Qua kết quả khảo sát sơ bộ, Ninh Bình hiện bản còn lưu tồn và phát triển các nghề truyền thống, với trên 40 nghề khác nhau, trong đó có gần 36
làng nghề tiêu biểu. Đó là những làng mà ở đó số lao động, kể cả những người ngoài độ tuổi lao động tham gia làm nghề, số các hộ gia đình có người làm nghề chiếm một tỷ lệ nhất định và mức thu nhập từ nghề truyền thống chiếm tỷ trọng lớn so với tổng thu nhập kinh tế của cả làng nói chung và của mỗi hộ gia đình nói riêng. Có những làng nghề truyền thống đã tồn tại 600 - 700 năm. Với hầu hết các nghề truyền thống thì sự liên kết các cá thể là thành viên trong mỗi họ giáp, mỗi thôn làng gắn bó mật thiết. Các nghề truyền
thống thường để lại dấu ấn văn hóa đặc trưng, trong đó có “văn hóa tâm
linh”, “văn hóa nghệ thuật”. Có những sản phẩm đặc sắc được chế tác thủ công ở Ninh Bình (như sản phẩm cói, thêu ren, chạm khắc đá mỹ nghệ...). Hiện nay còn rất ít nghệ nhân có kết hợp tài tình sự tinh luyện, óc sáng tạo và yếu tố bí truyền. Các sản phẩm từ nghề truyền thống ở Ninh Bình đã và đang đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều trên thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, doanh thu từ các nghề truyền thống tăng lên rõ rệt hàng năm, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập kinh tế của nhiều địa phương. Phát triển các
nghề truyền thống cũng chính là “một định hướng công nghiệp hóa”, là tiền đề
quan trọng quá trình xã hội hóa du lịch làng nghề ngày nay của tỉnh Ninh Bình. Hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp dưới hình thức các làng nghề trên địa bàn nông thôn Ninh Bình được phát triển từ lâu đời và cho đến ngày nay vẫn trở thành hình thức lao động chính của nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, tiêu biểu như các làng nghề sản xuất các sản phẩm cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, mây tre đan, mộc dân dụng, gốm mỹ nghệ trên địa bàn các huyện Kim Sơn, Hoa Lư, Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn và TP. Ninh Bình. Các sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng và phong phú, được thị trường trong và ngoài nước yêu thích, đem lại giá trị kinh tế cao đặc biệt là giá trị xuất khẩu, đóng góp không nhỏ vào GDP của tỉnh. Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang thu hút số lượng lớn lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho người dân đồng thời tăng thêm thu nhập góp phần nâng cao mức sống người lao động. Việc phát triển và mở rộng các làng
nghề đang là hướng quan tâm của tỉnh Ninh Bình. Trong đó có một số làng nghề có tiềm năng để phát triển du lịch như: Làng nghề chế biến cói ở Kim Sơn gắn với khu du lịch quần thể di tích nhà thờ Phát Diệm; Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Xuân Vũ - Ninh Vân nằm trong quần thể du lịch Tràng An; Làng nghề thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải gắn với khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Riêng làng nghề thêu ren Văn Lâm đã được học viện châu Á phối hợp với Tổng cục du lịch Việt Nam (giờ là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lựa
chọn đưa vào dự án “Nghiên cứu khả thi phát triển du lịch gắn với sản xuất
tiểu thủ công nghiệp dọc theo hành lang Đông Tây”.
Các làng nghề ở Ninh Bình cũng như của cả nước có đặc điểm thường nằm gần trung tâm hoặc gần các đô thị lớn, các trục giao thông đường bộ, đường sông do đó rất thuận lợi cho việc xây dựng các tour tuyến du lịch. Các làng nghề sẽ là điểm dừng chân thú vị thu hút du khách tham quan cảnh quan môi trường, văn hóa của làng nghề, tìm hiểu các giá trị văn hóa và có thể trực tiếp tham gia vào một số công đoạn sản xuất ra sản phẩm, mua các sản phẩm lưu niệm từ làng nghề. Việc phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, những nghệ nhân, thợ thủ công ở các cơ sở nghề yên tâm với nghề đồng thời cũng góp phần bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa của làng nghề. Những đơn vị đưa khách đến làng nghề cũng có những quan tâm đóng góp xây dựng với cộng đồng làng nghề, trả lương cho lao động, đồng thời cũng tạo nên một hệ thống dịch vụ, bán hàng lưu niệm, bán sản phẩm cho du khách tăng thu nhập người dân trong vùng.