Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 48)

Do hầu hết các làng nghề đều nằm trong hoặc gần kề với các khu du lịch, điểm du lịch phát triển nên hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các làng nghề có những thuận lợi nhất định.

Làng nghề thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải nằm trong Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, một khu du lịch phát triển khá sớm của tỉnh Ninh Bình nên hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của làng nghề này khá hoàn thiện. Có 13 cơ sở lưu trú bao gồm các khách sạn và nhà nghỉ có quy mô vừa và nhỏ: 06 khách sạn và 07 nhà nghỉ. Một số khách sạn có quy mô và chất lượng phục vụ tương đối tốt như Khách sạn Quang Dũng, Khách sạn Yến Nhi, Khách sạn Chính Duyên… Với số lượng khách sạn và nhà nghỉ tương đối nhiều trong một làng nghề như vậy, việc đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, lưu trú của du khách khi tới làng nghề sẽ rất thuận lợi. Một số khách sạn lớn mới xây dựng có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và các trang thiết bị tiện nghi, đội ngũ lao động chuyên nghiệp… rất phù hợp với việc đáp ứng các nhu cầu của du khách quốc tế vốn đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ. Với đối tượng khách có khả năng thanh toán thấp hơn, khách sạn nhỏ và các nhà nghỉ là một lựa chọn phù hợp cho việc lưu trú tại đây.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn làng nghề khá phát triển. Hiện nay, làng nghề có 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với các sản phẩm chủ yếu là những đặc sản của Ninh Bình như thịt dê cơm cháy, một số món nem, gỏi… kết hợp với một số đồ ăn uống thông dụng, phù hợp với thói quen và khẩu vị ăn uống của du khách phương Tây như cà phê và một số đồ ăn nhanh. Các nhà hàng có quy mô vừa và nhỏ, một số nhà hàng có thể phục vụ đoàn khách với số lượng tới 200 - 300 người như nhà hàng Thế Long nằm ngay tại bến thuyền đi Tam Cốc. Mật độ các nhà hàng tương đối dày nên việc

cạnh tranh khá sôi động, các nhà hàng đều tìm cách thu hút khách nên chất lượng phục vụ được cải thiện đáng kể.

Hệ thống các cửa hàng bán các sản phẩm thêu ren và đồ lưu niệm cho du khách khá phát triển. Có 19 cửa hàng nằm dọc hai bên đường đoạn từ Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đến bến thuyền Tam Cốc, ngoài ra còn có một số cửa hàng nhỏ và các quầy hàng di động của nhân dân nằm rải rác trong làng, trong chợ và trên các thuyền nhỏ của dân làng bán cho du khách. Các mặt hàng chủ yếu được bày bán là các sản phẩm của làng nghề bao gồm các mặt hàng thêu, ren, thêu pha rua và một số đồ lưu niệm bằng đá, gỗ, sơn mài… Sản phẩm thêu ren bán cho du khách làm quà lưu niệm bao gồm: Tranh thêu, vỏ gối, chăn, khăn trải bàn, khay lót dụng cụ ăn uống… Bên cạnh đó, người ta còn thêu lên các đồ dùng như áo dài, áo lụa, khăn, mũ vải… để làm hàng lưu niệm.

Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân

Tính đến cuối năm 2003, toàn xã có tới 30 cơ sở chạm khắc đá của các hộ gia đình, 10 tổ hợp sản xuất, 7 doanh nghiệp tư nhân. Năm 2007, con số lên đến 453 hộ chuyên chế tác đá mỹ nghệ, 35 doanh nghiệp tư nhân. Dù hoạt động tự do nhưng sự tồn tại của các mô hình sản xuất này vẫn chịu sự quản lý trực tiếp của UBND xã Ninh Vân. Năm 2008, làng nghề đá Ninh Vân được nhà nước công nhận là làng nghề truyền thống cấp Trung ương và ngày càng thu hút các hộ gia đình và cá nhân tham gia vào nghề. Năm 2010, trên địa bàn xã có trên 60 doanh nghiệp đang hoạt động và đã thành lập được hiệp hội làng nghề. Cũng trong năm 2010, tổng số tiền đóng góp vào ngân sách xã là 120 tỷ

đồng, trong đó chiếm 80% thu nhập từ nghề đá. (Tổng hợp tình hình hoạt

động sản xuất 54 làng nghề năm 2011, Sở Công Thương Ninh Bình).

Hiện nay trên địa bàn xã Ninh Vân có ít cơ sở lưu trú, chủ yếu là nhà

nghỉ với quy mô nhỏ không đáp ứng được nhu cầu cho du khách nếu khách lưu trú tại làng nghề. Do điều kiện về môi trường trong làng nghề ô nhiễm về

tiếng ồn, ô nhiễm về bụi đá nên việc du khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ở đây là rất ít.

Trong khu vực làng nghề có khoảng 35 cửa hàng trưng bày bán và nhận đặt các sản phẩm chế tác đá. Chủ yếu là các cửa hàng trưng bày của các doanh nghiệp tư nhân trưng bày và giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp mình. Nhưng các cửa hàng này trưng bày với mục đích thương mại thu hút các khách đến đặt hàng chưa trú trọng đến việc trưng bày sản phẩm để thu hút khách du lịch.

Trên địa bàn xung quanh làng nghề có 2 nhà hàng với quy mô 50 chỗ và 15 quán ăn nhưng chủ yếu là phục vụ nhu cầu người dân địa phương chưa thu hút được khách tham quan du lịch cũng do những nguyên nhân về môi trường xung quanh những hộ sản xuất nghề. Do vị trí của làng nghề cách trung tâm thành phố Ninh Bình không xa khoảng 10km nên việc lưu trú của du khách chủ yếu là quay lại thành phố nghỉ, không lưu trú tại khu vực làng nghề.

Làng nghề mộc truyền thống Phúc Lộc, phường Ninh Phong, Thành phố Ninh Bình.

Làng được hình thành cách đây 300 năm, đến nay phát triển thành 5 xóm, trong làng có 8 dòng họ lớn, đặc biệt dòng họ Phạm Giáp được vua sắc phong quan nhị phẩm triều đình. Năm 2009, tổng số hộ tham gia làm nghề mộc của làng là 350 hộ. Hiện nay, UBND Thành phố Ninh Bình đang tiến hành quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Ninh Phong.

Làng nghề mộc Phúc Lộc có vị trí thuận lợi nằm trong khu vực thành phố Ninh Bình nên các cơ sở lưu trú khá phong phú và đa dạng đáp ứng được nhu cầu của du khách đến với Ninh Bình và đến với làng nghề. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2010 trên địa bàn thành phố Ninh Bình có 119 cơ sở lưu trú bao gồm các khách sạn và các nhà nghỉ với quy mô khác nhau. Ví dụ như Khách sạn Thevissai, Khách sạn Hoàng Sơn, Khách sạn Thùy Anh, Khách sạn Hoa Lư, Khách sạn Queen, Khách sạn Kinh Đô... Các khách sạn này hầu hết đều phục vụ các dịch vụ lưu trú, ăn uống và một số

dịch vụ bổ sung khác như massage, tổ chức tiệc hội thảo, hội nghị, cưới, sinh nhật... Trong đó, trên địa bàn phường Ninh Phong có khoảng 10 cơ sở lưu trú gồm một số khách sạn hai sao như Khách sạn Sài Gòn, Khách sạn Việt Nhật, Khách sạn Tre Việt...

Bên cạnh đó số cơ sở phục vụ ăn uống như nhà hàng, quán ăn ở khu vực thành phố cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu ăn uống của du khách khi đến Ninh Bình và nhu cầu của người dân địa phương. Một số nhà hàng lớn như nhà hàng Hoàng Long, nhà hàng Hương Mai, nhà hàng Trường Giang, nhà hàng Rừng và Biển, nhà hàng Trâu Vàng... Ngoài ra, trong khu vực thành phố còn có một số cơ sở phục vụ những dịch vụ bổ sung khác như có khoảng 50 quán café, karaoke, 02 cơ sở vui chơi giải trí, 02 siêu thị lớn và nhiều các đại lý cửa hàng lớn phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch và người dân địa phương.

Làng nghề sản xuất, chế biến cói - huyện Kim Sơn

Huyện Kim Sơn là một trong những trọng điểm du lịch thuộc quy hoạch phát triển du lịch Ninh Bình với tuyến du lịch Nhà thờ đá Phát Diệm - một trong những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo nổi tiếng của Việt Nam. Thị trấn Phát Diệm và một số xã lân cận như Thượng Kiệm, Kim Chính, Đồng Hướng, Yên Mật, Lưu Phương.

Số cơ sở lưu trú trên địa rất ít và tập trung ở thị trấn Phát Diệm, hiện nay toàn thị trấn có 3 cơ sở lưu trú bao gồm 01 Khách sạn Thu Hương có công suất 14 phòng và 02 nhà nghỉ là Nhà nghỉ Hoa Hồng và Nhà nghỉ Thiên Long. Và một số nhà nghỉ nằm rải rác trên các xã nhưng chủ yếu là hình thức nhà ở của dân cho thuê trọ. Các cơ sở lưu trú hiện này mới chỉ phục vụ khách du lịch đến với quần thể nhà thờ Phát Diệm, gần như chưa có khách thăm các làng nghề cói và lưu trú tại đây. Số cơ sở lưu trú ít như vậy do khách lưu trú lại ít và đại đa số các chương trình tour du lịch đến Ninh Bình thì việc cho khách lưu trú qua đêm tại Kim Sơn là ít mà chủ yếu chỉ là điểm đến kết hợp với các điểm du lịch khác trên địa bàn như Cúc Phương, Tràng An, Bái Đính,

Vân Long... Các nhà hàng, quán ăn tập trung nhiều ở khu vực gần nhà thờ Phát Diệm phục vụ nhu cầu của du khách.

Làng nghề rượu Lai Thành - Kim Sơn

Làng nghề sản xuất rượu thủ công Lai thành, Kim Sơn có vị trí cách Nhà thờ đá Phát Diệm Kim Sơn khoảng 3km, nằm trên đoạn đường ra biển (đường 481). Hiện tại số hộ thực hiện sản xuất rượu thủ công khoảng 1.500, chiếm 45% tổng số hộ dân của làng, giá trị sản xuất công nghiệp thu được từ hoạt động. Số cơ sở lưu trú, ăn uống và các dịch vụ bổ sung khác cũng như ở các làng chế biến cói chủ yếu tập trung trong khu vực trung tâm thị trấn Phát Diệm.

Nhìn chung, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của các làng nghề khá phong phú, bao gồm đầy đủ cả cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, hệ thống cửa hàng. Nhưng mới chỉ tập trung ở các làng nghề vó vị trí nắm ở khu vực trung tâm như làng nghề mộc Phúc Lộc, và các làng nghề nằm ở gần với các khu du lịch lớn như làng thêu ren Văn Lâm, làng chế tác đá Ninh Vân. Tuy nhiên, ở các làng nghề chưa phát triển được loại hình du lịch

homestay (du khách có thể tìm hiểu, tham quan và ở tại nhà dân, tham gia

sinh hoạt cùng với người dân làng nghề). Đây là một loại hình lưu trú có sức hấp dẫn rất lớn nhất là đối với du khách nước ngoài. Khi phát triển du lịch làng nghề thì việc xây dựng mô hình này là một điểm rất đáng lưu ý.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 48)