Hòa, Nam Hùng, Quang Phong… tạo điều kiện cho du khách tới tham quan, tìm hiểu. Ngoài ra, còn có một số hộ gia đình trong các làng cũng là những địa điểm có khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu. Tại đây, sau khi được xem các thợ thực hiện các công đoạn sản xuất một sản phẩm thủ công, du khách có thể yêu cầu những người thợ này làm những sản phẩm lưu niệm theo ý mình hoặc hướng dẫn du khách tham gia vào một

số công đoạn thủ công như tập thêu, tập đan cói… sau đó du khách sẽ trả tiền để mua những sản phẩm đó. Tuy nhiên, hình thức này mới xuất hiện và vẫn chưa trở nên phổ biến. Làng nghề chưa xây dựng được nhiều điểm tham quan tại các doanh nghiệp hay các hộ gia đình để du khách ghé thăm.

Các dịch vụ lưu trú và ăn uống tại các làng nghề tương đối phát triển. Hệ thống các cơ sở lưu trú và ăn uống tương đối đa dạng về hình thức và chất lượng. Các cơ sở này được xây dựng nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của du khách đến các khu du lịch lớn như Tam Cốc - Bích Động, nhà thờ Phát Diệm, khu du lịch sinh thái Tràng An, nên chưa định hình rõ được phong cách xây dựng và chưa có sự gắn kết với kiến trúc cũng như không gian chung của làng nghề.

Các làng nghề chưa có mô hình đưa du khách đến tham quan, tìm hiểu và sinh hoạt cùng với hộ gia đình. Đây là một mô hình có sức hấp dẫn đối với du khách khi tham gia vào các chương trình du lịch làng nghề. Đồng thời mô hình này giúp phát huy được hết các tiềm năng của mỗi hộ gia đình trong làng nghề, nâng cao tính cạnh tranh, tạo được sự đa dạng cho sản phẩm du lịch làng nghề.

Các sản phẩm hàng hóa: Đó chính là các sản phẩm thủ công của làng nghề. Với làng thêu ren Văn Lâm là một mặt hàng có ưu thế để phát triển thành sản phẩm du lịch vì tính thẩm mỹ, sự thông dụng, tiện lợi. Các sản phẩm thêu ren nhỏ gọn, tiện lợi… không cồng kềnh hoặc khó vận chuyển như các đồ mỹ nghệ làm từ đá, mây tre đan, đồ gốm... những người thợ của Văn Lâm đã khá nhạy cảm trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường. Họ đã tạo ra các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn của làng nghề như những bức tranh thêu đủ kích cỡ, khăn tay thêu, các hàng thêu, thêu pha rua và ren phổ biến như khăn trải bàn, ga, vỏ gối, khay lót dụng cụ ăn uống…

Đặc biệt, các bức tranh thêu là một mặt hàng lưu niệm rất được ưa chuộng. Bằng đôi bàn tay khéo léo, những người thợ đã tạo ra các bức tranh thêu sống động không kém các chất liệu như sơn mài, sơn dầu… các bức

tranh được bày bán cho du khách có chủ đề phổ biến là tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, tranh thiếu nữ, mục đồng…

Các mặt hàng khăn trải bàn, bộ khay lót, ga, vỏ gối… có nhiều kích thước, mẫu mã đa dạng. Các mặt hàng đặc trưng của Văn Lâm là hàng thêu pha rua được du khách lựa chọn nhiều hơn cả bởi đây là sản phẩm nổi tiếng của làng nghề và có tính hữu dụng cao.

Sản phẩm của làng nghề chế tác đá Ninh Vân bao gồm ba nhóm sản phẩm chủ yếu sau:

Nhóm phục vụ đời sống, sản xuất: Đây là nhóm sản phẩm có lịch sử ra đời gắn liền với sự xuất hiện của làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. Ban đầu chúng là những vật dụng bằng đá thô sơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như cối đá với đủ kích thước các loại, con lăn trục lúa, máng đá, đá tảng các loại, tai cối giã gạo… mà ngày nay tuy không còn phổ biến nhưng được lưu tồn ở nhiều gia đình như vật gia bảo của họ. Sau đó, đời sống sản xuất ổn định người thợ thủ công hướng đến những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao hơn phục vụ trực tiếp cuộc sống sinh hoạt của chính họ và khách thập phương. Đó là những sản phẩm phong phú về chủng loại như: cầu đá, hộp đá các loại, phù điêu đá, giếng đá, cây đèn đá, bàn ghế đá, tranh đá, ảnh đá, sập đá, bình đá… và các loại đá ốp lát khác nhau. Những loại sản phẩm này được cả những người thợ làm nghề và khách hàng sử dụng để trang trí nhà riêng hoặc các công trình xây dựng dân dụng khác.

Nhóm các sản phẩm phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử, các danh thắng, đền chùa, miếu mạo: đây là những sản phẩm thường có kích thước tương đối lớn, có nhiều hoa văn đặc sắc và họa tiết phức tạp. Tiêu biểu có các sản phẩm sau: các bức tượng thờ (tượng phật, tượng La Hán…), tượng tứ linh, bia đá, lăng mộ đá, tượng các con thú bao gồm: rồng, voi, hổ, sư tử, kỳ lân, nghê, rùa… hay trụ cột đá, hòn kê chân cột, cây đèn đá, non bộ, đài phun nước, cổng tam quan…

Nhóm tượng đài bằng đá: là loại sản phẩm hoàn toàn mới, chuyên phục vụ các công trình lớn, đa số chúng khá đồ sộ nhưng không kém phần tinh tế. Vì kích cỡ của những sản phẩm này nên chúng hầu như không được chế tác tại làng nghề mà được làm ngay tại điểm trưng bày. Chúng ta có thể kể đến một số sản phẩm thành công và được trưng bày không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh ngoài như: tượng đài Đinh Tiên Hoàng (quảng trường thành phố Ninh Bình); tượng đài Chiến Sĩ, tượng đài Ải Chi Lăng, tượng đài Lương Văn Chi, Tượng đài Bắc Sơn đều ở tỉnh Lạng Sơn; tượng đài bà mẹ Tổ Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh; tượng đài Bác Hồ tại quảng trường thành phố Nghệ An…

Mặt hàng được sản xuất ở làng mộc Phúc Lộc đa số là hàng thông dụng như giường, tủ, bàn, ghế, sa lông, cửa, chấn song, tay vịn cầu thang bằng gỗ và hàng trang trí nội thất… có chất lượng cao và mẫu mã rất đẹp, đồng thời Phúc Lộc cũng có không ít những người thợ với đôi bàn tay và khối óc tài nghệ, khéo léo tác tạo ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, cầu kỳ, sang trọng mang phong cách truyền thống như: Tủ chè, sập gụ, sập lim, tượng thờ, các loại đồ gỗ phục vụ tế tự, lễ hội, tu sửa đền chùa, miếu mạo… với những đường nét chạm khắc rất tinh xảo.

Các làng nghề chế biến cói của Kim Sơn đã dùng cây cói làm nhiều sản phẩm như: chiếu, thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách, mũ, dép... những sản phẩm lưu niệm nhỏ rất thu hút du khách đến với điểm du lịch nhà thờ Phát Diệm. Riêng về mặt hàng cói ở Kim Sơn phải nói đến nghề dệt chiếu. Dệt chiếu là cả một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, thận trọng từ khâu chọn lựa, xử lý cói đến khâu sản xuất chiếu; và đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa, ăn ý giữa người làm cói và người dệt chiếu.

Lai Thành là một xã thuộc vùng cực Nam huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) nổi tiếng với loại rượu được chưng cất từ gạo nếp cái hoa vàng trồng trên chính mảnh đất này. Hạt gạo tròn, thơm, bột gạo trắng như màu sữa, thoang thoảng một hương vị dễ chịu... Mỗi năm, người Lai Thành đều dành một phần quỹ đất để trồng thứ lúa nếp truyền thống đó. Gặt về, phơi khô, sàng

sẩy thật kỹ, đưa vào chum bảo quản để nấu rượu dần. Để có rượu ngon, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ quy trình, kỹ thuật chưng cất đến chất men, nguồn nước. Rượu Lai Thành càng để lâu càng “vào hơi”, uống càng ngon, càng chắc. Khi nồi rượu đã vào đoạn chưng cất, dù ở cách xa đến hàng trăm mét, vẫn không thể giấu nổi mùi thơm, cay lan nhẹ, bay xa, tạo cảm giác lâng lâng, man mác. Rượu cho vào chai trong vắt, lăn tăn một lớp tăm rượu, trong xuyên suốt, rượu được chưng cất thành các loại với các nồng độ khác nhau. Sản phẩm của rượu Lai Thành ít được bán trực tiếp cho du khách ngay tại làng nghề mà chủ yếu là ở các nhà hàng, các quán ăn trên địa bàn tỉnh và vận chuyển đi tiêu thụ các địa phương khác.

Nói chung sản phẩm hàng hóa của các làng nghề khá đa dạng và phong phú, đáp ứng tốt cho nhu cầu của khách du lịch khi đi du lịch và đến thăm các làng nghề. Tuy nhiên để thực sự thu hút, hấp dẫn khách thì các sản phẩm nghề nên chú trọng đến khâu thương mại, tiếp thị, đồng thời thay đổi mẫu mã, kiểu dáng cho phù hợp với nhu cầu của du khách hơn nữa.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)