Thực trạng cơ sở hạ tầng làng nghề

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 44)

Hệ thống cơ sở hạ tầng có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch nói chung. Chất lượng của các cơ sở này ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ trong tour du lịch như hệ thống giao thông, hệ thống điện, nước, xử lý nước thải... giúp du khách đi lại thuận lợi hơn, môi trường đảm bảo vệ sinh, đảm bảo mỹ quan sẽ tạo được ấn tượng tốt cho du khách.

Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, điện, nước sạch hầu hết đã có ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Các tuyến đường dẫn vào làng nghề đã được kiên cố hóa bằng đường nhựa hoặc bê tông do thực hiện chính sách nhà nước và nhân dân cùng làm. Các tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giao thương trong làng và bên ngoài ví dụ như làng thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, làng mộc Phúc Lộc - Ninh Bình, làng chế tác đá Ninh Vân, làng chế biến cói Kim Sơn.

Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của làng nghề Văn Lâm tương đối hoàn thiện. Hệ thống đường giao thông trong làng đã được bê tông hóa tới 98%, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân trong làng cũng như du khách. Đoạn đường từ quốc lộ 1A vào đến bến thuyền Tam Cốc dài khoảng 1km được xây dựng rất đẹp, phân thành hai chiều thuận tiện cho xe ra vào. Đường có trang trí bồn hoa và trồng cây xanh hai bên, ngay đầu đường từ quốc lộ 1A đi vào có 04 cột đá được trang trí tinh xảo tạo ấn tượng cho du khách khi đến đây. Tuy nhiên, trong làng vẫn còn một số đoạn đường chưa được bê tông hóa khiến cho việc đi lại trong mùa mưa rất khó khăn, lầy lội và ảnh hưởng đến cảnh quan chung của làng nghề. Tiêu biểu như đoạn đường từ bến thuyền Tam Cốc qua khu làng Việt cổ Cố Viên Lầu đến đền Thái Vi, đây là con đường đi qua nhiều điểm danh thắng của làng nhưng mới chỉ được rải đá, qua mùa mưa đường trở nên gập ghềnh rất khó đi.

Hệ thống cấp thoát nước trong các làng được đảm bảo tương đối tốt, khoảng 80% các hộ gia đình trong các làng nghề được sử dụng nước sạch. Hệ thống cống thoát nước đã được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất của làng nghề. Hiện tại vấn đề nước thải từ hoạt động sản xuất của các làng nghề vẫn còn bất cập. Việc giặt tẩy các sản phẩm thêu ren bằng hóa chất của làng thêu ren Văn Lâm, việc nhuộm các sản sẩm chế biến cói ở Kim Sơn, bụi đá của làng nghề đá Ninh Vân... đã gây ô nhiễm nguồn nước thải và có những tác động không nhỏ tới môi trường và sức khoẻ của người dân cũng như du khách.

Trong các làng nghề có hình thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình tham gia sản xuất, bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm của làng nghề như thêu ren, chiếu cói, đá mỹ nghệ. Hình thức các xưởng sản xuất nghề hay các doanh nghiệp kinh doanh mới xuất hiện nhưng đã đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở các làng nghề. Ví dụ, ở Văn Lâm với 08 doanh nghiệp đứng ra làm chủ thầu thuê công nhân làm việc trong các xưởng hoặc thu mua hàng do các hộ gia đình và các xưởng khác sản xuất ra. Một số doanh nghiệp lớn ở Văn Lâm là: Tam Cốc, Mỹ Hương, Minh Trang, An Lộc… Với hiện trạng phát triển như hiện nay của hoạt động du lịch làng nghề tại Văn Lâm, du khách chủ yếu đến đây để tham quan các xưởng thêu của các doanh nghiệp lớn trong làng, còn việc tìm hiểu và tham quan tại các hộ gia đình chưa trở nên phổ biến.

Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân với các doanh nghiệp: như doanh

nghiệp Đá Việt, Ngọc Anh, đá mỹ nghệ Lâm Tạo, đá mỹ nghệ Hoa Cương… Làng chế biến cói Kim Sơn với các doanh nghiệp Quang Thịnh, Xuân Hòa, Nam Hùng, Quang Phong…

Hệ thống thông tin liên lạc của làng nghề tương đối phát triển, hầu hết các hộ gia đình đều có điện thoại cố định để liên lạc, việc sử dụng điện thoại di động cũng đã khá phổ biến trong nhân dân. Tuy nhiên, hệ thống thông tin liên lạc mới chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân, việc đáp ứng nhu cầu

du lịch vẫn còn hạn chế ví dụ hệ thống trạm điện thoại công cộng không có, các điểm truy cập internet rất ít.

Các cơ sở y tế cũng hạn chế về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, do trình độ có hạn nên các vấn đề về sức khoẻ của du khách thường không được xử lý tại các cơ sở y tế gần các làng nghề.

Môi trường cảnh quan làng nghề

Đại đa số các làng nghề có tiềm năng phục vụ cho phát triển du lịch, đều có tiềm năng về môi trường cảnh quan phục vụ du lịch tốt. Đó là vị trí nằm ở khu vực gần hoặc phụ cận với các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Ninh Bình. Làng nghề chế biến cói Kim Sơn, làng nghề sản xuất rượu thủ công Lai Thành - Kim Sơn gắn với Khu du lịch Nhà thờ đá Phát Diệm; làng nghề mộc Phúc Lộc - Ninh Phong, thuộc thành phố Ninh Bình, nơi có nhiều di tích thu hút du khách; làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân nằm trong quần thể Khu du lịch Tràng An; làng nghề thêu Văn Lâm - Ninh Hải gắn với khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Bên cạnh đó, trong môi trường cảnh quan của mỗi làng nghề còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa như đền, đình, miếu thờ tổ nghề… và các công trình di tích lịch sử khác có giá trị phục vụ cho việc khai thác các chương trình du lịch làng nghề đưa du khách tìm hiểu về văn hóa làng nghề.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 44)