- Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều
2.3.1.1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự
Để thực hiện quyền khiếu nại, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tách biệt về chủ thể bị khiếu nại thuộc từng cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể:
Đối với chủ thể bị khiếu nại thuộc Cơ quan điều tra, Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003:
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu
không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng [51].
Có thể nói, để đảm bảo tính khách quan, luật quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là người không thực hiện hành vi tố tụng, ra quyết định tố tụng. Đồng thời, người có thẩm quyền giải quyết phải là cấp trên trực tiếp. Đối với hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của cấp Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trở xuống, thẩm quyền giải quyết thuộc Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Luật cũng quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng do Viện kiểm sát phê duyệt. Mặc dù Viện kiểm sát không phải là cơ quan cấp trên trực tiếp của Cơ quan điều tra, song xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, nhiều quyết định tố tụng phải thông qua Viện kiểm sát phê quyệt mới có giá trị pháp lý. Chính vì vậy, Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Đối với chủ thể thuộc Viện kiểm sát, Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng [51].
Theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát là người vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính đối với tất cả các thành viên dưới quyền, đồng thời là người quyết định cao nhất. Do vậy, khi quyết định, hành vi tố tụng của cấp dưới bị khiếu nại thì Viện trưởng có thẩm quyền giải quyết lần đầu. Nếu người khiếu nại không đồng ý với kết quả khiếu nại thì có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Mặc dù luật không quy định cụ thể ai là người giải quyết thuộc Viện kiểm sát cấp trên, song có thể hiểu đó là người được Viện trưởng phân công thay mặt giải quyết hoặc chính Viện trưởng là người giải quyết.
Đối với chủ thể bị khiếu nại thuộc Tòa án nhân dân, Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Phó Chánh án trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tòa án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Tòa án cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Tòa án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng. Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án trước khi mở phiên tòa do Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Tòa án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng [51].
Mặc dù quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại có nét tương đồng với những chủ thể thuộc Viện kiểm sát. Tuy nhiên, trường hợp này lại
khác. Thẩm phán tòa án cấp trên trực tiếp không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp dưới. Trường hợp có khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Phó Chánh án thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại chỉ thuộc về Phó Chánh án, Chánh án của Tòa án cấp trên trực tiếp.
Ngoài ra, đối với một số chủ thể bị khiếu nại mà luật quy định được quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng, như Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.
Khiếu nại quyết định tố tụng đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định đó giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng [51].
Những chủ thể này khi bị khiếu nại đều do Viện kiểm sát giải quyết. Lý do để trao thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho Viện kiểm sát là xuất phát từ những hoạt động chuyên biệt của các chủ thể này. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát có quyền truy tố nên Viện kiểm sát có quyền giải quyết khiếu nại.
Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự xác định giải quyết khiếu nại như một phần trách nhiệm của người đứng đầu các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Chủ thể có trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo và thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết của mình. Trừ trường hợp giải quyết khiếu nại có liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, có sự khác biệt nhất định khi loại khiếu nại này do đặc thù về tính nghiêm trọng và khẩn trương, được Viện kiểm sát xem xét, giải quyết ngay. Khi cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải quyết không được quá ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng. Các trường hợp còn lại, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các chủ thể: Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp khi có khiếu nại trong giai đoạn điều tra - truy tố, Chánh án Tòa án nhân dân các cấp trong giai đoạn xét xử. Người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại không thể đồng thời là người bị khiếu nại, nói cách khác, người bị khiếu nại không có quyền giải quyết khiếu nại đối với hành vi, quyết định tố tụng của chính mình.
Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại theo quy định tại Điều 326 và Điều 327 Bộ luật Tố tụng hình sự, mục 2.1 phần II Thông tư liên tịch số 02 quy định rõ:
Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận khiếu nại ghi chép đầy đủ nội dung khiếu nại vào sổ thụ lý và theo dõi giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp người có văn bản rút khiếu nại thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định chấm dứt việc giải quyết khiếu nại.
Khi giải quyết khiếu nại, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu người khiếu nại trình bày bổ sung yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bổ sung, lập biên bản về việc cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến khiếu nại; có quyền gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, cá nhân bị khiếu nại và những người khác có liên quan để xác minh những vấn đề cần làm rõ.
Kết thúc việc giải quyết khiếu nại, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết phải ban hành quyết định giải quyết. Quyết định này phải được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết cuối cùng và Viện kiểm sát cùng cấp.
Căn cứ vào kết quả giải quyết, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết phải áp dụng biện pháp hoặc kiến nghị cơ quan, cá nhân có trách nhiệm áp dụng biện pháp khắc phục vi phạm pháp luật đối với quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý người có quyết định, hành vi bị khiếu nại, nếu sai phạm của họ đến mức phải xử lý kỷ luật [75].