Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 82)

phục vụ du lịch

Hệ thống cơ sở hạ tầng:

Hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù đã tương đối hoàn thiện nhưng để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thì cần phải xây dựng và cải tạo lại hệ thống cơ sở hạ tầng tại các làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch để phục vụ du khách tốt hơn. Trước hết là hệ thống đường xá, cần phải tiến hành bê tông hóa và mở rộng hệ thống đường ngõ trong làng. Ví dụ đoạn đường từ Đình Các đến đền Thái Vi ở gần làng nghề thêu ren Văn Lâm có nhiều đoạn chưa được đổ bê tông nên việc đi lại vào mùa mưa không thuận lợi, đoạn đường này còn dẫn đến khu làng Việt cổ Cố Viên Lầu làm mất đi tính thẩm mỹ, sự đồng bộ của cảnh quan. Nếu như phát triển loại hình du lịch để du khách đến tham quan, tìm hiểu và sống tại nhà dân của làng nghề thì vấn đề đường xá là một khó khăn lớn. Bên cạnh đó cũng cần thiết kế hệ thống chiếu sáng và hệ thống đèn trang trí để tăng tính thẩm mỹ cho làng nghề.

Hệ thống cống rãnh thoát nước cần phải được xây dựng đồng bộ để đảm bảo cảnh quan môi trường, phục vụ cho hoạt động du lịch làng nghề thì chính quyền địa phương vẫn cần phải có những biện pháp cải tạo cho phù hợp.

Việc giặt là các sản phẩm thêu ren tại các hộ gia đình chưa đảm bảo được công tác xử lý nước thải hóa chất gây ô nhiễm môi trường, nhuộm các sản phẩm cói, chế tác đá mỹ nghệ, nghề mộc đều gây ảnh hưởng đến môi trường không khí và môi trường nước. Cần phải quy hoạch nơi sản xuất có cống thoát nước đảm bảo hợp vệ sinh, xóa bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong dân gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Hầu hết các làng nghề chưa quy hoạch được bãi đỗ xe riêng mà đang còn sử dụng chung với các điểm du lịch gần kề. Ví dụ do nằm trong Khu Du lịch Tam Cốc - Bích Động nên ở đây có một bãi đỗ xe khá quy mô cho khách vào Tam Cốc. Khách du lịch khi đến làng nghề thêu ren Văn Lâm có thể sử dụng bãi đỗ xe này. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là khi tham gia các chương trình du lịch có điểm đến là các làng nghề thì thời gian lưu trú của du khách tại đây sẽ kéo dài hơn kéo theo thời gian lưu lại của các phương tiện sẽ lâu hơn. Đây sẽ là một khó khăn cho cả làng nghề và du khách nhất là trong thời vụ du lịch. Do đó, việc xây mới một bãi đỗ xe hoặc mở rộng bãi đỗ xe là một việc làm cần thiết. Bãi đỗ xe xây mới phải đảm bảo được dung lượng chứa, tính thuận tiện cho du khách và không được làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan làng nghề. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào quy mô lượng khách thực tế để quy hoạch bãi đỗ xe sao cho hợp lý, tránh lãng phí xây dựng mà bỏ không. Ví dụ ở làng thêu ren Văn Lâm, và chế tác đá mỹ nghệ do quy mô lượng khách đến với Tam Cốc - Bích Động và khu du lịch sinh thái Tràng An nhiều nên việc xây dựng các bãi đỗ xe có quy mô lớn là cần thiết. Còn với các làng nghề chế biến cói và làng nghề rượu Kim Sơn quy mô bãi đỗ xe vừa phải.

Xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc tại làng như xây dựng các điểm truy cập internet công cộng, các trạm điện thoại công cộng, phát triển các phương tiện truyền thông như đài phát thanh của thôn, xã nơi có các làng nghề.

Phát triển cơ sở y tế của xã để đảm bảo phục vụ cả nhân dân và khách du lịch trong trường hợp cần thiết đồng thời mở thêm một số điểm y tế phục

vụ cho du khách và nhân dân trong vùng. Đây là một yêu cầu cần thiết vì các vấn đề sức khoẻ của du khách có ý nghĩa rất quan trọng. Du khách sẽ không dám lựa chọn việc lưu trú qua đêm tại một địa điểm không đảm bảo được các điều kiện về y tế nhất là khi họ đang có vấn đề về sức khoẻ như các chứng bệnh tim mạch, huyết áp hay những bất thường về sức khoẻ khác cũng có thể xảy ra như dị ứng, ngộ độc, cảm sốt…

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật:

Tiến hành xây dựng và cải tạo các cơ sở nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách, đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng phục vụ. Để đảm bảo các yếu tố văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn cho làng nghề, các cơ sở này phải được xây dựng với kiến trúc và phong cách phù hợp với không gian làng nghề. Các món ăn, đồ uống của nhà hàng phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời phải có lựa chọn để vừa tạo được phong cách riêng cho làng nghề vừa phù hợp với tập quán và khẩu vị ăn uống của du khách, nhất là khách quốc tế.

Hệ thống các cơ sở lưu trú khi xây dựng mới phải được đặt trong một quy hoạch cụ thể để vừa đảm bảo về mặt không gian văn hóa làng nghề, vừa thuận tiện nhất cho việc sử dụng của du khách. Một số khách sạn xây dựng khá xa trung tâm làng nghề nên việc đi lại cũng như sử dụng dịch vụ của du khách không được thuận tiện.

Khi du lịch làng nghề phát triển mạnh thì thời gian lưu lại làng nghề của du khách sẽ kéo dài hơn. Vì vậy, cần phải xây dựng một số điểm vui chơi giải trí phù hợp để du khách sử dụng hiệu quả thời gian của mình đồng thời tăng nguồn thu cho địa phương. Các cơ sở vui chơi giải trí này nên có sự gắn kết giữa các hình thức giải trí truyền thống với các loại hình giải trí hiện đại. Lựa chọn được các hình thức giải trí phù hợp không chỉ tạo được sức hút đối với du khách mà còn xây dựng được không gian văn hóa làng nghề đậm tính cổ truyền.

Công tác trùng tu tôn tạo và bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa của làng nghề và phụ cận làng nghề phải được quan tâm hàng đầu. Ví dụ các đình làng và miếu thờ tổ nghề để đón du khách tới tham quan. Đình có thể trở thành điểm đến đầu tiên khi du khách vào thăm làng nghề. Riêng miếu thờ tổ nghề có quy mô quá nhỏ và đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng cần được trùng tu hoặc xây dựng lại cho uy nghi, bề thế hơn. Miếu thờ tổ nghề là nơi thờ cúng người có công truyền nghề cho dân làng nên cũng là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách. Nên có một quy hoạch tổng thể cho việc trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị của làng để tạo nên một không gian làng nghề mang đậm những giá trị truyền thống.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 82)