- Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều
2.1.2.1. Chủ thể có quyền tố cáo trong tố tụng hình sự
Cũng như tố cáo trong lĩnh vực khác, chủ thể tố cáo trong tố tụng hình sự là công dân, có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo quy định được quyền tố cáo. Chủ thể tố cáo rất rộng, song, pháp nhân không phải là chủ thể của tố cáo.
Theo quy định tại Điều 334 Bộ luật Tố tụng hình sự thì:
Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức [51].
Xuất phát từ tính chịu trách nhiệm cá nhân, từ khả năng bảo vệ người tố cáo..., theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam, chỉ có công dân mới có quyền tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Như vậy, nếu một cơ quan, tổ chức muốn tố cáo thì chỉ có cá nhân công dân là thành viên của cơ quan, tổ chức đó mới có quyền tố cáo. Điều này khác với phạm vi chủ thể có quyền khiếu nại là cả công dân, cơ quan, tổ chức.
Điều 335 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định quyền và nghĩa vụ của người tố cáo:
1. Người tố cáo có quyền:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;
b) Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình; c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;
d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù.
2. Người tố cáo có nghĩa vụ:
a) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; b) Nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật [51].
Tại mục 1.1 phần III Thông tư liên tịch 02 quy định:
Người tố cáo có thể viết đơn hoặc trực tiếp đến trình bày việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Văn bản tố cáo hoặc biên bản ghi nhận tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, chức vụ, hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, những yêu cầu liên quan của người tố cáo (yêu cầu giữ bí mật họ tên, yêu cầu thông báo kết quả giải quyết...) [75].
Như vậy, người tố cáo có thể thực hiện quyền tố cáo của mình thông qua một trong hai hình thức là trực tiếp tố cáo (tố cáo miệng) hoặc là gửi đơn tố cáo. Đơn tố cáo được gửi tới cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Trường hợp trực tiếp tố cáo thì cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải lập biên bản về nội dung tố cáo.