Giáo dục đại học

Một phần của tài liệu Một số các vấn đề xã hội của Việt Nam năm 2013 (Trang 42)

Nguồn: TCTK,

1.2.5.Giáo dục đại học

Năm học 2012-2013, tiếp tục siết chặt việc thành lập mới các trường đại học, cao đẳng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới mới, làm cơ sở cho sự phát triển khoa học, hợp lý các trường đại học, cao đẳng. Đến nay, cả nước có 426 trường ĐH,CĐ (tính cả các trường đại học thành viên của các Đại học Quốc gia, Đại học vùng), trong đó có 212 trường đại học (56 tư thục) và 214 trường cao đẳng (28 tư thục); có 21 trường đại học do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. So với năm 2012, tăng 06 trường đại học, giảm 01 trường cao đẳng (do nâng cấp lên thành trường đại học).

Năm học 2012-2013, thu hút 2.195.000 sinh viên vào học các trường ĐH,CĐ, trong đó hệ chính quy là 1.670.309, tăng 3%; sinh viên ngoài công lập là 258.500 (chiếm 15,47% tổng số, tăng 8%). Số sinh viên/vạn dân tính chung các hệ đạt 248 người, trong đó tính riêng hệ chính quy là 189 sinh viên. Quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là 102.983 học viên, tăng 6,25%; trong đó nghiên cứu sinh 8.067 (7,85%) và cao học là 94.916 (92,15%).

Tuyển sinh năm 2012: Tuyển mới 490.000 sinh viên đại học, cao đẳng chính quy, giảm so với năm 2011 là 4%;. Kết quả tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, những khó khăn của nền kinh tế đã tác động trực tiếp tới khả năng theo học của một số bộ phận học sinh, sinh viên. Tuyển sinh sau đại học đạt tỷ lệ 96%, tăng 14% so với mức thực hiện kế hoạch năm trước.

Công tác tuyển sinh năm 2013: Tiếp tục thực hiện chủ trương ổn định quy mô đào tạo, gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo; giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo theo Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT nhằm tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong việc đảm bảo các điều kiện. Nhìn chung, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2013, ước tuyển 520.000 sinh viên đại học, cao đẳng chính quy, tăng 6,1% so với thực hiện 2012; tuyển mới sau đại học khoảng 53.000 người, tăng 12,8% so với thực hiện năm 2012.

Về thực hiện chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài năm 2013

- Đào tạo theo diện hiệp định: Quy mô lưu học sinh bình quân trong năm 2.894 người.

- Đào tạo cán bộ, giảng viên đi học nước ngoài bằng NSNN Đề án 322 (356): Số lưu học sinh bình quân trong năm là 1.797 người.

- Đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ các trường đại học, cao đẳng bằng NSNN (Đề án 911): lưu học sinh năm 2013 lên 1.702 người.

- Diện đi học theo Đề án Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương: dự kiến tuyển mới là 62 người; số LHS trong năm là 166 người.

- Diện xử lý nợ với LB Nga (nguồn kinh phí do VN chủ động quản lý 33 triệu đô la Mỹ): Số LHS trong năm là 748 người.

Đào tạo khác:

- Cử tuyển theo Nghị định 134/NĐ-CP: 2.000/3.000 (đạt 66,7% kế hoạch). - Dự bị đại học, cao đẳng: 5.300/5.000 (đạt 106% so với kế hoạch).

- Phổ thông năng khiếu: 2.900/3.000 (đạt 96,7% so với kế hoạch).

Thực hiện chỉ tiêu cử tuyển thời gian gần đây đạt kế hoạch thấp, các địa phương không muốn tăng quy mô. Bộ GD&ĐT đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/NĐ-CP theo hướng khắc phục những bất hợp lý trong quy định để triển khai tốt hơn.

Về đầu tư phát triển ngành giáo dục

Ngành giáo dục, đào tạo năm 2013 tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư phát triển. Tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo trong năm là 194,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2012, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo là 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3%; chi cho xây dựng cơ bản là 30 nghìn tỷ đồng, tương đương mức chi năm trước.

Trong năm 2013, Ngành Giáo dục – Đào tạo quán triệt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cùng với việc đổi mới nhận thức, bằng hành động cụ thể, từng bước triển khai trên thực tế việc đổi mới mô hình phát triển giáo dục đào tạo, chuyển từ quy mô và số lượng sang chất lượng và hiệu quả; chủ động đổi mới công tác quản lý ngành: Tăng cường phân cấp cho địa phương và cơ sở đào tạo, tạo điều kiện để cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội; tăng cường quản lý nhà nước theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Chỉ đạo tích cực việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và các điều kiện cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết, kịp thời, dứt điểm các cơ sở giáo dục và đào tạo vi phạm trong việc thực hiện cam kết khi thành lập trường về các điều kiện đảm bảo chất lượng, đào tạo liên kết, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh... nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, từng bước lập lại kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống; chỉ đạo tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề gây bức xúc cho xã hội đã tồn tại khá lâu như: Dạy thêm học thêm tràn lan,

lạm thu trong các cơ sở giáo dục, vấn đề đồng phục và chất lượng thấp trong liên kết đào tạo và đào tạo liên thông... Các hoạt động này bước đầu đã có kết quả và được dư luận xã hội đồng thuận.

Bộ giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo từng bước đổi mới công tác thi, đánh giá, qua đó tạo động lực đổi mới phương pháp dạy và học, các hoạt động giáo dục trong nhà trường, chống bệnh thành tích trong giáo dục.

Quan tâm xây dựng bổ sung chế độ, chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các đối tượng chính sách và giáo dục vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quan tâm, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên và giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Tuy đạt được những kết quả nêu trên, ngành giáo dục và đào tạo còn khá nhiều những hạn chế và yếu kém, cụ thể

Thứ nhất, chất lượng giáo dục, đặc biệt chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, quản lý nhà nước về giáo dục tuy đã có những đổi mới về tư duy và hành động, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, kém hiệu quả.

Thứ ba, một số vấn đề bức xúc kéo dài trong dư luận xã hội vẫn chưa được khắc phục, giải quyết triệt để, như tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, thu góp đầu năm học, tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Một phần của tài liệu Một số các vấn đề xã hội của Việt Nam năm 2013 (Trang 42)