Nghiên cứu, khảo sát Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn, dễ dàng nhận thấy trong các bài hát không có sự xuất hiện rõ ràng của các nhân vật diễn xướng. Bởi nhân vật diễn xướng và nhân vật trữ tình trong Thơ lẩu bị đồng nhất.
Người diễn xướng các bài Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn không chỉ có Quan làng, Pả mẻ mà còn có Chủ hôn và Phường họ bạn. Chủ hôn là người đại diện cho gia đình, được cử ra để giao tiếp và đưa ra thử thách với gia đình thông gia. Phường họ bạn tham gia vào diễn xướng Thơ lẩu trong các nghi lễ như: chăng dây, giao tặng phẩm, chúc mừng... cũng cử ra đại diện của mình. Chủ hôn và những người đại diện cho Phường nếu không hát được có thể nhờ Quan làng hay Pả mẻ hát giúp. Ngoài ra, nếu được yêu cầu thì Phù dâu, Phù rể cũng sẽ tham gia vào diễn xướng. Phù dâu, Phù rể thường có tới 4 - 6 người. Họ là những người chưa vợ, chưa chồng, hoạt bát, lanh lợi, có tài ứng khẩu. Họ có thể cử đại diện ra hát hoặc nhờ Quan làng, Pả mẻ hát thay.
Như vậy, có thể nhận thấy vai trò của Quan làng và Pả mẻ rất quan trọng trong diễn xướng Thơ lẩu. Họ dẫn dắt, tổ chức các bước của quá trình diễn xướng, đồng thời là những nghệ nhân diễn xướng chủ yếu, là người “giữ lửa”, là “linh hồn” của cả phái đoàn. Quan làng, Pả mẻ là người
thay mặt nhà trai, nhà gái, có đủ thẩm quyền và khả năng giải quyết mọi công việc, thực hiện các nghi lễ đám cưới. Trong xã hội xưa, Quan làng và Pả mẻ được chọn phải là những người đứng tuổi, thân thiết trong gia đình, ngoại giao tốt, thuộc nhiều bài hát dân gian, biết làm thơ và nhanh trí trong ứng xử. Họ cũng là người có uy tín, lịch thiệp, đông con, có cả con trai lẫn con gái, vợ chồng song toàn. Nếu họ là người có địa vị trong xã hội thì càng tốt. Quan làng, Pả mẻ là những người có uy tín trong việc đưa dâu, đón dâu chứ không phải là những ông Then, thầy Pụt. Ngày nay, Quan làng, Pả mẻ đã được “chuyên nghiệp hoá”, được coi như một nghề trong cuộc sống. Nhưng nếu các nghề khác, con người lao động để kiếm sống thì Quan làng và Pả mẻ lại coi việc giúp đỡ các gia đình nhà đám là trọng. Họ hát để thực hiện các nghi lễ, gieo thêm niềm vui và chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ trong đám cưới, còn thù lao với họ thì chỉ đơn giản là một bữa cơm rượu hay đĩa xôi, con gà. Với sự nhiệt tình như vậy, họ cũng được coi là thành viên của gia đình.
Các bài Thơ lẩu không thể hát tùy tiện, mà phải theo trật tự nhất định, nên việc tổ chức hát cũng được quy định chặt chẽ và có những tiêu chuẩn nhất định. Thơ lẩu mang tính “ngoại giao”, cho nên, bất kể ai khi diễn xướng, cái tôi của họ sẽ hòa vào ca từ của bài hát để thể hiện vai trò, nhiệm vụ và bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của chính mình cũng là của cả phái đoàn với mọi người. Nhân vật diễn xướng trong các lời hát hiện lên không chỉ là cá nhân Quan làng hay Pả mẻ mà còn đại diện cho hai họ. Lúc này, nhân vật trữ tình và nhân vật diễn xướng đều hòa nhập làm một, cảm xúc chứa đựng trong mỗi lời ca tiếng hát là tiếng nói của con tim, hết sức chân thành, tha thiết. Nói cách khác nhân vật diễn xướng và nhân vật trữ tình trong Thơ lẩu là một.