Khái niệm, đặc điểm của khiếu nạ

Một phần của tài liệu Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 30)

Theo từ điển Tiếng Việt thì: "Khiếu nại là việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét một việc làm mà mình không đồng ý, cho là trái phép hay không đồng ý" [65, tr. 501].

Điều 2 của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 giải thích khái niệm khiếu nại hành chính:

Là việc công dân, tổ chức, cơ quan hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình [49].

Tiến sĩ Nguyễn Cửu Việt cho rằng: "Khiếu nại được sử dụng khi quyền chủ thể của bản thân công dân khiếu nại hoặc của người do mình bảo hộ bị vi phạm do quyết định hoặc hành vi trái pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước hoặc viên chức nhà nước" [76, tr. 477].

Điểm đáng lưu ý ở đây là tác giả đã chỉ rõ khiếu nại là một trong những phương thức bảo vệ quyền chủ thể, điều đó tạo cơ chế thuận lợi để công dân sử dụng quyền khiếu nại của mình đối với cơ quan có thẩm quyền mà theo họ đã bị quyết định hay hành vi trái pháp luật xâm phạm tới.

Điểm 2.1 mục 2 Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT ngày 10/8/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo quy định:

"Khiếu nại trong tố tụng hình sự" là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo thủ tục quy định tại Chương XXXV của Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình [75].

Trong lĩnh vực tố tụng hình sự cũng như trong các lĩnh vực xã hội khác tồn tại mối quan hệ giữa nhà nước với các chủ thể khác (công dân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp...) mà về nguyên tắc, không có sự bình đẳng giữa

hai bên trong mối quan hệ này, khi phát sinh những vi phạm pháp luật của nhà nước (thông qua hoạt động của cơ quan nhà nước và công chức nhà nước) ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể khác thì các chủ thể khác có quyền khiếu nại để đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Do đó, cũng tương tự khái niệm khiếu nại trong các lĩnh vực khác, có thể đưa ra khái niệm khiếu nại trong tố tụng hình sự như sau:

Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, có quyền đề nghị người có thẩm quyền giải quyết, xem xét lại các quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng và/hoặc người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Từ khái niệm trên, có thể đưa ra một số đặc điểm của khiếu nại trong tố tụng hình sự như sau:

Thứ nhất, khiếu nại trong tố tụng hình sự được giới hạn bởi một phạm vi nhất định, phạm vi này được thể hiện rất rõ và cụ thể, chỉ trong các hoạt động tố tụng. Nói cách khác, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định phạm vi khiếu nại trong các hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, các hoạt động này diễn ra từ giai đoạn bắt đầu của một vụ án từ trước khi khởi tố vụ án (hoạt động xác minh...), khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc vụ án đó (có thể đến giai đoạn thi hành án).

Thứ hai, người có quyền khiếu nại là cá nhân, tổ chức bị quyết định tố tụng, hành vi tố tụng xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Điều này có nghĩa, bản chất các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng là các quyết định, hành vi đặc biệt. Những hoạt động này có thể dẫn đến hạn chế hoặc tạm thời tước bỏ một số quyền cơ bản của công dân. Cho nên, sự xâm hại ở đây là xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Thứ ba, đối tượng khiếu nại là những hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng. Các hoạt động tố tụng này thường thể hiện ra bên ngoài thành những dạng cụ thể bằng: quyết định tố tụng, hành vi tố tụng (hành vi có thể bằng hành động cụ thể hoặc hành vi không hành động khi pháp luật quy định phải hành động).

Thứ tư, người bị khiếu nại chính là chủ thể có quyền tiến hành tố tụng hoặc chủ thể được quyền thực hiện một số hoạt động tố tụng. Đây là những chủ thể đặc biệt, chỉ có những chủ thể này, theo Bộ luật Tố tụng hình sự mới có thẩm quyền thực hiện các hoạt động tố tụng mà thể hiện bằng các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng.

Thứ năm, chủ thể có quyền phải có hành vi đề nghị người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét lại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng. Theo khái niệm trên, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là những người do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định có trách nhiệm trả lời những đề nghị (khiếu nại) của người khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là người không ra các quyết định hoặc không thực hành vi tố tụng trực tiếp bị khiếu nại. Ví dụ, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (chủ thể bị khiếu nại) do Thủ trưởng Cơ quan điều tra giải quyết (người có thẩm quyền giải quyết) hoặc hoạt động tố tụng của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết... Đây cũng là đặc thù mang tính riêng biệt của khiếu nại trong tố tụng hình sự.

Một phần của tài liệu Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)