Thơ lẩu là một loại hình dân ca trữ tình của dân tộc Tày được lưu truyền trong đời sống dân gian, qua nhiều thế hệ, qua nhiều địa phương. Thơ lẩu không chỉ là hệ thống các bài dân ca đám cưới của người Tày ở Chợ Đồn – Bắc Kạn mà trong cả cộng đồng người Tày. Cho đến nay, khó có thể nhận định bài Thơ lẩu nào có tác giả, bài nào do sáng tác vô danh, bài nào xuất hiện ở địa phương nào đầu tiên. Vậy nên tìm hiểu nguồn gốc Thơ lẩu ở Chợ Đồn – Bắc Kạn cũng chính là tìm hiểu thời gian, hoàn cảnh ra đời của Thơ lẩu nói chung. Có giai thoại về nguồn gốc Thơ lẩu lưu truyền ở Cao Bằng như sau: Lê Thế Khanh (không rõ người thời nào) là một người Tày ở Thạch Lâm – Cao Bằng, khi còn trẻ đã từng về học ở Kinh đô Giao Châu. Sau này, ông mở lớp để dạy chữ Hán ở nhiều nơi. Học trò của ông rất đông. Bên cạnh việc dạy chữ, ông còn ghi chép lại các lời vấn đáp giữa hai nhà trong đám cưới rồi
sửa chữa, biên soạn thành thơ để dạy cho học trò. Ngoài hát đám cưới, ông còn dạy các phong tục tập quán, nghi lễ dân gian khác, dạy học trò làm thơ thất ngôn.
Trong các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về Thơ lẩu ở Bắc Kạn chưa chỉ ra thời gian Thơ lẩu xuất hiện. Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn thế hệ cao niên sinh sống ở huyện Chợ Đồn: “Thơ lẩu xuất hiện tại địa phương từ khi nào?” Không ai đưa ra câu trả lời có căn cứ khoa học. Các câu trả lời chúng tôi nhận được rất khái quát chung chung: “Thơ lẩu có từ lâu lắm rồi!”
Tuy chưa thể đưa ra năm chính xác, nhưng qua nội dung và hình thức các bài Thơ lẩu, chúng tôi tán thành phỏng đoán: Thơ lẩu chỉ ra đời vào thời kì chế độ kinh tế cá thể đã phát triển khá cao, chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã thịnh hành trong xã hội. Ở thời kì này, địa bàn hôn nhân đã được mở rộng, tức là thanh niên ở các địa phương khác nhau có thể tìm hiểu và kết hôn. Tất nhiên việc cưới xin này chủ yếu do cha mẹ và họ hàng hai bên thỏa thuận, xếp đặt [32].
Theo lời ông Hà Văn Tồn ở Phương Viên – Chợ Đồn – Bắc Kạn phỏng đoán: Thơ lẩu ở địa phương xuất hiện từ thế kỷ XVII. Khi còn nhỏ ông đã được nhìn thấy bản ghi chép Thơ lẩu bằng tiếng Nôm Tày của ông nội mình. Nhưng do chưa có ý thức bảo tồn và qua thời gian bản ghi chép này đã bị thất lạc. Ông Lâm Xuân Ân – nguyên Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Chợ Đồn với những tìm hiểu của cá nhân cũng tán thành phỏng đoán này.