Đặc sắc trong lời Thơ lẩu

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 80 - 85)

Thơ lẩu trong đám cưới xưa ở Chợ Đồn - Bắc Kạn là những cuộc hội ca bất tận, lời ca được cất lên như theo gió lan tỏa khắp không gian, hòa chung với âm hưởng của đại ngàn. Qua lời Thơ lẩu, người Tày hiểu thêm về nhau, tin tưởng và quý trọng nhau hơn. Ở đây, chúng tôi không bàn

xét các lời Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn là hay hay dở, mà qua việc đi điền dã, phỏng vấn chúng tôi muốn bước đầu tìm hiểu một số nét khác biệt trong lời Thơ lẩu sưu tầm được ở Chợ Đồn - Bắc Kạn so với lời Thơ lẩu chúng tôi và các nhà nghiên cứu khác sưu tầm được ở những địa phương khác. Những nét khác biệt này có thể tạo nên dấu ấn đặc sắc của lời ca. Thực tế trong ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày, tiếng Tày ở các địa phương còn có sự khác biệt nhiều hơn nữa.

Trước hết, chúng tôi nhận thấy tiếng Tày ở các vùng khác nhau có sự khác biệt về phương ngữ. Có khi ở mặt từ ngữ, song chủ yếu là về mặt ngữ âm. Nếu như người Tày ở Cao Bằng, Lạng Sơn có cách nói mềm mại, nhẹ nhàng, êm ái thì người Tày Bắc Kạn, lại nói gọn âm, dứt khoát, mạnh mẽ hơn. Nhưng so với người Tày ở một số địa phương khác trong tỉnh thì người Tày Chợ Đồn lại được cho là có cách phát âm khá mềm mại.

Về kho từ vựng trong tiếng Tày cơ bản không có gì khác nhau, song do điều kiện sống của người Tày ở mỗi vùng mà họ có thói quen dùng từ khác nhau. Ví dụ:

Từ “nhìn” ở huyện Bạch Thông thường nói là “ngòi”; còn ở huyện Pắc Nặm sẽ nói là “đếnh, dòm”, ở huyện Chợ Đồn phát âm là “lè”.

Từ “hai”, người Tày huyện Bạch Thông phát âm “sloong” còn ở huyện Pác Nặm, Chợ Đồn phát âm là “thoong”.

Từ “gạo tẻ” người Tày huyện Bạch Thông phát âm là “khẩu lẹ”, người Tày Chợ Đồn phát âm là “khẩu chăm”.

Từ “đi chơi” người Tày huyện Bạch Thông phát âm là “pây lỉn” người Tày Chợ Đồn phát âm là “pây liều”.

Từ “đi chợ” người Tày huyện Bạch Thông phát âm là “pây háng”, người Tày Chợ Đồn phát âm là “pây chợ”.

Từ “quả ớt” người Tày huyện Bạch Thông phát âm là “mác chiều”, người Tày Chợ Đồn phát âm là “mác phết”.v.v

Ngay tại huyện Chợ Đồn, người Tày ở các xã khác nhau lại có thói quen dùng những từ ngữ khác nhau để chỉ cùng một sự vật, sự việc. Ví dụ:

Từ “đu đủ” người Tày ở các xã Đồng Lạc, Xuân Lạc, Nam Cường, Quảng Bạch phát âm là “mác lào”, người Tày ở xã Yên Thượng, Yên Thịnh phát âm là “mác cây”, người Tày ở Phương Viên, Đông Viên phát âm là “mác vả”.

Từ “nóng” người Tày ở các xã Đồng Lạc, Xuân Lạc, Nam Cường, Quảng Bạch phát âm là “đướt”, người Tày ở xã Phương Viên, Đông Viên phát âm là “mồm”.

Từ “con cá” người Tày ở xã Lương Bằng phát âm là “tua cha”, người Tày ở xã Phương Viên, Đông Viên phát âm là “tua pia”.

Từ “con dao” người Tày các xã Lương Bằng, Yên Mỹ, Nghĩa Tá phát âm là “mặc chạ”, người Tày ở xã Phương Viên, Đông Viên phát âm là “mặc pịa” .v.v

Về ngữ điệu trong tiếng Tày ở các địa phương cũng không giống nhau. Nam thanh niên ở phía Nam huyện Chợ Đồn truyền tai nhau câu nói vui: “Âu mè dú Yên Nhuận, Yên Mỹ, Đại Xảo mèn đá tó mì chếp” Nghĩa là: Lấy vợ xã Yên Nhuận, Yên Mỹ, Đại Xảo mình bị mắng, nghe cũng không đau. Bởi giọng nói của các cô gái ở đây luyến láy rất ngọt ngào. Ở các xã phía Đông Bắc của huyện Chợ Đồn như Phương Viên, Đông Viên, Bằng Phúc hay ở thị trấn Bằng Lũng cách phát âm lại có phần cứng và gọn hơn. Ví dụ:

Từ “đi chơi” người Tày ở Phương Viên, Đông Viên, Bằng Phúc phát âm ngắn gọn là “pây liều” thì người Tày ở khu vực Yên Nhuận, Yên Mỹ, Đại Xảo lại phát âm kéo dài hơi là “pây liếu…”

Từ “ăn tối” người Tày ở Phương Viên, Đông Viên, Bằng Phúc phát âm ngắn gọn là “chin pjầu” thì người Tày ở khu vực Yên Nhuận, Yên Mỹ, Đại Xảo lại phát âm kéo dài hơi là “chin chjầu…”

Thơ lẩu là một sản phẩm của nghệ thuật ngôn từ, dùng chính lời ăn tiếng nói hàng ngày làm công cụ sáng tạo nên hiển nhiên Thơ lẩu ở các địa phương khác nhau có sự khác nhau về lời ca. Ngay cả khi một bài

Thơ lẩu ở địa phương này được diễn xướng, lưu truyền và “sống” tại địa phương khác thì lời ca của nó cũng phải thay đổi theo cho phù hợp.

Ngoài đặc sắc về ngôn từ, Thơ lẩu còn là kho tàng dân ca đám cưới có giá trị về cả số lượng và chất lượng. Thực tế, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy: Ở nhiều xã tồn tại tới hai hoặc hơn hai bài Thơ lẩu có cùng chức năng thực hành một nghi lễ, cùng một nội dung muốn thổ lộ, giãi bày. Qua diễn xướng, người Tày nghe và cảm nhận bài Thơ lẩu nào hay hơn thì nó sẽ có sức sống mãnh liệt hơn so với các bài Thơ lẩu khác. Và qua thời gian tuyển chọn, đến một lúc nào đó, các nghệ nhân dân gian sẽ chỉ diễn xướng những bài Thơ lẩu đặc sắc nhất.

Ví như xưa kia Thơ lẩu ở Chợ Đồn – Bắc Kạn có ít nhất ba bài hát khác nhau có thể diễn xướng khi Quan làng từ chối lấy rượu rửa chân. Song theo lời trao đổi với ông Lâm Xuân Ân - nguyên trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Chợ Đồn, ngày nay bài “Chối rượu rửa chân” ở các xã Phương Viên, Đông Viên, Rã Bản… được diễn xướng phổ biến hơn cả vì lời hát mang tính bác học hơn, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của đồng bào.

“Khỏi chiềng mừa các á lườn cần Pửa cón Vua Kim Long tạo óc Tạo pền nặm bó luộc khao shâư

Bách thức kin và cần dào dụp. Lệ vật cúa kim ngần nẳng tẩư Đồ vật cúa khẩu lẩu nẳng nưa Khẩu lẩu nẳng ngang vua ngọc váng

Nào cần au lồng làng dào kha Lẹo nằm lầu au cà mà xút Khẩu lẩu cúa bách thức cần kin.

Mà thẻ nặm làng tin lừ đảy Cần cỏi nghị đâng thảy ngòi đu

Vàn cần cỏi mừa hẩư khỏi!” (Xin thưa với các nàng tiếp tân Ngày xưa vua Kim Long đã dạy Khe cạn hãy đào lấy giếng khơi Nước cần cho muôn đời, muôn kiếp.

Không chỉ riêng cho việc vệ sinh Lễ vật cùng kim ngân hạng thứ Gạo, rượu, thịt là chủ nhân gian Những thứ xếp ngang hàng vua chúa.

Ai lại nỡ dùng rượu rửa chân Bí quá thì cọ trên rơm rạ

Hãy cất thứ quý giá này đi!) [39, tr. 21].

Bài “Chối rượu rửa chân” của các xã Nam Cường, Quảng Bạch, Đồng Lạc… hiện ít được diễn xướng tại huyện Chợ Đồn nhưng do các xã này gần với huyện Pác Nặm – Bắc Kạn, nên bài “Chối rượu rửa chân” ở đây lại là một trong những bài Thơ lẩu vẫn được diễn xướng khá phổ biến ở huyện Pác Nặm.

“Khỏi chiềng mừa các á lườn cần, Khuốp pi slíp sloong bươn vận quá,

Nhân tâm mì nặm tả dào kha Cần hâu âu lẩu trà mà quá. Lẩu the thiết khách là khửn lồng,

Cúa vị cạ kim ngần nẳng tẩư,khẩu lẩu nẳng nưa. Khẩu lẩu nẳng ngang vua Ngọc vàng

Hất làng âu lồng lảng dào kha. Lẹo nằm khỏi âu nhù mà xúc, Lẩu là của bách thức cần chin,

Mà thẻ nặm làng tin lừ đẩy, Cần cói nghị đâng thảy ngòi đu.

Chắc cạ chử slắc câu lự bấu Chứ căn cỏi củ hẩư mừa the.” (Tôi thưa đến các con nhà người, Trong năm mười hai tháng đã qua,

Nhân tâm có nước suối rửa chân Có ai lấy rượu trà mà rửa. Rượu để tiếp khách lạ lên xuống,

Của ví như vàng bác đặt dưới, cơm rượu đặt trên. Cơm rượu đặt ngang vua Ngọc Hoàng

Nào ai lại đem xuống rửa chân. Hết nước ta lấy rơm chùi vậy, Rượu là đồ bách thức người ăn, Rượu thay nước rửa chân sao được.

Mong người hãy nhủ long thương Cất dùm rượu tôi xin cảm tạ)

Hay để xin cất dây chăng cản đường, xin cất đó chắn vào cửa nhà, người Tày huyện Chợ Đồn cũng có tới ít nhất ba bài Thơ lẩu. Bài hát mời khách ăn trầu, hát xin dâu, hát bái tổ... cũng có tới ít nhất hai bài.

Điều này cho thấy Thơ lẩu là hình thức dân ca đám cưới có quy mô, phong phú, đa dạng về số lượng. Lời Thơ lẩu là loại văn vần, có ca từ độc đáo, đặc sắc, giữa các bài không bị trùng lặp nhiều nên bài nào cũng có sức hấp dẫn riêng. Những nét đặc sắc trong lời Thơ lẩu sẽ tạo nên sự kì diệu cho các lời thơ vượt qua sự bào mòn của dòng chảy thời gian vẫn sẽ không bị nhạt nhòa, tan biến mà mãi còn lại, vẫn thắm đượm và tỏa sáng.

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 80 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)