Cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

Một phần của tài liệu Một số các vấn đề xã hội của Việt Nam năm 2013 (Trang 54)

Nguồn: TCTK,

1.3.5.Cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

Mạng lưới cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh được củng cố theo hướng công bằng, hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ. Mạng lưới khám chữa bệnh gồm có y tế công lập, y tế ngoài công lập; gồm nhiều loại cơ sở y tế như bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng PHCN, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh khu vực, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế, trung tâm y tế ngành và các cơ quan.

Hiện nay, cả nước có 13.623 cơ sở y tế trong đó 1.166 bệnh viện công và 102 bệnh viện tư với tổng số giường bệnh là 266.348 giường (200.264 giường bệnh viện công, 5.827 giường bệnh viện tư). Số cơ sở khám chữa bệnh và số giường bệnh tăng tương đối đều qua các năm, trong đó riêng các cơ sở bệnh viện tư nhân tăng gấp 3 lần so với năm 2004. Tổng số các bệnh viện tư nhân đã chiếm 8% tổng số bệnh viện và chiếm 3% tổng số giường bệnh của toàn quốc.

Chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế các tuyến, đặc biệt là tuyến TW và ở các thành phố ngày càng được nâng cao. Một số kỹ thuật mới, tiên tiến đã được thực hiện thành công và trở thành thường quy trong các bệnh viện như ghép thận, ghép gan, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật tim hở, thông/nong mạch vành, mổ nội soi phẫu thuật mạch máu, thay ổ chỏm khớp, lọc máu, tán sỏi ngoài cơ thể... Triển khai tốt công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo tại chỗ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, nhất là trong lĩnh vực ngoại khoa, cấp cứu đã giúp các bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao được chất lượng chẩn đoán, điều trị. Thực hiện Quyết định 1816/QĐ-BYT về cử cán bô chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhờ đó đã giảm trung bình được 30% tình trạng quá tải ở tuyến trên. Tuy nhiên, tình trạng quá tải, nằm ghép ở các bệnh viện tuyến TW và BV Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn còn ở mức cao, đặc biệt ở các chuyên khoa ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, sản nhi. Tác động không mong muốn của một số chính sách (xã hội hóa, tự chủ, phân bổ ngân sách, bảo hiểm y tế...) và tâm lý lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh của người dân cũng góp phần gây ra quá tải tại một số bệnh viện tuyến trên. Còn xảy ra tình trạng người Việt Nam chọn ra nước ngoài chữa bệnh trong khi trong khi trong nước có chuyên môn cao song hạn chế về cơ sở vật chất và cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm khoảng

40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD. Nguyên nhân chính là tâm lý và sự khác biệt của cơ sở hạ tầng y tế giữa Việt Nam và các nước. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 với mục tiêu Giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (trên 120%) thuộc tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xuống dưới 100%, cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện; Tăng số giường bệnh công lập trên phạm vi cả nước phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh, trong đó ưu tiên đối với 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm thực hiện việc khám chữa bệnh theo yêu cầu bằng kỹ thuật tiến tiến và phát triển một số kỹ thuật y tế chuyên sâu với mục tiêu huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và triển khai một số trung tâm khám, chữa bệnh theo yêu cầu cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng cao phù hợp với các chuẩn mực trong khu vực và trên thế giới.

Kế hoạch đầu tư nâng cấp xây mới các bệnh viện từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhằm tăng giường bệnh các tuyến được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu chống quá tải bệnh viện, giảm dần tình trạng nằm ghép và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện đã được cải thiện bước đầu khi có thêm nhiều cơ sở y tế mới. Cụ thể, Bộ Y tế đã đưa vào hoạt động hơn 1.350 giường bệnh mới, tại một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cơ sở Tân Triều của Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Viện Tim Mạch Bệnh viện Bạch Mai, mở rộng Trung tâm Y học hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai,... Bộ Y tế đã tiến hành khởi công xây dựng Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, và sắp tới đây sẽ khởi công xây dựng mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với quy mô 500 giường. Thông qua đề án đầu tư trái phiếu Chính phủ cho tuyến tỉnh, huyện, số giường bệnh đưa vào sử dụng đã tăng đáng kể. Theo báo cáo của Bộ Y tế tỷ lệ người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện tăng trung bình khoảng 30%. Công tác đào tạo năng lực chuyên môn giúp cho đội ngũ y bác sỹ được tiếp cận các trang thiết bị y tế tiến tiến hỗ công tác chẩn đoán chính xác hơn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp,

giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Tính đến hết kế hoạch 2013 toàn quốc dự kiến sẽ hoàn thành 241 bệnh viện tuyến huyện và 40 dự án bệnh viện tuyến tỉnh và chuyên khoa. Một số dự án còn lại các tỉnh đang tập trung để đưa phần xây lắp các hạng mục chính vào sử dụng hoặc khẩn trương bổ sung lắp đặt trang thiết bị y tế. Các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện, các phòng khám đa khoa khu vực được nâng cấp cải tạo hoặc xây mới hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần tăng số giường bệnh, cải thiện cơ sở vật chất khám chữa bệnh, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh toàn diện thông qua việc thực hiện Chỉ thị 06; Chương trình 527/CTr-BYT về nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh tham gia BHYT, đặc biệt lưu ý đến việc chống lạm dụng dịch vụ y tế và lạm dụng thuốc; Chỉ thị 05/CT-BYT ngày 10/9/2012 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế; Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện với các chỉ tiêu và giải pháp cụ thể nhằm làm giảm thời gian chờ, tạo thuận lợi cho người bệnh khi khám bệnh tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã cũng đang được quan tâm. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã chú trọng đầu tư nâng cấp trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 08/3/2013 quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản nhằm thể chế hóa và tiêu chuẩn hóa nhân viên y tế thôn, bản, bao gồm cả cô đỡ thôn bản.

Một phần của tài liệu Một số các vấn đề xã hội của Việt Nam năm 2013 (Trang 54)