Phân biệt tố cáo trong tố tụng hình sự với tố giác tội phạm

Một phần của tài liệu Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 40)

Hiện nay, có thể khẳng định, việc phân biệt tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng với tố giác tội phạm còn chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc, nên thường gây nhầm lẫn về mặt khoa học pháp lý giữa tố cáo với tố giác tội phạm. Xuất phát từ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tố cáo với quy định về tố giác tội phạm có thể thấy rõ sự khác biệt này như sau:

- Đối với tố cáo, đối tượng của tố cáo là hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng hoặc người có thẩm quyền tiến hành một số hành vi trong hoạt động tố tụng. Hành vi tố tụng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức hoặc của Nhà nước.

- Hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng, người được giao thẩm quyền tiến hành một số hành vi trong hoạt động tố tụng đó không

có dấu hiệu của tội phạm. Điều này được quy định rất rõ tại Điều 337: "Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì được giải quyết theo quy định tại Điều 103 Bộ luật này" [51].

Ví dụ 1:

Hành vi dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đây là hành vi tố tụng do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện. Hành vi này có dấu hiệu của tội phạm (Điều 298 - Tội dùng nhục hình - Bộ luật hình sự năm 1999). Do vậy, trường hợp này, nếu phát hiện và bị tố cáo sẽ không thuộc phạm vi giải quyết theo quy trình tố cáo trong tố tụng hình sự mà được xử lý và giải quyết theo quy trình tố giác tội phạm.

Ví dụ 2:

Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Trong quá trình điều tra truy tố, xét xử, nếu Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán… có hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án. Những hành vi trên được coi là hành vi tố tụng có vi phạm pháp luật, đặc biệt có dấu hiệu của tội phạm (Điều 300 - Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án - Bộ luật hình sự năm 1999). Trường hợp này cũng được xử lý theo quy trình tố giác tội phạm chứ không giải quyết theo thủ tục tố cáo hành vi tố tụng.

- Quy trình giải quyết tố cáo và xử lý tố giác tội phạm cũng khác nhau, do tính nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà người bị tố cáo thực hiện.

- Ngoài ra, tố giác tội phạm (tố giác những hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội phạm) không bị hạn chế về phạm vi tố giác. Điều này có nghĩa bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào có dấu hiệu của tội phạm của bất cứ cá nhân nào, trong bất cứ lĩnh vực nào đều có thể bị phát hiện và bị tố cáo. Qua đó, điểm phân biệt rõ nhất giữa tố cáo và tố giác tội phạm trong tố tụng hình sự là hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng có dấu hiệu của tội phạm hay không.

Một phần của tài liệu Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)