Trong đám cưới người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn xưa, người diễn xướng phải mặc quần áo truyền thống như cách ăn vận của mọi người. Đó là áo chàm, bằng vải bông tự dệt và khâu lấy. Trang phục truyền
thống của người Tày được cắt may đơn giản, không màu sắc sặc sỡ và không có hoa văn, hoạ tiết trang trí loè loẹt. Áo dài của đàn ông và phụ nữ đều là áo năm thân. Áo của nữ giới màu chàm dài tới bắp chân, của nam giới màu đen dài tới đầu gối. Ngoài áo chàm nữ giới còn mặc quần hoặc váy, thắt lưng, khăn đội đầu, đi giày vải. Nam giới mặc quần đen hoặc trắng, quấn khăn dài hoặc đội khăn xếp, hoặc đội mũ, đi giày vải.
Ngày nay, quần áo dân tộc không phổ biến. Người Tày chuyển sang ăn mặc theo kiểu thời trang phổ thông như đồng bào miền xuôi. Nhưng dù có ăn vận thế nào thì yêu cầu về trang phục của người diễn xướng cũng phải thật chỉnh tề, sang trọng. Một số Quan làng còn mặc Âu phục, nhưng đội mũ nồi. Một số Pả mẻ còn mặc áo dài của người Kinh.
Như vậy, trang phục diễn xướng Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn cũng có sự thay đổi phù hợp với sự thay đổi về hoàn cảnh xã hội, tập tục sinh hoạt của đồng bào địa phương. Tuy nhiên, tiếc rằng trang phục truyền thống không còn phổ biến và đang bị thu hẹp phạm vi sử dụng một cách nhanh chóng. Việc một đám cưới được tổ chức ăn mặc theo kiểu truyền thống sẽ có tác động tích cực tới ý thức bảo tồn trang phục truyền thống nói chung và các giá trị văn hoá của người Tày nói riêng.