Hình thức diễn xướng

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 77 - 80)

* Hát

Nhìn chung, hình thức chủ yếu của diễn xướng Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn là hát đối đáp. Hát đối đáp trước hết thể hiện ở người hát. Khi diễn xướng, hai gia đình được chia ra làm hai phía. Phía nhà trai, đại diện chủ yếu là Quan làng. Nhà gái đại diện chủ yếu là Pả mẻ. Thường cứ đại diện nhà gái hát xong thì đại diện nhà trai sẽ hát tiếp lời. Quá trình hát cứ nối nhau như vậy cho đến khi các nghi lễ đám cưới kết thúc. Hình thức hát đối đáp còn được thể hiện ở nội dung bài hát. Thường đại diện bên chủ nhà sẽ hát hỏi khách hoặc mời chào. Khách sẽ đáp lại để

giới thiệu, nhận lời hay từ chối một cách lịch sự, chân thành. Khi tiếng hát của nhà chủ vừa dứt thì tiếng hát của khách lại được cất lên. Cứ p hát triển như vậy, Thơ lẩu trở thành cuộc giao lưu, trò chuyện dưới hình thức hát.

Ngoài hát đối đáp, Thơ lẩu còn sử dụng hình thức hát đơn (tự hát). Hình thức này được dùng để chủ động giới thiệu về bản thân và tự thể hiện những suy nghĩ, tình cảm chủ quan của mình một cách tự nhiên, không bị gò ép. Như khi đoàn nhà trai lên nhà gái gặp rất nhiều vật cản, Quan làng phải tự cất tiếng hát để nói lí lẽ và xin phép nhà gái cất giúp. Hay những bài chúc mừng, căn dặn... cũng chỉ được đại diện một bên gia đình hát lên. Hình thức hát này làm cho không khí đám cưới thêm thoải mái, thân thiện. Trong hát đơn còn có cách hát nói (hát rọi). Người Tày gọi là Phuối pác, Phuối rọi. Đó là những câu nói liên miên, hát như nói, nói như hát một cách tự nhiên, sáng tạo mà có vần, có nhịp, lại không cần ngâm ca. Những câu nói này gần với lời ăn, tiếng nói hàng ngày của đồng bào nhưng trong quá trình diễn xướng, qua nhiều tình huống lặp lại nó được gọt giũa, cô đọng trở nên giàu chất thơ và mang tính xã giao lịch sự. Hình thức này thường gặp trong những lời tự nguyện giới thiệu về bản thân của Quan làng, Pả mẻ. Ví như lời Pả mẻ khiêm tốn giới thiệu:

“Khỏi chiềng mừa song thân quý họ. Khỏi chiềng mừa bác, pả ,áo, a. Khỏi bố mì thon rộng tài cao, chin nũng bố khôn khẻo bẳng cần, đẩy bạc pả khỏi gạ khỏi mà, thay nã pang nhình thống tua lan mà hết lùa,hết lục.”

(Kính thưa hai bên quý họ. Kính thưa bác, bá, cô, chú. Tôi không học rộng tài cao, ăn nói không khôn khéo bằng người nhưng được sự ủy quyền của bác bá, tôi thay mặt họ nhà gái đưa cháu về làm con dâu.)

Trong Thơ lẩu, những lời hát nói này thường không bắt buộc phải có, mà tùy thuộc vào tâm tư, tình cảm, tài năng của người diễn xướng.

Thơ lẩu là một loại hình dân ca tổng hợp với nhiều làn điệu khác nhau thể hiện theo các nghi lễ, vừa bao hàm cả thành phần giao duyên,

vừa kết hợp các làn điệu dân ca khác của người Tày như: Lượn, Sli, Phong slư, Phuối Pác. Lượn là lặp lại, là luyến, là ru. Lượn có giai điệu vang xa tha thiết; Có giai điệu bâng khuâng, thương nhớ; Có giai điệu lại lắng đọng lòng người. Sli là những bài hát văn vần để giao duyên trong những ngày hội của trai gái. Người Tày dùng từ “Lượn” để chỉ hầu hết nền dân ca của họ, người Nùng lại dùng từ “Sli” để gọi tên nền dân ca của mình. Phong slư là những bức thư tình buồn với những lời hoa mỹ, ghi lại tâm tư thầm kín trong tình yêu trắc trở, xa cách [19].

Theo lời trao đổi với tiến sĩ sử học Hoàng Ngọc La - người nghiên cứu và có nhiều hiểu biết về Thơ lẩu, ông cho rằng các làn điệu Thơ lẩu nói chung bình thường thì đều đặn, khoan thai, khi vui âm hưởng nhanh hơn, trong lễ dâng tấm vải ướt khô hay căn dặn, chia tay âm hưởng các bài hát lại chậm rãi, trầm lắng. Càng về gần kết thúc lễ cưới ở nhà gái, làn điệu giao duyên càng ngậm ngùi, buồn nhiều hơn vui. Đặc biệt khi gần kết thúc lễ cưới ở nhà trai, các bài Thơ lẩu chuyển hẳn sang làn điệu giao duyên theo kiểu Phong slư để chia tay và chúc hạnh phúc cô dâu, chú rể.

Hình thức hát trong diễn xướng Thơ lẩu rất phong phú, đa dạng. Chính nhờ các hình thức hát này mà diễn xướng Thơ lẩu trở nên sinh động, không bị nhàm chán và thu hút được nhiều người tham gia, theo dõi.

* Cử chỉ, động tác

Trong diễn xướng Thơ lẩu ở Đồn - Bắc Kạn, người diễn xướng cũng sử dụng các cử chỉ, động tác để thể hiện thái độ, tình cảm. Những động tác này không phức tạp, không mang tính nghệ thuật, mà là các động tác đơn giản, dễ làm, phù hợp với nội dung bài hát.

Các động tác thường là: cung kính chắp tay, đưa tay, giơ tay cao thấp, lắc lư theo âm điệu của bài hát... Động tác của người diễn xướng phải gây được thiện cảm và phần nào phản ánh được tư tưởng chính của

bài hát, như: thể hiện thái độ lịch sự, thái độ trân trọng, thái độ thân tình với mọi người... Nói chung việc sử dụng cử chỉ động, động tác trong Thơ lẩu có hay không có là do khả năng của từng người diễn xướng. Hoàn toàn không bắt buộc cứ cất tiếng hát lên là phải có các động tác minh hoạ. Tuy nhiên, việc sử dụng đúng và phù hợp các cử chỉ, động tác trong diễn xướng cũng góp phần tạo nên sự thành công cho việc chuyển tải thái độ, tình cảm của người diễn xướng đến những người xung quanh.

* Âm nhạc

Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn, được diễn xướng không trên nền nhạc cụ nào. Đây là điểm độc đáo trong diễn xướng Thơ lẩu so với các loại hình dân ca khác của người Tày.

Đời sống của đồng bào Tày luôn gắn với âm nhạc. Trong các lễ hội, tang ma, Then, Pụt đều có âm nhạc làm nền cho các bài ca. Âm thanh của các loại nhạc cụ dân tộc như tiếng sáo, tiếng đàn tính, tiếng bộ xóc, tiếng trống... rất quen thuộc trong sinh hoạt văn hoá của đồng bào. Từ xa xưa, trong đám cưới, diễn xướng Thơ lẩu đã không có tiếng nhạc. Có lẽ, do các bài Thơ lẩu mang tính ứng khẩu nhanh nên không theo khuôn mẫu giai điệu nào. Âm điệu, độ dài các bài hát lại có thể thay đổi tuỳ vào khả năng của người diễn xướng, nên không có cũng như khó có nhạc cụ nào phụ hoạ, khớp nhạc theo cho phù hợp.

Thơ lẩu chủ yếu được biết đến qua hình thức diễn xướng trong đời sống dân gian. Diễn xướng là điều kiện sống còn đối với hình thức hát đám cưới này.

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)