Xây dựng hệ thống sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 85)

Phát triển các sản phẩm đặc trưng của làng nghề phục vụ du lịch

Việc xây dựng và phát triển được sản phẩm đặc trưng của các làng nghề là điều hết sức cần thiết. Nó mang dấu ấn của làng nghề, khi đến làng nghề là du khách không thể không mua các sản phẩm đặc trưng này về làm quà lưu niệm cho người thân và bạn bè. Nói đến làng nghề thêu ren Văn Lâm là nói đến các sản phẩm của thêu nhưng sản phẩm nổi bật là thêu pha rua với kỹ thuật tinh xảo. Làng nghề chế biến cói là các sản phẩm từ cói như mũ, hộp đựng đồ lưu niệm, dép… nhưng không thể thiếu sản phẩm là chiếu cói Kim Sơn. Làng nghề chế tác đá Ninh Vân thì sản phẩm chủ yếu là các sản phẩm phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo các công trình di tích như các bức tượng thờ (tượng phật, tượng La Hán…), tượng tứ linh, bia đá, lăng mộ đá, tượng các con thú bao gồm: rồng, voi, hổ, sư tử, kỳ lân, nghê, rùa… hay trụ cột đá, hòn kê chân cột, cây đèn đá, non bộ, đài phun nước, cổng tam quan. Làng nghề mộc Phúc Lộc với sản phẩm tiêu biểu là đồ gia dụng như bàn ghế, sập, tủ…

Các sản phẩm này được làm thủ công với kỹ thuật cao nhưng khi đem bán cho khách du lịch thì lại không được ưa chuộng nhiều do tính ứng dụng của nó không cao với các đối tượng khách nội địa. Hơn nữa, du khách khi đi

du lịch làng nghề mong muốn mua được các sản phẩm thủ công để làm quà lưu niệm cho chuyến đi, có thể tặng cho bạn bè, người thân làm kỷ niệm… Những món đồ ấy vừa phải có tính thẩm mỹ cao, có thể trưng bày vừa phải mang tính đặc thù của làng nghề và tiện lợi trong việc di chuyển. Do đó, bên cạnh các sản phẩm truyền thống của làng nghề cần phải tạo được các sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của du khách. Các doanh nghiệp của làng nghề phải nắm bắt được tình trạng này để có những biện pháp xây dựng sản phẩm mới cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cho bản thân doanh nghiệp và người dân của làng mình.

Với sản phẩm tranh thêu của làng thêu ren Văn Lâm phục vụ du khách đã tương đối hoàn thiện nhưng cần có một số thay đổi trong chủ đề của các bức tranh. Ngoài những tranh phong cảnh, tranh tố nữ… cần bổ sung các bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và một số bức tranh hiện đại nổi tiếng. Sự thay đổi này sẽ tạo được những nét khác lạ, độc đáo hấp dẫn du khách vốn đã quen với những bức tranh phong cảnh quê hương.

Ngoài việc đa dạng hóa các sản phẩm thêu ren, người dân làng nghề có thể thay đổi hình thức bán sản phẩm. Đó là việc phát triển dịch vụ thêu ren trên đồ dùng của du khách. Các đồ dùng như mũ, khăn, áo… của du khách có thể lưu lại dấu ấn của làng nghề bằng việc thêu lên đó một vài chi tiết như hoa văn, tên hay một dòng chữ kỷ niệm. Với những chi tiết đơn giản, người thợ thêu sẽ không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành sản phẩm cho du khách. Trong khi sản phẩm được làm, du khách có thể tranh thủ đi tham quan làng nghề hoặc mua sắm… Hình thức dịch vụ này vừa tạo được sự mới lạ đối với du khách đồng thời kéo dài được thời gian lưu trú của khách tại làng nghề.

Với sản phẩm của làng nghề chế tác đá Ninh Vân thì bên cạnh các sản phẩm truyền thống phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, xây dựng trùng tu các công trình văn hóa, lịch sử hay là những tượng đài có quy mô lớn. Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân cần phải có là những sản phẩm hướng vào phục

vụ du lịch, nên chế tác thêm các mẫu nhỏ và gọn nhẹ để du khách có thể dễ vận chuyển và sử dụng. Làng nghề Ninh Vân cần thực hiện chính sách đa dạng hóa sản phẩm với việc sản xuất thêm những sản phẩm lưu niệm bằng đá mang dấu ấn đặc sắc của Ninh Vân mang biểu tượng cho du lịch Ninh Bình, như thế có thể tăng sức hấp dẫn khách du lịch đến với làng nghề nhiều hơn.

Để tạo ra sự đa dạng, phong phú cho các sản phẩm của làng nghề đồng thời tạo sự thuận tiện và thoả mãn tối đa nhu cầu của du khách đối với việc mua các sản phẩm của làng nghề có thể đưa vào hình thức giới thiệu các mẫu sản phẩm để du khách lựa chọn sau đó các cơ sở sản xuất sẽ tạo ra các sản phẩm theo yêu cầu của khách. Hình thức này giống như việc đặt hàng theo yêu cầu nhưng du khách sẽ cảm thấy rất yên tâm vì họ đặt hàng trực tiếp tại nơi sản xuất với những thoả thuận hợp lý nhất. Các sản phẩm làng nghề thủ công phải làm trong một thời gian khá dài nên các cơ sở sản xuất kinh doanh phải năng động trong vấn đề vận chuyển sản phẩm tới tay khách hàng và lựa chọn được hình thức thanh toán thuận tiện nhất cho cả hai bên. Trong quá trình kinh doanh, các cơ sở này phải nắm bắt được nhu cầu phổ biến của du khách, biết được những loại sản phẩm mà du khách ưa chuộng để có hình thức bày bán hoặc dự trữ sẵn khi có khách yêu cầu.

Xây dựng các cơ sở trưng bày, giới thiệu về làng nghề, công nghệ và các sản phẩm truyền thống của làng nghề.

Ấn tượng ban đầu của du khách đối với làng nghề là rất quan trọng, nó ảnh hưởng tới hứng thú của du khách khi tham quan làng nghề. Với các khách lẻ, ấn tượng đó ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định có đi du lịch làng nghề hay không của họ. Hiện nay, khách du lịch đến các khu du lịch nhiều, nhưng số khách lựa chọn du lịch làng nghề không lớn vì họ không có ấn tượng gì về làng nghề này. Việc xây dựng một cơ sở trưng bày, giới thiệu về làng nghề và các sản phẩm của làng nghề có tác dụng rất lớn đối với tâm lý của du khách

Các cơ sở kinh doanh hàng lưu niệm trong làng có bày các mẫu mã sản phẩm tương đối đa dạng nhưng do mục đích kinh doanh và những hạn chế về kiến thức marketing du lịch cũng như khả năng giao tiếp của người kinh doanh mà lượng thông tin truyền đạt đến du khách còn hạn chế. Việc xây dựng một cơ sở trưng bày giới thiệu về làng nghề và sản phẩm được xây dựng quy mô, có các hình ảnh giới triệu về làng nghề, trưng bày các sản phẩm tiêu biểu với hướng dẫn viên chuyên nghiệp sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho du khách. Đây cũng là một hoạt động quảng bá rất có hiệu quả để du khách biết đến làng nghề và các sản phẩm đặc trưng của làng nghề.

Tăng cường công tác quảng bá về sản phẩm làng nghề truyền thống và những giá trị văn hóa của làng nghề.

Cần phải xây dựng trang web giới thiệu về làng nghề, và du lịch làng nghề tại Ninh Bình với đầy đủ các thông tin cần thiết như: Lịch sử hình thành và phát triển, các sản phẩm nổi bật, các di tích, danh thắng của làng và vùng lân cận, các địa điểm cung cấp dịch vụ du lịch… nhằm quảng bá hình ảnh của làng nghề, thúc đẩy loại hình du lịch làng nghề phát triển. Trang web của làng nghề sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy cung cấp những thông tin cần thiết để du khách tự tìm hiểu, nghiên cứu trước khi lựa chọn loại hình du lịch làng nghề.

Phát hành tờ rơi, tờ gấp, những cuốn sách nhỏ giới thiệu về làng nghề và các sản phẩm của làng nghề cho du khách khi họ tới các khu du lịch gần kề như Khu Du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu nhà thờ Phát Diệm. Có thể tiến hành phát tờ rơi, tập gấp tại các lễ hội và các điểm du lịch khác trong tỉnh Ninh Bình để nhân rộng tầm ảnh hưởng của hoạt động quảng bá, giới thiệu làng nghề tới nhiều đối tượng khách. Khi thiết kế những sản phẩm quảng cáo này cần phải chú ý đến việc sử dụng những hình ảnh mang tính chất điển hình về làng nghề và sản phẩm để tạo được ấn tượng đối với du khách.

Xây dựng sản phẩm có bản quyền của làng nghề và công tác quảng bá thương hiệu cho sản phẩm phải được chú trọng quan tâm hàng đầu. Làng nghề phải tạo được logo, biểu tượng riêng cho sản phẩm của làng mình và thông tin rộng rãi về biểu tượng đó trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì sản phẩm của làng nghề là các mặt hàng thủ công nên việc tạo các logo, biểu tượng in ấn có thể làm mất đi tính thẩm mỹ và giá trị của sản phẩm, vì thế việc tạo một logo, biểu tượng cho sản phẩm phải có sự cân nhắc kỹ. Một biểu tượng đơn giản nhưng ý nghĩa như tên viết tắt của làng hoặc một biểu tượng nào đó có thể dễ dàng thêu lên sản phẩm sẽ tạo ra ấn tượng rất tốt đối với du khách. Khi du khách mua những sản phẩm có bản quyền của làng nghề họ sẽ yên tâm về chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm, những người thợ của làng nghề cũng sẽ không còn phải lo sợ sự lấn át ồ ạt của các mặt hàng lưu niệm từ bên ngoài đổ vào làng nghề nữa.

Xây dựng các chương trình quảng cáo, giới thiệu về điểm du lịch làng nghề thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: các báo cáo chuyên mục du lịch, tạp chí du lịch, các chương trình giới thiệu trên đài phát thanh địa phương. Xây dựng các video, các chương trình giới thiệu về làng nghề trên các kênh truyền hình du lịch, các chuyên mục du lịch… Đưa hình ảnh của làng nghề và sản phẩm của làng nghề vào các trang web của các công ty du lịch, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Sở Công thương và các trang báo điện tử khác.

Đưa sản phẩm của làng nghề đi tham gia các hội chợ triển lãm hàng thủ công truyền thống được tổ chức hàng năm, tham gia các Festival làng nghề để quảng bá rộng rãi cho sản phẩm làng nghề. Đây là một hoạt động quảng bá rất hiệu quả, nhất là khi sản phẩm làng nghề đạt được các giải thưởng, danh hiệu tại các hội chợ hay Festival. Các sản phẩm nghề không chỉ có cơ hội được các doanh nghiệp, khách tham quan biết đến mà còn có cơ hội trở thành thương hiệu được vinh danh trên các phương tiện thông tin.

Tại các cửa hàng kinh doanh hàng lưu niệm trong làng nghề cần phải thống nhất về chủng loại sản phẩm, xây dựng được một số mô hình bài trí, trưng bày sản phẩm có tính thẩm mỹ. Những người kinh doanh cũng phải được trang bị các kiến thức cơ bản để làm tốt công tác quảng bá về làng nghề và sản phẩm của làng nghề. Có thể niêm yết giá của sản phẩm theo một mức giá thống nhất tại tất cả các cửa hàng để tạo ra sự tin cậy cho du khách khi mua sản phẩm tại làng nghề.

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể có thể xây dựng một siêu thị hoặc trung tâm mua sắm chuyên cung cấp các sản phẩm lưu niệm của làng nghề. Quy mô, sự đa dạng và tính chất truyền thống của sản phẩm tại siêu thị này sẽ tạo ra sức hút lớn đối với du khách. Khi xây dựng siêu thị cần chú ý đến việc đặt tên siêu thị và kiến trúc của nó sao cho phải đảm bảo được không gian văn hóa của làng nghề.

Xây dựng các cơ sở chế tác dành cho khách du lịch học tập và tự tạo ra các sản phẩm thủ công

Đây là một hình thức kinh doanh rất hiệu quả trong việc phát triển du lịch làng nghề. Khi đi du lịch tại các làng nghề thủ công truyền thống, được quan sát quá trình tạo ra sản phẩm của người thợ thủ công hoàn toàn từ đôi bàn tay khéo léo của họ, ngắm nhìn các sản phẩm mỹ nghệ đó du khách nào cũng muốn làm thử một chút công việc của người thợ, muốn có những sản phẩm có dấu ấn của mình làm ra.

Để khai thác hiệu quả hoạt động du lịch làng nghề thì cần có quy hoạch cụ thể trong đó phân khu sản xuất riêng và khu vực hoạt động du lịch riêng. Khu vực du lịch làng nghề là nơi du khách có thể tham quan hoạt động sản xuất, tìm hiểu về kỹ thuật thêu và tham gia vào một số công đoạn tạo ra các sản phẩm, đồng thời ở đây có khu trưng bày sản phẩm riêng với những sản phẩm độc đáo, đặc trưng nhất, thể hiện được hết các tài năng, kỹ thuật và tâm huyết của người làm nghề. Khu hoạt động du lịch chuyên biệt này phải có các

điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ nhân viên có kỹ thuật chuyên môn và kỹ năng kinh doanh du lịch.

Ngoài ra, giống như làng gốm Bát Tràng có các xưởng gốm cho du khách tự nhào nặn, tô màu để tạo ra các sản phẩm của riêng mình, các làng nghề ở Ninh Bình cũng có thể xây dựng mô hình này. Các cơ sở có thể được xây dựng riêng cho du khách hoặc kết hợp ngay trong các xưởng sản xuất, các hộ gia đình. Cần phải có đội ngũ nhân viên hướng dẫn cho du khách các kỹ thuật nghề. Các nhân viên có thể là thợ nghề của xưởng hoặc là những người bán hàng, chủ hộ… họ phải nhiệt tình, nhẫn nại và biết cách tạo hứng thú cho du khách.

Do đặc thù của nghề thủ công là tạo ra một sản phẩm không đơn giản,nên cần hướng dẫn cho du khách các kỹ thuật cơ bản. Chỉ cần du khách có hứng thú thì việc học sẽ trở nên dễ dàng. Điểm đáng lưu ý ở đây là việc lựa chọn các kỹ thuật và các mẫu sản phẩm để dạy cho du khách phải là nhừng kỹ thuật đơn giản, các mẫu dễ làm, tránh để du khách thấy quá khó mà không muốn tiếp tục.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 85)