Chủ thể có quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 46)

TSKH.Lê Cảm đưa ra khái niệm về chủ thể có quyền khiếu nại như sau: Người có quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự là thể nhân hoặc pháp nhân có liên quan đã thực hiện quyền khiếu nại đối với cơ quan hoặc (và) người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về quyết định, hành vi mà họ có căn cứ cho rằng quyết định và hành vi đó trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ [14].

Về cơ bản, khái niệm trên đã giải quyết được phạm vi của các chủ thể có quyền khiếu nại. Tuy nhiên, một trong những đối tượng của khiếu nại theo khái niệm trên, tác giả cho rằng, quyết định của cơ quan là đối tượng của khiếu nại phù hợp với Điều 325 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong khi đó, các điều luật về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không đề cập đến các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng mả chỉ quy định về quyết định tố tụng của người tiến hành tố tụng như quyết đinh, hành vi của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Phó chánh án, Chánh án... Điều này xem xét về đối tượng khiếu nại của người tiến hành tố tụng thì cụ

thể. Do vậy, trong khái niệm trên, không thể có đối tượng bị khiếu nại là cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, tác giả đưa ra khái niệm là thể nhân có quyền khiếu nại, song nếu nói là có quyền khiếu nại thì khái niệm thể nhân còn hẹp hơn khái niệm cá nhân. Mọi cá nhân đều có quyền khiếu nại trong trường bị đối tượng khiếu nại xâm phạm quyền, lợi ích của mình kể cả cá nhân bị hạn chế về năng lực hành vi (những người này có quyền khiếu nại thông qua người đại diện hợp pháp của mình).

Trong khi đó, tại Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-VKSTC- TATC-BCA-BQP-BTP ngày 10/8/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về khiếu nại, tố cáo cũng quy định rõ về đối tượng khiếu nại và chủ thể của các quyết định tố tụng khiếu nại như sau:

Quyết định tố tụng bị khiếu nại là quyết định được ban hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án được phân công chủ tọa phiên tòa trước khi mở phiên tòa, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình [75].

Như vậy, quyết định tố tụng do các chủ thể theo quy định trên ban hành là các quyết định của người tiến hành tố tụng và họ là chủ thể bị khiếu nại nếu quyết định có căn cứ là trái luật.

Trên cơ sở đó, có thể đưa ra khái niệm về chủ thể có quyền khiếu nại như sau: Người có quyền khiếu nại là cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự đã khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng khi có căn cứ cho rằng, quyết định tố tụng, hành vi tố tụng đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, chủ thể được thể hiện rõ quyền khiếu nại gồm:

- Người bị tạm giữ: là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ. Người bị tạm giữ có quyền: Khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 48 Bộ luật Tố tụng hình sự).

- Bị can: là người đã bị khởi tố về hình sự. Bị can có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự).

- Bị cáo: là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Bị cáo có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự).

- Người bị hại: là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự).

- Nguyên đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự).

- Bị đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bị đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền: Khiếu nại việc đòi bồi thường của nguyên đơn dân sự; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Một phần của tài liệu Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)