Thơ lẩu với tín ngưỡng dân gian Tày

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 36 - 39)

Người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn không theo tôn giáo nào, nhưng dấu ấn của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo cũng có mặt trong tín ngưỡng của đồng bào. Phần lớn nhân dân lao động địa phương tiếp thu ảnh hưởng của Tam giáo ở phần lý thuyết, mà chủ yếu là những khía cạnh

phù hợp với trình độ văn hoá sinh hoạt còn nhiều hạn chế như: triết học về đạo đức của Đạo giáo, từ bi bác ái của Phật giáo, thuyết tu tề trị bình trong Nho giáo...

Trong tín ngưỡng của đồng bào, những người làm nghề cúng bái và xem bói như: Tào, Mo, Then, Pụt là những người rất được coi trọng. Họ không tham gia vào diễn xướng Thơ lẩu, song lại chi phối rất nhiều tới việc tổ chức đám cưới. Đám cưới được tổ chức hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc các thầy xem lá số của đôi trai gái có hợp nhau hay không, xem giờ, xem ngày có thuận ngày lành, tháng tốt không.

Tín ngưỡng Tày thờ tổ tiên là chính. Tín ngưỡng này xuất phát từ thuyết vạn vật hữu linh và tục thờ thần dòng họ. Trong gia đình người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn, bàn thờ là nơi tôn nghiêm nhất. Cứ có việc gì xảy ra trong gia đình hay những ngày mùng một, ngày rằm là con cháu lại thắp hương lên bàn thờ tiên tổ. Việc thờ cúng được làm một cách tự giác, đều đặn, thường xuyên. Trong đám cưới, lễ mời tổ tiên (mời đẳm) là một nghi lễ bắt buộc. Chỉ khi nào cô dâu, chú rể được thắp hương, bái lạy trước bàn thờ gia tiên hai họ thì coi như mới được sự chấp thuận của tổ tiên, dòng họ và tổ tiên mới biết mặt. Đây cũng là một phong tục, tín ngưỡng đẹp, thể hiện lòng biết ơn chân thành, sâu sắc của con cháu đối với các thế hệ cha ông đi trước trong văn hoá Tày.

Trong đám cưới của người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn, khi diễn xướng Thơ lẩu còn có một tín ngưỡng nữa được thực hiện, đó là tín ngưỡng đuổi ma gà, uế tạp bảo vệ cho cô dâu về nhà chồng. Tín ngưỡng này được gọi là “giải vẻ”. Người ta sẽ tiến hành “giải vẻ” cho cô dâu trước khi về nhà chồng. Pả mẻ sẽ vừa hát, vừa làm những động tác vẩy rượu nhanh, mạnh, dứt khoát để đuổi tà ma khỏi cô dâu. Trên đường về nhà chồng, cô dâu đi giữa để được bảo vệ. Cô dâu ngoài đội khăn vấn tóc, quấn tóc quanh đầu, khăn vuông còn đội nón ra ngoài. Nón không

chỉ để che mưa nắng, mà còn có ý nghĩa tâm linh là bảo vệ. Tín ngưỡng này đảm bảo sự trinh khiết cho cô dâu, vừa ngăn cô dâu không mang uế tạp, tai hoạ về nhà chồng.

Tiểu kết:

Người Tày là cư dân đông nhất ở Chợ Đồn – Bắc Kạn. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của họ gắn liền với điều kiện tự nhiên ở khu vực. Huyện Chợ Đồn – Bắc Kạn là một huyện miền núi mang đầy đủ các đặc điểm tự nhiên đặc trưng của vùng miền núi phía Đông Bắc Bộ. Người Tày nơi đây sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Dù cuộc sống vật chất còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ đã xây dựng cho mình một nền kinh tế khá ổn định. Với ý thức cộng đồng cao, người Tày sống hòa hợp, gắn bó cùng anh em các dân tộc ít người khác. Cuộc sống nơi núi cao, vực sâu buộc họ phải xích lại gần nhau, hợp thành thể một thống nhất để tạo nên sức mạnh tập thể. Qua quá trình sinh sống, sản xuất và giao thoa văn hóa lâu đời đã giúp đồng bào Tày gây dựng được một kho tàng văn hóa tinh thần đậm bản sắc dân tộc. Thơ lẩu là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc ở Chợ Đồn - Bắc Kạn, được hình thành và tồn tại trong đời sống của đồng bào Tày từ hàng ngàn đời nay. Đó là những bài hát dân ca nghi lễ - phong tục độc đáo, chỉ được cất lên trong đám cưới, nhưng đang dần mất đi giá trị. Sự phát triển của Thơ lẩu phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hoá của địa phương. Để hiểu sâu hơn về loại hình, luận văn đã tìm hiểu khái niệm, tên gọi, các nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng có liên quan. Đây là cơ sở lý luận, thực tế cho việc nghiên cứu đặc điểm nội dung, nghệ thuật của các bài Thơ lẩu và Thơ lẩu trong đời sống của nhân dân ở những chương sau.

Chƣơng 2

NỘI DUNG, NGHỆ THUẬT CỦA CÁC BÀI THƠ LẨU Ở CHỢ ĐỒN - BẮC KẠN

Thơ lẩu là một loại hình sinh hoạt văn hoá mang đậm màu sắc văn học của dân tộc Tày. Nghiên cứu về nội dung, nghệ thuật của các bài Thơ lẩu, tức là nghiên cứu chất văn học trong phần ca từ của các bài ca nghi lễ đám cưới. Việc nghiên cứu này sẽ giúp chúng ta hiểu được cái hay, cái đẹp trong nội dung tư tưởng, nghệ thuật thể hiện của phần lời các bài ca. Tất nhiên, nội dung không thể tách rời khỏi nghệ thuật thể hiện và môi trường diễn xướng của Thơ lẩu. Điều đó có nghĩa là chúng tôi vẫn ý thức được mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng giữa văn bản lời ca và hình thức diễn xướng của loại hình văn hóa dân gian này. Vấn đề này sẽ được làm rõ trong chương sau, khi tìm hiểu về Thơ lẩu trong đời sống văn hóa dân gian.

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 36 - 39)