Khiếu nại, tố cáo
Luật Khiếu nại, tố cáo quy định chung nhất về khiếu nại hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, theo đó, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại, tố cáo quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật Khiếu nại, tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Như vậy, có thể nhận thấy, khiếu nại, tố cáo theo Luật Khiếu nại, tố cáo có những đặc điểm sau:
- Đối tượng của khiếu nại, tố cáo là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành pháp, không phải các hoạt động của cơ quan tư pháp. Quyết định hành chính này phải bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính. Đối với hành vi hành chính, hành vi này của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật
- Cá nhân, tổ chức được quyền khiếu nại các quyết định, hành vi hành chính của cơ quan hành pháp khi có căn cứ cho rằng, quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm hại đến quyền, lợi ích của họ. Điều này có nghĩa, pháp nhân cũng là chủ thể của khiếu nại theo Luật Khiếu nại, tố cáo. Việc
khiếu nại của pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của pháp nhân đó.
- Mặc dù vậy, Luật Khiếu nại, tố cáo sẽ được áp dụng kể cả đối với các cơ quan tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát) trong trường hợp quyết định hành chính của các cơ quan này liên quan đến kỷ luật cán bộ công chức.
- Quy trình giải quyết khiếu nại tố, cáo trong Luật Khiếu nại, tố cáo cũng khác biệt với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Có thể thấy, do tính chất phức tạp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính bao trùm trong nhiều lĩnh vực, nên việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Luật Khiếu nại, tố cáo cần có thời gian dài hơn, như về thời hiệu khiếu nại là chín mươi ngày và được giải quyết theo hai cấp, quá trình giải quyết lần đầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại…
- Điểm đặc biệt của khiếu nại, tố cáo trong Luật Khiếu nại, tố cáo: đây là tiền đề của kiện hành chính. Điều này có nghĩa, trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu bởi cơ quan giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Đây cũng là điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa Luật Khiếu nại, tố cáo và khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
- Luật khiếu, nại tố cáo là luật cơ bản, quy định chung nhất về khiếu nại, tố cáo, đối với các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực hành chính nhà nước. Đối với lĩnh vực tư pháp hoặc các lĩnh vực khác, có thể do tính chất đặc thù riêng, việc quy định quyền khiếu nại, tố cáo có tính chuyên biệt.