- Điều kiện dân cư:
Với quy mô dân số năm 2009 là gần 900 nghìn người. So với dân số khu vực đồng bằng Sông Hồng, dân số tỉnh Ninh Bình chiếm 5,6% và bằng 1,2% dân số cả nước. Trên địa bàn tỉnh có 2 dân tộc chính là dân tộc Kinh và dân tộc Mường. Dân tộc Kinh chiếm 98%, dân tộc Mường chiếm khoảng 2%.
Mật độ dân số của tỉnh (khoảng 675 người/km2) thấp hơn mật độ trung bình
của vùng, dự kiến dưới 1 triệu người đến 2020 và đang nằm trong “thời kỳ dân số vàng”, là lợi thế không nhỏ để cung cấp nguồn lao động, thuận lợi trong quản lý và không gây sức ép lớn đối với phát triển kinh tế.
- Điều kiện kinh tế - xã hội:
Các hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ổn định và nhiều mặt được cải thiện. Công tác quốc phòng được tăng cường, an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đời sống nhân dân ổn định và ngày càng được cải thiện nhiều mặt.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh; cùng với sự quyết tâm của các cấp, các ngành; sự đoàn kết, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, sự năng động của các thành phần kinh tế nên kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực về sản xuất công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp và các ngành dịch vụ như du lịch, bảo hiểm, y tế...
- Tài nguyên nhân văn: * Di tích lịch sử - văn hóa:
Với lịch sử hàng ngàn năm, Ninh Bình không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh đẹp hấp dẫn, Ninh Bình còn được biết đến với rất nhiều các di tích lịch sử - văn hóa và tôn giáo. Trong số đó phải kể đến các điểm du lịch văn hóa như: Khu di tích cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bích Động, đền Thái Vi, đền thờ Trương Hán Siêu, chùa Địch Lộng... và đặc biệt là công trình kiến trúc - tôn giáo đồ sộ chùa Bái Đính.
* Lễ hội:
Cũng giống như bao làng quê khác của đất Việt, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, sau những ngày lao động vất vả, mệt nhọc, sau những lo toan của cuộc sống thường ngày, những người dân quê hương Ninh Bình lại nô nức, tưng bừng đi trẩy hội. Nét sinh hoạt văn hóa mang đậm phong tục tập quán của người dân Ninh Bình là lễ hội, là dịp để đất trời và con người được cùng giao hòa, là dịp tế lễ các vị thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu cho quốc thái, dân an, là dịp tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, các vị thành hoàng làng đã có công dựng làng, lập ấp, dạy nghề mang lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho dân làng. Đây cũng là dịp để những trai tài gái sắc cùng tham gia các trò chơi, thi thố tài năng như thi thư pháp, thi hát, thi kéo co, đấu vật, nấu cơm, làm bánh... Du khách một lần đến với Ninh Bình sẽ cảm nhận được cái tinh túy, cái độc đáo riêng ẩn
hiện trong không khí huyền diệu của các lễ hội truyền thống ở vùng đất giàu tiềm năng du lịch này. Một số lễ hội tiêu biểu như lễ hội Trường Yên, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội chùa Địch Lộng, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Báo bản Nộn Khê, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ.
* Làng nghề:
Nói đến truyền thống văn hóa đất cố đô, không thể không nhắc đến nét truyền thống văn hóa nghìn năm tuổi, nơi tích tụ một bề dày truyền thống phong hóa đặc sắc và phổ biến, cả về văn hóa và kinh tế. Với địa hình là
“Miền Bắc Việt Nam thu nhỏ”, là cơ sở và điều kiện để hình thành, phát triển
cả một hệ thống “Địa kinh tế” và “Địa văn hóa” từ lâu đời, tạo nên một vị
thế địa lý quan trọng và đặc biệt. Từ đó, nghề truyền thống ở Ninh Bình đã hình thành, lưu tồn cùng với các thế hệ qua nhiều thế kỷ. Nghề thủ công có từ thời cổ xưa, kết hợp với nghề nông, sớm hình thành nên một hình thái kinh tế mà trong đó lao động sản xuất vừa chuyên vừa không chuyên sao cho bảo đảm đời sống của cư dân trong tỉnh.
Một số làng nghề tiêu biểu như: làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân (huyện Hoa Lư), làng nghề thêu ren Ninh Hải (huyện Hoa Lư), làng nghề mỹ nghệ cói Kim Sơn.
* Các loại hình nghệ thuật truyền thống:
Ninh Bình là một tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng Bắc bộ, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của miền Bắc. Trong đó tiêu biểu phải nhắc đến là nghệ thuật chèo và hát ca trù.
Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Người nghệ sỹ chèo thường sử dụng một số nhạc cụ đệm cho câu hát như đàn nguyệt, đàn nhị, trống, đàn tam thập lục, tiêu… Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo,
người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ X, sau phát triển rộng ra đồng bằng Bắc Bộ. Địa bàn phố biến từ Nghệ - Tĩnh trở ra. Hiện nay, chèo là một trong những loại hình nghệ thuật được tỉnh Ninh Bình quan tâm giữ gìn và phát huy.
Hát ca trù hay hát ả đào là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam kết hợp giữa hát cùng với những tiết tấu âm nhạc dân tộc như trống, phách, đàn đáy. Trong đó có sự kết hợp biểu diễn của người hát và biểu diễn của nhạc công sử dụng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và học giả yêu thích. Ngày 01/10/ 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 đến ngày 02/10/2009), ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay, Ninh Bình có các câu lạc bộ ca trù như: câu lạc bộ ca trù đền thờ Nguyễn Công Trứ, câu lạc bộ ca trù Cố Viên Lầu.
* Ẩm thực:
Ở Ninh Bình, cứ mỗi vùng miền trên dải đất này lại có những món ăn đặc sản riêng không chỉ hợp khẩu vị với người dân sở tại mà còn làm cho nhiều du khách cả trong nước và quốc tế đến đây thưởng thức đều thích thú.
Ăn uống là sinh hoạt vật chất, ăn uống còn là văn hóa tinh thần, là “nét ăn nết
ở” của con người. Góp phần làm nên nền văn hóa của Ninh Bình là văn hóa
ẩm thực phong phú, đa dạng được chế biến từ các sản vật mà thiên nhiên ban tặng và con người làm ra, hội thành ý ăn, nết ở của người dân và tạo nên những đặc sản nơi đây. Một số món ẩm thực có thể kể đến là tái dê ở Hoa Lư, rượu Kim Sơn, cơm cháy, nem chua Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn…