TỈNH NINH BÌNH
Ngày 20/11/2007, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định số 2678/2007/QĐ-UBND về việc ban hành chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển kinh tế nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đã xác định đầu tư phát triển du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó nhấn mạnh:
- Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch để thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh các sản phẩm du lịch, dịch vụ có chất lượng để kéo dài thời gian khách nghỉ tại Ninh Bình.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; gắn du lịch với việc đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm độc đáo mang bản sắc văn hóa của quê hương Ninh Bình.
Ngày 13/7/2009, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ra Nghị
quyết số 15 - NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó nêu rõ quan điểm “Coi trọng tính hiệu quả, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực lưu trú, vui chơi giải trí, làng nghề, mua sắm, ẩm thực… nhằm thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách để tăng thu nhập từ du lịch”.
Như vậy trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đã đánh giá được tầm quan trọng và khả năng phát triển du lịch của các làng nghề. Trong tương lai chắc chắn sẽ có nhiều chương trình, dự án phát triển du lịch tại các làng nghề thủ công truyền thống của tỉnh Ninh Bình nói chung và các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.
Trong nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm
du lịch của Nghị quyết đã đề ra yêu cầu “Đầu tư phát triển các sản phẩm
làng nghề phục vụ du lịch, trước mắt tập trung vào các làng nghề truyền thống đã được công nhận. Ưu tiên đầu tư cho các làng nghề nổi tiếng, gần các khu, điểm du lịch, sản xuất các sản phẩm thủ công, như đá mỹ nghệ, thêu ren, cói, mộc, mây tre đan”.
Sản phẩm của các làng nghề thủ công đặc biệt là những làng nghề có vị trí gần các điểm du lịch đã được xác định là một trong những sản phẩm có ưu thế để phát triển du lịch. Sẽ có các chiến lược, kế hoạch cụ thể trong việc phát triển các sản phẩm làng nghề thành sản phẩm phục vụ du lịch đồng thời làng nghề sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển. Đây là những lợi thế hết sức cơ bản có tác dụng định hướng cho sự phát triển của du lịch làng nghề tại Ninh Bình.
Trong bản Kế hoạch số 07/KH - UBND ngày 17/7/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Nghị quyết số 15 - NQ/TU đã nêu rõ nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và triển khai các sản phẩm làng nghề truyền thống, ưu tiên các nghề đá mỹ nghệ, thêu ren, cói, mộc, mây tre đan… và rượu Kim Sơn phục vụ du lịch. Đơn vị chủ trì thực hiện là Sở Công thương và huyện có làng nghề phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như vậy, tỉnh cũng đã có những kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng và triển khai các sản phẩm làng nghề, trong đó chú trọng đến các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.
Ngày 01/6/2011, UBND tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 353/QĐ - UBND về việc phân bổ kinh phí năm 2011 để thực hiện Nghị quyết số 15 - NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch. Bản chi tiết phân bổ kinh phí quyết định giao cho Sở Công thương 270.000.000 đồng để quy hoạch hệ thống làng nghề phục vụ du lịch và phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.
Như vậy, vấn đề phát triển làng nghề gắn với du lịch đã được tỉnh Ninh Bình quan tâm và ưu tiên đầu tư phát triển. Đây là thuận lợi cơ bản để các làng có hướng đi đúng đắn và là điều kiện để phát triển hoạt động du lịch làng nghề tại Ninh Bình.